Bi hài chuyện lưu trữ 'con giống'
Tâm lý chung của người đàn ông đều không muốn bất kỳ ai biết 'mình không có tinh trùng', điều đó đồng nghĩa với 'thiếu bản lĩnh đàn ông'.
Ở các trung tâm lưu trữ “con giống” hiện nay, số lượng mẫu lưu trữ cá nhân thì nhiều nhưng lại khá hiếm mẫu “con giống” hiến tặng cho ngân hàng tinh trùng. Thực trạng chung là cung không đủ cầu…
Mắc quai bị, nam thanh niên vội vàng đi gửi “con giống”
Ngay sau khi được bác sĩ chẩn đoán mắc quai bị, Nguyễn Hùng V. (20 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) được mẹ đưa đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, BV ĐH Y Hà Nội xin gửi tinh trùng. Theo chia sẻ của chị Huỳnh Ngọc L. (mẹ của V.): “Nhà chị có mỗi cậu con trai, bỗng dưng mắc quai bị, cũng chưa biết thế nào, chỉ nghe bác sĩ cảnh báo nguy cơ có thể ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng, mất cơ hội làm cha sau này nên cứ chủ động gửi sẵn. Chứ nhỡ đâu, mình lại hối hận cả đời”.
Không chỉ những trường hợp như V. mà nhiều người đến với trung tâm này với nhu cầu gửi “con giống” đều có những lý do riêng. Có thể đó là một bệnh nhân nam ung thư chuẩn bị bước vào giai đoạn xạ trị hóa chất, cũng có thể đó là những quý ông “đương chức, đương quyền” chưa dám sinh con thứ 3 nhưng lại lo ngại đến ngày muốn có con thì “con giống” lại quá “date”, hay có những người lo xa “để dành” biết đâu lại có nhu cầu muốn sinh thêm con…
Cũng nhờ kỹ thuật lưu trữ “con giống” ngày càng hiện đại, đã mang lại niềm hạnh phúc tưởng không thể có được cho không ít gia đình. Năm 2018, anh Trần Trọng N. (Đan Phượng, Hà Nội) gặp nạn trong một vụ TNGT và tử vong ngay sau đó. Là con trai duy nhất, N. lại ra đi khi chưa lập gia đình. Được người quen chỉ dẫn, gia đình anh N. đã vội vàng liên lạc về trung tâm lưu trữ “con giống” nhờ hỗ trợ. Trong “cái rủi lại có cái may”, nhờ kịp thời lưu trữ “con giống”, người thân trong họ mạc đã đồng ý mang thai hộ mà trong thời gian tới, gia đình anh N. chuẩn bị đón “truyền nhân”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, BV ĐH Y Hà Nội: “Hiện, mọi người không còn xa lạ với khái niệm lưu trữ “con giống” nên lượng người tìm đến trung tâm với nhu cầu này khá nhiều. Nhất là với kỹ thuật hiện nay, khi thời hạn lưu trữ từ 10-15 năm, chi phí khá rẻ với 1,7 triệu đồng/năm”.
Tuy nhiên, trái ngược với nhu cầu lưu trữ cá nhân thì ngân hàng lưu trữ “con giống” được hiến tình nguyện để phục vụ cho mục đích giúp các gia đình thật sự hiếm muộn, vô sinh lại rất hiếm hoi.
Khi ngân hàng “con giống” cung không đủ cầu
“
Khác với “con giống” tại chợ đen, quy trình nhận vào ngân hàng “con giống” đảm bảo lọc bỏ gần như tuyệt đối các trường hợp nhiễm bệnh. Bởi người hiến sẽ được lấy máu, sàng lọc các bệnh truyền nhiễm HIV, viêm gan B, C... trước khi lấy tinh trùng. Mẫu này sau đó phải để ly giải một thời gian, đưa vào thiết bị để đánh giá chất lượng tinh dịch xem có đủ chuẩn không. Mẫu sẽ được bảo quản. Tuy nhiên, mẫu tinh trùng chỉ được sử dụng sau 3 tháng, khi người hiến quay lại lấy máu để xét nghiệm lần 2 đạt yêu cầu. Đây là bước để tiếp tục loại trừ một số bệnh như HIV có giai đoạn cửa sổ rất dài.
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà,
PGĐ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản
và công nghệ mô ghép, BV ĐH Y Hà Nội
”
Theo ông Hà, việc tự nguyện hiến tặng tinh trùng cho các ngân hàng trữ “con giống” gần như rất ít, chưa kể sau hiến, các mẫu sàng lọc đạt chất lượng lại càng hiếm. Do đó, số lượng tinh trùng tại đây luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Ở các nước phát triển, mỗi ngân hàng tinh trùng luôn dồi dào lượng mẫu. Mỗi mẫu đảm bảo nguyên tắc vô danh nhưng đều được ghi lại các đặc điểm để người có nhu cầu có thể chọn đối tượng phù hợp theo ý muốn. Còn ở Việt Nam, do quá ít nên buộc phải chọn mẫu ngẫu nhiên.
“Cùng vì điều này, tạo nên thị trường chợ đen về cung cấp tinh trùng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh. Điều này chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn về chất lượng con giống, sức khỏe tâm thần người hiến…”, ông Hà cho biết.
Do lượng dự trữ tinh trùng trong các ngân hàng “con giống” rất hạn chế nên để đảm bảo số mẫu nhất định, các trung tâm hiếm muộn đều yêu cầu cặp vợ chồng nào muốn xin mẫu tinh trùng phải thuyết phục bạn bè, người thân đến hiến, đảm bảo “1 đổi 1”.
Và chuyện này cũng từng được áp dụng ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, BV Đại học Y Hà Nội trong thời điểm trước. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Việc “1 đổi 1” là việc cực chẳng đã mà các trung tâm đòi hỏi ở các cặp vợ chồng hiếm muộn. Cũng vì điều này mà cũng đã có những cặp vợ chồng ngậm ngùi ra về vì nhất định không “1 đổi 1”. Điều này cũng dễ lý giải, tâm lý chung của mỗi người đàn ông đều không muốn bất kỳ ai, dù người thân biết “mình không có tinh trùng”, điều đó đồng nghĩa “thiếu bản lĩnh đàn ông”. Đây là vấn đề khá nhạy cảm”.
Hiện nay, riêng tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, BV ĐH Y Hà Nội không còn cảnh bắt buộc “1 đổi 1” với các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nữa. Theo chia sẻ của ông Hà, đó là nhờ việc truyền thông vận động tới các nam sinh viên trong trường ĐH Y Hà Nội đến hiến tinh trùng. “Mỗi năm cũng thu về ngân hàng được hơn 100 mẫu tinh trùng. Không dư dả nhưng đủ để không bắt buộc mà chỉ vận động các gia đình hiếm muộn tìm đến đây “1 đổi 1” mẫu tinh trùng”, ông Hà cho biết.
Cùng nhờ nguồn cung dồi dào hơn trước, nên nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, hay thậm chí không ít các single mom tìm đến với trung tâm để xin “con giống” đảm bảo chất lượng.
Theo Nghị định 12 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học, tất cả những người hiến tinh trùng đều trên tinh thần tự nguyện, không nhận bất kỳ một khoản chi phí nào. Độ tuổi hiến theo quy định là từ 22 - 55 tuổi, đủ điều kiện về sức khỏe, tâm thần. Trường hợp đã có vợ, phải được sự đồng ý của vợ.
Mỗi người chỉ được hiến duy nhất 1 lần, đồng thời tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho 1 bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân đầu tiên không có thai, mẫu tinh trùng mới được chuyển bệnh nhân khác. Với quy định chặt chẽ, nguy cơ anh em cùng bố kết hôn với nhau gần như là bằng 0.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bi-hai-chuyen-luu-tru-con-giong-d427325.html