Bi hài chuyện tuyển thủ gốc Hoa 'bỏ Mỹ về với Trung Quốc' tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh

Một nữ vận động viên trượt băng Trung Quốc mắc lỗi, ngã khi thi đấu đang làm dậy sóng chỉ trích trên mạng Weibo của Trung Quốc, việc cô bỏ quốc tịch Mỹ để nhập tịch Trung Quốc cũng trở thành tiêu điểm tranh cãi.

 Tuyển thủ Chu Dịch bị ngã khi đang thi đấu hôm 6/2 (Ảnh: Sina).

Tuyển thủ Chu Dịch bị ngã khi đang thi đấu hôm 6/2 (Ảnh: Sina).

Trong đội tuyển Trung Quốc tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 đang diễn ra, có rất nhiều tuyển thủ đã từ bỏ quốc tịch gốc và quay về nước nhập tịch để thi đấu trong màu cờ sắc áo Trung Quốc, trong đó có vận động viên trượt băng nghệ thuật người Hoa sinh trưởng ở Mỹ Beverly Zhu (sau khi nhập tịch lấy tên Trung Quốc là Zhu Yi – Chu Dịch). Khi tham gia thi đấu môn trượt băng đồng đội nữ hôm Chủ nhật (6/2), Chu Dịch đã bị ngã do sai sót và xếp ở vị trí cuối cùng, khiến thứ hạng điểm của đội Trung Quốc bị tụt từ vị trí thứ ba xuống thứ năm, suýt nữa bị loại khỏi vòng tiếp. Ngày 7/2 cô lại bị ngã, vẫn đứng cuối, gây nên cơn bão dư luận trên mạng xã hội của Trung Quốc. Chu Dịch thừa nhận với giới truyền thông cô bị sai sót và ngã do áp lực quá lớn và phải rời sân băng thi đấu trong nước mắt sau cả hai vòng đấu.

Chu Dịch đã rất căng thẳng trong suốt quá trình thi đấu, hôm 6/2, cô bị ngã ngay sau khi bắt đầu thi đấu ít phút. Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc sau trận đấu, cú ngã của Chu Dịch đã trở thành một chủ đề nóng, và hashtag “#zhuyifall” (Chu Dịch ngã) đã nhận được hơn 230 triệu lượt xem. Sau đó, các hashtag "bỏ Mỹ quay sang Trung Quốc" và "nhập tịch" cũng đã trở thành chủ đề nóng.

Chu Dịch khóc sau khi kết thúc bài thi (Ảnh: Sina).

Thậm chí bài phỏng vấn của cô với truyền thông nước ngoài cũng bị chỉ trích vì “từ chối phỏng vấn của CCTV nhưng chấp nhận đài nước ngoài”, “không yêu nước thì đừng quay về!”. Nhưng đêm đó, chủ đề này đã bị kiểm duyệt và không thể tìm thấy những bình luận liên quan nào nữa. Một số người đặt câu hỏi tại sao đội tuyển Trung Quốc không chọn người sinh ở nội địa Trung Quốc.

Tờ Beijing Youth Daily (Bắc Kinh Thanh niên báo) của Trung Quốc đưa tin: "Chu Dịch cảm thấy rất căng thẳng. Sau trận đấu, cô ấy vừa lau nước mắt vừa nhớ lại màn ra mắt Thế vận hội mùa đông không hoàn hảo của mình". Nhưng không có nhiều người đồng cảm với cô trên mạng. Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại chọn cô để đại diện cho Trung Quốc thay vì những vận động viên sinh ở Trung Quốc. Một cư dân mạng viết trên Weibo: "Thật đen đủi khi đem cô ta về".

Là một cầu thủ nhập tịch Trung Quốc, bối cảnh xuất thân của Chu Dịch cũng bị nghi ngờ, một số cư dân mạng viết: "Hãy học tiếng Trung trước, sau đó hãy nói đến lòng yêu nước"; một số người nghi ngờ cô được chọn vào đội tuyển Trung Quốc nhờ dựa vào người cha là nhà khoa học. Theo báo chí Trung Quốc, cha của Chu Dịch, ông Zhu Songchun (Chu Tùng Thuần), đã ba lần giành được Giải thưởng Marr, giải thưởng quốc tế cao quý nhất trong lĩnh vực “Computer vision” (thị giác máy tính), và được coi là “Hoa nhân chi quang” (Niềm vinh dự của người Hoa) trong lĩnh vực “Computer vision”.

Chu Dịch là một tài năng trẻ của môn trượt băng nghệ thuật thế giới (Ảnh: Deutsche Welle).

Nhiều cư dân mạng chế giễu: "Tôi thực sự mong giới thể thao trong sạch", "Khi nào thì đất nước trao cho tôi một người cha là nhà khoa học?".

Cư dân mạng: "Áp lực lớn thì đừng thi đấu"

Chu Dịch, 19 tuổi, sinh ra trong một gia đình người Trung Quốc nhập cư ở Los Angeles, bắt đầu học trượt băng nghệ thuật từ năm 7 tuổi và là một ngôi sao mới chói sáng trong làng trượt băng nghệ thuật thế giới. Năm 2018, cô quyết định nhập tịch Trung Quốc. Sau khi đại diện Trung Quốc thi đấu, cô từ bỏ quốc tịch Mỹ và đổi thành tên Trung Quốc.

Trước đó, có thông tin nói cha của cô, là một nhà khoa học về trí tuệ nhân tạo, năm 2020 từ Đại học Los Angeles (UCLA) gia nhập Đại học Bắc Kinh. Chu Dịch có được tư cách tham gia Thế vận hội Bắc Kinh là nhờ cha. Hoạt động "nhập tịch" của Trung Quốc có thể được coi là "một mũi tên trúng hai con chim", và thậm chí còn “tát mặt Mỹ” để đạt được mục tiêu giết chết ba con chim bằng một mũi tên.

Những lời chỉ trích dồn dập trút lên đầu cô rõ ràng đã ảnh hưởng đến tâm trạng của Chu Dịch. Hôm thứ Hai, (7/2) cô được 91,41 điểm trong môn trượt băng tự do, bị ngã hai lần trong khi thi đấu và khóc nức nở ngay trên sân sau trận đấu, bị xếp thứ năm. Mặc dù thành tích này đã tạo nên một trang sử mới cho đoàn trượt băng nghệ thuật Trung Quốc, nhưng những lời chỉ trích Chu Dịch vẫn tiếp diễn.

Khi bình luận về màn trình diễn của Chu Dịch, các cư dân mạng Trung Quốc đã viết trên Weibo: "Nếu đang chịu áp lực lớn thì đừng ra sân, thi đấu giống như bị cưỡng chế, trái tim của Tư Mã Chiêu!", "Chỉ nhận trả lời phỏng vấn của CNN, dùng truyền thông nước ngoài nói rằng cư dân mạng Trung Quốc đã tạo ra rất nhiều áp lực cho cô ta."

Chu Dịch nói với truyền thông: "Vẫn còn một số sai sót, tôi hy vọng sẽ điều chỉnh tốt bản thân". Cô giải thích cô khóc do cảm động và vui mừng, và cuối cùng cô đã không thể kìm lại được, tất nhiên cô cũng lấy làm tiếc về màn trình diễn của mình.

Jake Chelios (phải) cầu thủ Hockey trên băng Mỹ nhập tịch thi đấu cho đội tuyển Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Nhiều tuyển thủ nhập tịch

Chu Dịch chỉ là một trong nhiều cầu thủ nhập tịch Trung Quốc. Tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm nay, đội Hockey (khúc côn cầu) trên băng nam và nữ của Trung Quốc có khá nhiều gương mặt lai Tây hoặc Tây hoàn toàn. Ví dụ, một nửa trong số 25 cầu thủ của đội khúc côn cầu trên băng nam Trung Quốc là các cầu thủ nhập tịch. .

Trong số 23 cầu thủ của đội tuyển nữ, có tới 13 cầu thủ nhập tịch, hầu hết các cầu thủ nhập tịch này đều có tổ tiên là người Trung Quốc, trong số 28 cầu thủ nhập tịch chỉ có 6 người không có huyết thống Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng có nhiều vận động viên Mỹ nhập tịch Trung Quốc và thi đấu đại diện cho Trung Quốc. Trong số đó, Eileen Gu (Gu Ailing – Cốc Ái Lăng), một người Mỹ lai Trung Quốc sinh ra ở California có mẹ là người Hoa, thu hút nhiều sự chú ý nhất.

Cốc Ái Lăng, 18 tuổi là vận động viên môn trượt tuyết tự do, chính thức chuyển sang quốc tịch Trung Quốc vào năm 2019 và là vận động viên trượt tuyết nhập tịch đầu tiên ở Trung Quốc. Kể từ đó, cô cũng ghi dấu ấn trong các quảng cáo, bao gồm làm người mẫu cho túi xách Louis Vuitton và trang sức Tiffany. Tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh lần này, cô tham gia ba nội dung cá nhân môn trượt tuyết tự do.

Truyền thông Trung Quốc chỉ ra rằng các tuyển thủ nhập tịch Trung Quốc đã thi đấu kể từ Thế vận hội mùa đông PyeongChang lần trước, và đội khúc côn cầu trên băng của Trung Quốc không phải là nước đầu tiên sử dụng cầu thủ nhập tịch. Đội khúc côn cầu trên băng nam của Hàn Quốc vào thời điểm đó cũng đã nhập tịch một nhóm các cầu thủ Canada và Mỹ. Năm đó, đoàn chủ nhà Hàn Quốc có 144 vận động viên tham gia thi đấu, trong đó có 18 vận động viên nhập tịch từ Bắc Mỹ và châu Âu.

Do Trung Quốc muốn thể hiện “sức mạnh quốc gia” của mình với thế giới bên ngoài bằng số huy chương mà họ đã giành được, và Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh đã bị nhiều nước tẩy chay. Để có được kết quả tốt trên lãnh thổ của mình trong Thế vận hội lần này, Trung Quốc đã không chỉ đẩy mạnh việc tuyển quân từ bên ngoài, đặc biệt là những vận động viên người Mỹ gốc Hoa, khiến các vận động viên Trung Quốc chịu áp lực rất lớn khi tham gia thi đấu.

CNN đưa tin, Trung Quốc trong những năm gần đây đã tuyển mộ mạnh mẽ các vận động viên người nước ngoài gốc Hoa, với hy vọng tuyển thêm được các vận động viên thế giới thông qua phương thức nhập tịch để tăng số huy chương giành được tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Chu Dịch và Cốc Ái Lăng, sinh ra ở California, là hai người trong số họ.

Tuy nhiên, bài báo của CNN cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã chỉ trích thẳng thừng những cầu thủ từ bỏ quốc tịch Trung Quốc của họ như nữ cầu thủ bóng rổ Lý Minh Dương để nhập quốc tịch Nhật Bản.

Chu Dịch bày tỏ sự thất vọng khi trả lời CNN: "Tôi cảm thấy áp lực rất lớn, mọi người đặt nhiều kỳ vọng vào tôi, bởi vì tôi biết mọi người ở Trung Quốc đều rất ngạc nhiên trước sự lựa chọn của các tuyển thủ, tôi rất muốn thể hiện khả năng của mình, nhưng rất tiếc tôi đã không làm được."

CNN bình luận rằng cuộc tấn công vào Chu Dịch trên mạng xã hội Trung Quốc cũng làm nổi bật áp lực đối với các vận động viên nhập tịch đang chơi cho Trung Quốc.

Cốc Ái Lăng, tuyển thủ trượt tuyết Mỹ nhập tịch đang trở thành con cưng của truyền thông Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Nhưng tình hình lại trái ngược đối với Cốc Ái Lăng, 18 tuổi, năm 2019 đã tuyên bố thi đấu cho đội tuyển Trung Quốc. Sau khi ra mắt tại Thế vận hội mùa đông, cô không chỉ được kỳ vọng sẽ giành được ba huy chương vàng trượt tuyết mà còn có 190 triệu người theo dõi trên Weibo. Hiện tại, “Màn ra mắt của Cốc Ái Lăng” và "Những sai sót của Chu Dịch" cũng đã trở thành chủ đề nóng trên Internet và số lượt xem đã vượt quá 300 triệu.

Sau đó, vấn đề quốc tịch của cả hai cũng trở thành tâm điểm chú ý của công chúng, hashtag "Quốc tịch của Cốc Ái Lăng" đã tăng lên trên Weibo, từ ngày 2 đến 4/2 đã có thêm hàng trăm nghìn lượt vào xem.

Do Trung Quốc không cho phép mang hai quốc tịch, đặc biệt là vì Cốc Ái Lăng đã chơi cho Mỹ trong nhiều năm, lại đổi quốc tịch sang Trung Quốc, và phản ứng không mấy tích cực của cô đối với vấn đề quốc tịch đã làm dấy lên sự nghi ngờ của mọi người. Tuy nhiên, tên của Cốc Ái Lăng không xuất hiện trong danh sách những người Mỹ từ bỏ quốc tịch, nhiều người nghi ngờ rằng cô có thể đã đạt được một thỏa thuận nào đó với Bắc Kinh.

Năm 2020 Cốc Ái Lăng từng nói: "Khi ở Mỹ, tôi là người Mỹ, nhưng khi ở Trung Quốc, tôi là người Trung Quốc".

Mặc dù hôm 7/2, Cốc Ái Lăng cũng mắc lỗi bị ngã lần thứ hai nhưng phản ứng của cư dân mạng Trung Quốc hoàn toàn khác với Chu Dịch khi bị ngã. Trên Weibo dân mạng không chỉ khen ngợi Cốc Ái Lăng biểu cảm dễ thương mà còn khen cô là một cô gái tài năng, nhiều người yêu cầu đừng tạo áp lực cho cô.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bi-hai-chuyen-tuyen-thu-goc-hoa-bo-my-ve-voi-trung-quoc-tai-the-van-hoi-mua-dong-bac-kinh-post154184.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi