Bi hài học lớp 1 cùng con

Ngày nay, con đi học lớp 1 là cả một đoạn trường gian nan đối với phụ huynh! Sau khi cả năm chạy ngược xuôi, huy động các mối quan hệ, tiền bạc lo cho con một môi trường học theo ý nguyện và tiêu chí của gia đình như: trường điểm, cô giáo giỏi… Cuộc chiến của các vị phụ huynh thực sự bắt đầu khi vật lộn từng ngày với nhiệm vụ dạy con học bài. Và từ đó xuất hiện những câu chuyện 'dở khóc, dở cười' mà chỉ có 'người trong cuộc' mới thấm...

Phụ huynh bất lực khi dạy con.

Phụ huynh bất lực khi dạy con.

1001 nỗi vật vã, “dở khóc, dở cười”

Thời gian gần đây, những tình huống “dở khóc, dở cười” của các bậc phụ huynh khi phải dạy con học bài đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Điểm thu hút chính là sự hài hước, những câu chuyện “cười ra nước mắt” và sự bất lực tột đỉnh của các vị phụ huynh khi phải mang trọng trách “trồng người” tại gia.

Đặc biệt sự khó khăn đó còn nhân lên gấp bội đối với các bé vào lớp 1, khi phải bước sang một môi trường mới với đầy những bỡ ngỡ. Dạy con học bài vốn chưa bao giờ là nhiệm vụ của những người làm cha, làm mẹ. Nhưng vì tương lai của con cũng như sự lo lắng dành cho con cái, hầu hết các bậc phụ huynh đều dành thời gian dạy con học tại nhà. Tuy nhiên, không phải ai dạy cũng suôn sẻ, bởi với tâm hồn con trẻ vẫn đang tuổi ăn, tuổi chơi khiến các vị phụ huynh không biết nên khóc hay cười khi dạy con.

Mới đây, trên Facebook đã xuất hiện một bài chia sẻ tâm tư của các vị phụ huynh có con vào lớp 1 với nội dung như sau: “Vừa ngồi học đã kêu nóng. Mẹ bật quạt, bật điều hòa và 5 phút sau là trùm chăn kín đầu thế này đây ạ. Học 1 tiếng thì 4 lần uống nước, 3 - 4 lần kêu nóng, lát kêu lạnh, thêm vài lần con đau bụng, con ngứa, con mỏi tay. Bác nào có con học lớp 1 có cùng cảnh ngộ không ạ”?

Bài viết sau khi đăng tải đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Đọc một loạt các bình luận mới biết đây là nỗi niềm chung của rất nhiều phụ huynh có con năm nay vào lớp 1. Một vị phụ huynh khác cũng chia sẻ: “Con tôi được cái không kêu nóng tại bật máy lạnh. Nhưng cứ mỗi lần nó học là sẽ bị đau toàn thân. Đau đầu, đau cổ, đau tay, đau chân, đau răng, đau bụng,... nên cứ được 10 phút nó chạy qua phòng và ba ơi, con đau abcd... thêm combo 10 phút uống nước 1 lần. Nước tôi mua hẳn bình 10 lít để trong phòng nó. Khát có cái uống ngay. Tưởng chừng mọi chuyện sẽ dễ, ai dè nó chuyển sang đói bụng, buồn ngủ. Nhưng đặc biệt cái là khi chơi game hay ti vi thì đố thấy nó đói khát, buồn ngủ hay đau”.

Một chia sẻ “cười ra nước mắt” khác từ một bà mẹ có con vào lớp 1: “Mỏi tay, tay ướt, cắt móng tay, uống nước, đi vệ sinh, đau lưng, tìm dép, xếp sách, ngứa chân, quát chó, lau bụi bàn, gọt bút chì, tìm cục tẩy, con làm đủ mọi việc trên trời, dưới biển nhưng tuyệt nhiên không học. Và cái kết: Cả tối viết được đúng 2 dòng mà còn viết chữ C lộn ngược. Tao chịu mày!”.

Có thể thấy nhiệm vụ “trồng người” tại gia của các ông bố, bà mẹ thời nay còn vất vả hơn thời trước nhiều. Nói là vất vả hơn bởi trẻ nhỏ thời nay không giống như trước đây, chỉ có việc là ăn học, thì giờ lại chịu ảnh hưởng bởi nhiều lý do khác nhau.

Như đã nói ở trên, các con trẻ, đặc biệt là lứa tuổi mới vào lớp 1, với sự thay đổi môi trường càng khó dạy học hơn nữa. Bởi trẻ khi ở bậc mầm non chủ yếu là hoạt động vui chơi, môi trường tự do, không phải cầm bút chôn chân một chỗ, làm bạn với sách vở... đùng một cái bước chân vào lớp 1, các bé bắt đầu học cách thích nghi với giờ giấc mới, với sách giáo khoa, các nguyên tắc nhà trường và đặc biệt là... bài tập về nhà. Nhiều bé sẽ không thích nghi ngay được và từ đó tạo ra suy nghĩ chán học, không muốn học và chống đối. Vì vậy nên các em thường nghĩ ra rất nhiều trò để trì hoãn việc học càng lâu càng tốt.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý ham chơi của các bé. Vốn lâu này, hầu như nhà nào cũng cho con em mình tiếp xúc với điện thoại, ti vi từ rất sớm, các em xem lâu ngày từ bé thành ra “nghiện”. Vậy nên đang từ mỗi tối được xem ti vi, điện thoại trở thành ngồi vào bàn nghiêm chỉnh học bài, giống như “cực hình” đối với các em vậy. Chính những đồ công nghệ giải trí như vậy đang dần tạo thành thói quen xấu cho trẻ nhỏ, giờ đây không chỉ người lớn nghiện smartphone (điện thoại thông minh) mà cả trẻ nhỏ cũng vậy.

Và cả những cải tiến giáo dục những năm gần đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc học của các em khó khăn hơn. Điển hình vào năm ngoái khi có chương trình lớp 1 mới, nhiều phụ huynh đã nêu quan điểm, “than” chương trình mới nặng. Với áp lực có con vào lớp 1, cộng với năm đầu triển khai dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới đã khiến nhiều cha mẹ loay hoay trong việc kèm cặp con học ở nhà. Chị N.T.T (Thanh Hóa) chia sẻ sau gần tháng học sách giáo khoa mới, con không có thời gian nghỉ ngơi vì về nhà phải làm bài tập liên tục.

Chính những khó khăn trong học tập như vậy cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các con. Bởi trẻ nhỏ sẽ hứng thú học những cái mà chúng dễ tiếp thu, biết và hiểu một cách dễ dàng. Còn đối với những kiến thức mới và khó để một đứa trẻ 6 tuổi tiếp thu với tốc độ nhanh như vậy thì chúng rất dễ có tâm lý “khó quá bỏ qua”.

Hình ảnh “dở khóc, dở cười” khi dạy con.

Hình ảnh “dở khóc, dở cười” khi dạy con.

Có thể thoát… “lũ” được không?

Và cứ như thế hành trình dạy học hay nói cách khác là cuộc chiến nảy lửa của các bố, các mẹ dù rất mệt mỏi nhưng vẫn phải tiếp diễn mỗi ngày. Phụ huynh cả nước có con vào lớp 1 vẫn không ngừng than vãn: “Sao mà dạy con khó quá?”, “Chả nhẽ sống chung với lũ?”.

Hướng dẫn “rát cổ bỏng họng” mà con vẫn không đánh vần đúng từ, chữ viết thì liêu xiêu, nghiêng ngả. Tất nhiên trong cuộc chiến này, trẻ nhỏ cũng khổ sở chẳng kém bố mẹ là bao. Có đứa khóc thét, đứa lại run lẩy bẩy, mồ hôi đổ nhễ nhại mỗi giờ học bài buổi tối. Việc học cứ ngỡ tốt cho con nay lại thành ra gánh nặng. Bố mẹ thì mệt mà con lại sợ kinh hồn vía.

Vậy phải làm như thế nào thì mới vượt qua được cơn lũ này? Có lẽ đầu tiên bố mẹ cần phải tạo cho con một khoảng thời gian trước khi vào lớp 1, thích nghi dần với mọi thứ. Không để con rơi vào trạng thái không chuẩn bị tâm lý trước khi đi học. Có như vậy con mới mới không bỡ ngỡ và bị “choáng” trước lượng kiến thức mới này.

Tuy nhiên, mặt trái của nó, theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội đã từng chỉ ra một số mặt tiêu cực của việc bố mẹ dạy kèm con học buổi tối. Cụ thể, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết: “Trước tiên là bọn trẻ không tự giác vì bố mẹ luôn nhắc nhở con mở sách ra. Thứ hai, con sẽ lười suy nghĩ vì cứ bài khó là hỏi và bố mẹ sẽ trả lời. Dần dần con tạo nếp bài nào cũng hỏi mà không chịu suy nghĩ trước. Bên cạnh đó, bố mẹ không hiểu rõ cách dạy ở tiểu học. Rất nhiều cách đánh vần đã thay đổi sau mỗi lần thay sách giáo khoa và nhiều bài toán tiểu học có cách giải khác hẳn ngày xưa…”.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ cũng cho rằng điều tiêu cực nhất khi bố mẹ dạy kèm con đó là việc phụ huynh thường khó giữ bình tĩnh khi dạy con. “Nguyên nhân vì họ sốt ruột, nghĩ mình đã nói xong thì con đương nhiên phải hiểu. Bố mẹ cũng sợ con dốt hơn bạn bè nên càng bị áp lực. Vì thế, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái trở nên căng thẳng”.

Do vậy, theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, bố mẹ không cần phải “vật lộn” với con vào mỗi buổi tối mà thay vào đó hãy để con tự học. Đặt đồng hồ để con hoàn thành bài trong thời gian ngắn nhất, hết thời gian thì yêu cầu con gấp sách. Cách này không chỉ vừa giúp con rèn luyện tính tập trung, tự giác mà còn tạo tâm lý học tập thoải mái cho con khi không bị bố mẹ kèm cặp sát bên.

Ngoài ra, bố mẹ cũng không được sốt ruột khi con đọc sai, viết xấu. Bởi học tập chính là quá trình lâu dài. Những ngày đầu trẻ nhỏ viết sai, nguệch ngoạc là điều đương nhiên. Không nên nổi nóng, quở trách các bé quá nhiều sẽ gây ra tâm lý sợ sệt cho các bé. Làm như vậy không làm các bé viết đúng hơn mà chỉ khiến con trẻ sợ học, sợ viết. Nếu có thể các vị phụ huynh hãy giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng khuyên bảo và tạo cho con hứng thú học tập bằng những phần thưởng nhỏ khi con hoàn thành bài tập hay được điểm cao.

Tuy nhiên, có một thực tế, nếu cha mẹ không học cùng con, không phải trẻ nào cũng có thể tự học được bài khi mà chương trình Toán lớp 1 ngày nay đã tìm… ẩn số. Cùng với đó, không ít cô giáo sẽ không hài lòng khi con không biết viết, khi con làm sai và thậm chí cha mẹ sẽ bị nhắc nhở nếu… không học cùng con, hoặc không cho con đi học thêm để làm được bài! Thậm chí, nhiều gia đình đã cho con đi học thêm từ mẫu giáo, vào lớp 1 con chỉ việc… học lại. Và vô hình trung, những đứa trẻ chưa được chuẩn bị học trước, cô giáo sẽ không… hài lòng. Và như thế, đoạn trường đi học thêm chưa đủ, sẽ là bài ca phụ huynh học… cùng con ít nhất hết cấp 1 sẽ mãi là câu chuyện dài… Khi mà chương trình và sách giáo khoa luôn quá khó! Khi mà thầy, cô còn đặt áp lực học hành lên vai phụ huynh!...

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/bi-hai-hoc-lop-1-cung-con-583184.html