Bi hài chuyện các quan tham Trung Quốc tiến thân và 'chết' vì gái (Kỳ 1)
Người Trung Quốc xưa có câu răn dạy 'Hiếu sắc chi tâm bất khả vô, tham sắc chi tâm bất khả hữu' (Người ta ai cũng hiếu sắc, nhưng không thể tham sắc). Tuy nhiên, tuyệt đại đa số các các quan tham bị ngã ngựa trong cuộc chiến 'đả Hổ' từ sau Đại hội 18 đến nay đều đã để mình trở thành nô lệ của sắc dục để rồi không những nhà tan cửa nát, rơi lon mất chức mà còn rơi vào vòng tù tội, thậm chí mất cả tính mạng…
Quan tham “chết” vì người tình quay lưng
Sự kiện đầu tiên đánh dấu việc quan chức Trung Quốc “dính” bê bối sắc dục là “Sự kiện Lôi Chính Phú” được Tân Hoa xã đưa tin ngày 7/5/2013: 21 quan chức ở thành phố Trùng Khánh bị kỷ luật đảng với mức cảnh cáo và khai trừ vì bị tung các hình ảnh nhạy cảm lên mạng; trong đó Lôi Chính Phú, Bí thư kiêm Chủ tịch khu (quận) Bắc Bội bị cô người tình Triệu Hồng Hà bí mật quay video clip khi hai người lên giường suốt trong thời gian từ 2007 đến 2013 rồi đòi 3 triệu Nhân dân tệ (10,5 tỷ VND). Khi “Lôi Bí thư” không chịu, ả người tình trẻ hơn ông 19 tuổi Triệu Hồng Hà đã đưa những hình ảnh phòng the cùng người tình lên mạng.
Vụ việc vỡ lở, Lôi Chính Phú đã bị khai trừ đảng, cách chức; sau đó bị đem ra xét xử và nhận án tù 13 năm, phạt 300 ngàn tệ vì phạm tội nhận hối lộ. Vụ án Lôi Chính Phú đã mở đầu cho trào lưu sử dụng mạng xã hội để “đả Hổ, đập Ruồi”ở Trung Quốc.
Lôi Chính Phú và cô người tình Triệu Hồng Hà
Một trong những vụ việc gây xôn xao nhất là ngày 14/6/2018, ông Hạng Tuấn Ba, nguyên Ủy viên trung ương khóa 18, Chủ tịch Ủy ban Quản lý giám sát bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) bị Tòa án thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô xét xử vì tội nhận hối lộ. Hạng Tuấn Ba bị cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng 19,42 triệu NDT (68 tỷ VND).
Trước tòa, ông ta đã nhận tội, nhưng đến nay mức án vẫn chưa được công bố. Ngoài việc phạm tội nhận hối lộ, Hạng Tuấn Ba còn là một kẻ dâm ô, đồi bại. Nhiều nữ nhân viên xinh đẹp ở các cơ quan Ủy ban giám sát bảo hiểm, cơ quan Tổng thanh tra, Ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nông nghiệp là nơi Hạng Tuấn Ba từng giữ chức vụ lãnh đạo đều bị ông ta cưỡng dâm. Có nguồn tin nói Ba đã có quan hệ tình ái với 123 phụ nữ, trong số đó có tới 21 cô người tình cố định và có tới 6 con riêng với họ.
Nhưng thật khôi hài, sau khi Hạng Tuấn Ba bí mật tiến hành giám định DNA thì chỉ có một đứa bé đúng là con của ông ta, vì vậy ông từng bị giễu cợt là “Kẻ đi cắm sừng bị cắm sừng”. Tuy nhiên. “gậy ông đập lưng ông”, Hạng Tuấn Ba đã ngã ngựa vì bị người tình tố giác do định “bỏ của chạy lấy người”.
Ông Hạng Tuấn Ba khi còn giữ chức.
Quan tham “đi đường lối phu nhân”
Trong số hàng trăm quan tham Trung Quốc bị mất chức trong chiến dịch “đả Hổ, đập Ruồi” được phát động từ sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, không ít người đã “đi đường lối phu nhân” -- một cách nói giễu cợt của báo chí -- chỉ những ông quan tiến thân nhờ vợ. Cách làm của họ rất đa dạng: có người bắt quen với phu nhân lãnh đạo cấp trên để tiếp cận và lấy lòng sếp, thậm chí có người cho vợ làm “con nuôi” của sếp trên để mình được tiến thân…
Trương Việt (trái) thông qua vợ tiệp cận Chu Vĩnh Khang (phải) để được thăng tiến.
Ngày 16/4/2016, trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (UBKTKLTW) thông báo: Trương Việt, Ủy viên thường vụ, Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật tỉnh ủy Hà Bắc bị đình chức để điều tra, trở thành Ủy viên thường vụ thứ 4 của tỉnh ủy Hà Bắc bị quật ngã (3 người trước đó là Bí thư tỉnh ủy Chu Bản Thuận, Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Trương Bân và Tổng thư ký tỉnh ủy Cảnh Xuân Hoa).
Trương Việt là người triệt để sử dụng “đường lối phu nhân” trên con đường làm quan. Thông qua cô vợ hai trẻ Mạnh Lợi, Trương Việt đã được Chu Vĩnh Khang - Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, biết tới và nâng đỡ để thăng tiến vù vù. Báo chí cho biết, Mạnh Lợi và Giả Hiểu Diệp – cô vợ hai trẻ đẹp của Chu Vĩnh Khang là đồng sự và bạn thân cùng làm trong kênh Kinh tế của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Mạnh Lợi (trái) và Giả Hiểu Diệp (phải), hai cô vợ trẻ của Trương Việt và Chu Vĩnh Khang .
Giả Hiểu Diệp đã giới thiệu bạn và chồng bạn với Chu Vĩnh Khang, khi đó đang là Phó Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương kiêm Bộ trưởng Công an Trung Quốc. Chu Vĩnh Khang đã điều Trương Việt từ Cục CA Bắc Kinh lên Bộ, trao chức Cục trưởng, sau đó đưa về tỉnh Hà Bắc làm đến Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật, Giám đốc CA tỉnh, nắm đại quyền sinh sát, thỏa sức vơ vét… Ngày 12/7/2018, Tòa án thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã mở phiên công bố mức án phạt đối với Trương Việt; theo đó, Trương Việt bị tuyên phạt 15 năm tù, nộp phạt 5 triệu NDT, tịch thu và truy thu tất cả thu nhập phi pháp sung kho nhà nước.
Một trường hợp khác là Dương Vệ Trạch, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Giang Tô, Bí thư thành ủy Nam Kinh bị ngã ngựa ngày 4/1/2015, cùng bị bắt còn có vợ là Thái Thanh Bội và ả nhân tình “hồng nhan tri kỷ” Dư Mẫn Yến.
Dương Vệ Trách và cô người tình Dư Mẫn Yến.
Dương Vệ Trạch là người rất biết cách nhờ “ngoại lực” để tiến thân. Năm 1996, ông ta được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Giao thông tỉnh Giang Tô, 2 năm sau được thăng Giám đốc sở. Báo chí địa phương cho biết Trạch được lãnh đạo cấp trên quan tâm nâng đỡ bởi đã để cho bà vợ trẻ đẹp Thái Thanh Bội nhận vị lãnh đạo đầu tỉnh làm “bố nuôi”. Dương Vệ Trạch còn tìm đến cả Chu Vĩnh Khang để nhờ vả. Từ 2004 đến 2006, khi Trạch làm lãnh đạo thành phố Vô Tích đã tìm đến anh em Chu Vĩnh Khang để làm quen rồi lợi dụng chức vụ xây nhà, làm đường cho gia tộc họ Chu, khiến Chu Vĩnh Khang rất hài lòng. Ngày 14/12/2016 Dương Vệ Trạch đã phải nhận mức án 12 năm 6 tháng tù giam vì tội tham nhũng.
Dư Viễn Huy, Ủy viên thường vụ Khu ủy Quảng Tây, Bí thư thành ủy Nam Ninh hối lộ vợ chồng Lệnh Kế Hoạch - Cốc Lệ Bình để được thăng tiến.
Dư Viễn Huy, Ủy viên thường vụ khu ủy Khu tự trị Quảng Tây, Bí thư thành ủy Nam Ninh bị bắt giam tháng 11/2015 với cáo buộc pham tội nhận hối lộ. Sinh năm 1964, người dân tộc Dao, quan lộ của Dư Viễn Huy rất hanh thông, thuận lợi, có nhiều “quý nhân” phù trợ, trong đó bà vợ Trần Yến Hồng đóng vai trò rất quan trọng.
Theo những quan chức công tác bên cạnh Huy lâu năm, năm 36 tuổi ông ta đã là Bí thư Khu (tỉnh) đoàn Quảng Tây, hàm giám đốc sở. Trần Yến Hồng là họ hàng của một quan chức lãnh đạo cao cấp Quảng Tây, thường xuyên qua lại với Cốc Lệ Bình, vợ Lệnh Kế Hoạch – Bí thư Trung ương, Chánh văn phòng TW Đảng, Thư ký của Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào.
Năm 2003, khi Dư Viễn Huy là Bí thư Khu đoàn đã tuyên truyền gọi vốn cho một dự án của “Quỹ khởi nghiệp thanh niên Trung Quốc - YBC” do Cốc Lệ Bình đứng đầu, sau đó khi về giữ chức ở thành phố Ngô Châu, Huy vẫn ra sức tiếp sức cho dự án này và sự nghiệp của ông ta cũng rộng mở từ đó.
Vợ chồng Lệnh Kế Hoạch - Cốc Lệ Bình.
Thông qua dự án này, Dư Viễn Huy và vợ quen biết Cốc Lệ Bình rồi Trần Yến Hồng trở nên thân thiết với bà phu nhân của Lệnh Kế Hoạch. Khi Dư Viễn Huy giữ chức Bí thư Ngô Châu, một số ông chủ ở đây đã gom nhau được mấy chục triệu NDT để Dư Viễn Huy mang biếu Lệnh Kế Hoạch, nhờ đó ông ta được thăng tiến rất nhanh. Ngày 28/4/2017, Tòa án châu tự trị dân tộc Miêu Thổ Gia, tỉnh Hồ Nam, đã tuyên phạt Dư Viễn Huy 11 năm tù giam vì hành vi nhận hối lộ tổng số tiền và đồ vật trị giá 8,8 triệu Nhân dân tệ (khoảng 1,27 triệu USD) từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
So với các quan chức kể trên, cách mà Tổng giám đốc Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc Mao Hiểu Phong “đi đường lối phu nhân” còn trực tiếp hơn nhiều. Ông ta lập một “Câu lạc bộ phu nhân”, chuyên phụng dưỡng các phu nhân của quan chức cao cấp, trong đó có Cốc Lệ Bình (vợ Lệnh Kế Hoạch) và Vu Lệ Phương (vợ Tô Vinh, Phó Chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc).
Mao Hiểu Phong, Tổng giám đốc Ngân hàng Dân Sinh trả lương khống cho vợ các quan lớn ở trung ương để được nâng đỡ, thăng tiến.
Ngày 30/1/2015, Mao Hiểu Phong bị UBKTKLTW bắt giữ vì liên quan đến “Vụ án Lệnh Kế Hoạch”. Sau đó, Ngân hàng Dân Sinh ra thông báo: Hội đồng quản trị Ngân hàng đã nhận được đơn xin từ chức của Mao Hiểu Phong “vì lý do cá nhân”.
Mao Hiểu Phong và Lệnh Kế Hoạch được coi là “huynh đệ” của nhau. Từ 1993 đến 1998, Phong học nghiên cứu sinh Thạc sĩ ở Học viện quản lý công thương, Đại học Hồ Nam; Lệnh Kế Hoạch năm 1996 cũng lấy bằng Thạc sĩ cùng ngành ở đó. Báo chí cho biết, Phong lập ra “CLB phu nhân” để nhiều bà vợ quan chức cao cấp được hưởng lương mà chẳng cần làm việc gì ở Ngân hàng Dân sinh. Trong đó, Cốc Lệ Bình được Phong cho giữ chức vụ lãnh đạo hờ suốt 3 năm tại một công ty trực thuộc; bà Vu Lệ Phương cũng giữ chức vụ lâu dài ở Dân Sinh, sau khi về hưu, bà vẫn được mời làm Trưởng ban Thanh tra của Hội đồng quản trị ngân hàng này.
Năm 2011, Lệnh Kế Hoạch đã tiếp riêng Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Dân Sinh Đổng Văn Tiêu, ngỏ ý nhờ giúp đỡ nhiều hơn cho YBC (Quỹ Thanh niên khởi nghiệp) của bà vợ Cốc Lệ Bình. Sau đó Ngân hàng Dân Sinh không những tham gia Ban điều hành, mà còn cung cấp trụ sở để YBC sử dụng. Nhờ mối quan hệ với vợ chồng Lệnh Kế Hoạch – Cốc Lệ Bình mà Ngân hàng Dân Sinh làm ăn thuận lợi và Mao Hiểu Phong thăng tiến rất nhanh: năm 2008, Phong được đề bạt làm phó tổng giám đốc, là thành viên trẻ tuổi nhất trong ban lãnh đạo ngân hàng. Tháng 8/2014, Mao được bầu làm bí thư đảng ủy, rồi được thăng làm tổng giám đốc khi mới 42 tuổi.
(Còn tiếp)