Bi hài chuyện tăng, giảm cân

Chế độ tập luyện, ăn uống để điều chỉnh cân nặng có thể gây ra tác dụng ngược nếu áp dụng các phương pháp một cách máy móc

Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện (BV) Thống Nhất TP HCM - việc tập thể dục và ăn uống lành mạnh để có cân nặng hợp lý là tốt nhưng phải chú ý đến sức khỏe của mình. Tập quá ít thì khó có tác dụng, nhưng tập quá sức thì có thể gây ra mệt mỏi, ảnh hưởng sức khỏe.

Sai lầm khó ngờ

Bị BS nhắc nhở là thừa cân, mỡ máu cao, ông Trần M. (62 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM) quyết tâm thay đổi bằng tìm hiểu và tự thiết kế chi tiết một chế độ tập để giảm cân, tăng cơ, kết hợp với ăn "low-carb" để khỏe mạnh hơn. Nửa tháng sau, ông… nhập viện vì bị đau chân không chịu nổi.

Ông M. được chẩn đoán là bị lên cơn gút (gout) cấp, mà nguyên nhân từ chính chế độ ăn ông tưởng là lành mạnh: bụng có giảm do hầu như không ăn cơm, nhưng việc tăng chất đạm đã khiến mức axit uric của ông, vốn trước đó đã cao, bị vọt lên dẫn đến gút.

Còn anh Nguyễn Văn T. (30 tuổi, nhân viên văn phòng, TP HCM) tập luyện để cố tăng cân bởi thể hình anh rất gầy. "Tôi đã tìm hiểu khá kỹ và quyết định chọn một số bài tập tăng cơ và tăng sức bền như chạy bộ, các bài tập với tạ, tập cả 7 ngày trong tuần để mau tăng cơ" - anh T. cho biết. Nhưng kết quả sau 1 tháng, anh T. không những không tăng cân mà còn giảm thêm 2 kg, bởi lẽ cứ sau khi tập là anh T. bị chán ăn. Ngược lại, người chị của anh cùng tập chung để mau giảm cân thì giảm đâu chưa thấy mà chỉ thấy uể oải, dù đã cố gắng ăn kiêng giảm tinh bột.

Giải thích về những trường hợp dở khóc dở cười vừa kể trên, BS Trương Quang Anh Vũ cho rằng tốt nhất là ăn cân bằng các nhóm tinh bột, đạm, béo, rau và trái cây, đặc biệt là ở người trung niên, cao niên. Nếu giảm ăn cơm mà tăng ăn thịt thì cơ thể dễ bị rắc rối do thừa đạm, nhất là ở người bị bệnh gút.

Xác định bị bệnh gì cần giảm ăn loại nào mới nên giảm, không bệnh gì thì ăn cân bằng, muốn giảm cân thì nên giảm đều lượng thức ăn và hạn chế ăn vặt. Cụ thể như người tiểu đường mới cần bớt ăn tinh bột, nhưng cũng bớt vừa phải theo yêu cầu của BS. Bởi nếu hoàn toàn không ăn thì cơ thể sẽ uể oải, do nhóm tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Cần có chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao phù hợp với độ tuổi để có được sức khỏe, cũng như tinh thần tối ưu. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần có chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao phù hợp với độ tuổi để có được sức khỏe, cũng như tinh thần tối ưu. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần tập theo lộ trình

BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, tư vấn thêm về chuyện tập luyện như sau: những người béo phì nên chọn dạng bài tập phù hợp, tập đa dạng thay vì chỉ đi bộ như nhiều người lựa chọn. "Với những người đã lớn tuổi hay đã có tình trạng thoái hóa khớp. Cân nặng quá khổ tạo áp lực lên 2 đầu gối có thể làm thoái hóa nặng thêm, hoặc ít nhất gây đau, mỏi thì nên thay bài tập đi bộ bằng đạp xe, hay bơi lội…" - BS Đỗ Trọng Ánh gợi ý.

BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), khuyên cần chú ý mức độ tập thích hợp, đúng mức. Vấn đề này cũng rất quan trọng đối với trẻ em. Chẳng hạn suy nghĩ cho bé vận động nhiều để thèm ăn là đúng, giúp cơ thể sẽ tự động đòi hỏi bù đắp năng lượng thiếu hụt. Nhưng nếu vận động quá mức thì có thể gây phản ứng ngược là… chán ăn vì cơ thể đã quá mệt mỏi.

Một nghiên cứu từ ĐH Oxford (Anh) và ĐH Yale (Mỹ) cũng cảnh báo tác động 2 chiều của thể dục lên một vấn đề khác: tinh thần. Tập thể dục được biết đến là giúp đánh bại stress, trầm cảm vì kích thích một số hormone tốt. Tuy nhiên, nghiên cứu này khẳng định nếu tập hơn 23 buổi/tháng, mỗi buổi quá 90 phút, cơ thể sẽ suy kiệt khiến tinh thần xuống thấp còn hơn người không tập. Tốt nhất chỉ nên tập 3-5 buổi/tuần và mỗi buổi không quá 60 phút.

Theo các BS, việc tập luyện dù với mục đích giảm cân, giảm mỡ hay tăng cân, tăng cơ thì cũng nên theo lộ trình: những ngày đầu chỉ tập ít sau đó mới tăng dần. Những bài tập cần sức mạnh như tập tạ, hay các bài tập sức bền mà tập quá nhiều trong những ngày đầu sẽ rất dễ gây chấn thương do cơ thể chưa kịp thích nghi.

Cảm giác đau "rêm rêm" mà nhiều người gặp phải khi mới bắt đầu tập thể dục không nên xem thường, vì đó cũng là chấn thương. Cần nghỉ ngơi đến khi hết đau, đi khám nếu cơn đau kéo dài hoặc không giảm và phải xây dựng lại chế độ tập cho phù hợp.

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/bi-hai-chuyen-tang-giam-can-20201109205416024.htm