Bị hại vắng mặt tại phiên xét xử: ảnh hưởng đến quyền lợi thế nào?
Ghi nhận trong những ngày đầu tiên diễn ra phiên tòa xét xử cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, hơn 30 nghìn bị hại được mời nhưng không đến tham dự phiên tòa. Vậy sự vắng mặt của những bị hại này có ảnh hưởng đến quyền lợi của họ và ảnh hưởng đến quá trình xét xử hay không?
Bị hại có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa
Ngày 22/7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo về các hành vi: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán". Để phục vụ việc xét xử, TAND TP Hà Nội triệu tập 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) là bị hại trong vụ án. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên (22/7) xét xử, chỉ có khoảng 30 người bị hại đến tòa.
Trước đó, vào ngày 19/3, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét xử sơ thẩm đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh). Tòa án đã triệu tập 6.630 nhà đầu tư được xác định là người bị hại trong vụ án. Tuy nhiên, theo thông báo từ phía HĐXX, đến nay mới chỉ có gần 1.000 bị hại có mặt tại tòa.
Vậy, nếu bị hại không có mặt tại phiên tòa có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị hại, cũng như ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án hay không. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Theo Điều 62, Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, quyền và nghĩa vụ của bị hại trong tố tụng hình sự được quy định như sau:
Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của mình; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định…
Bị hại có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định trên. Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định trên.
Quyền lợi của bị hại có thể sẽ không được đảm bảo
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, sự có mặt của bị hại hoặc người đại diện của họ được quy định tại Điều 292, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại, đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật. Như vậy, pháp luật hiện hành không yêu cầu một cách tuyệt đối là bị hại vắng mặt thì phiên tòa được mở hay không mà việc có tiến hành xét xử hay không sẽ phụ thuộc vào ý chí, sự xem xét, cân nhắc của Hội đồng xét xử - luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho hay.
Quy định này cho phép bị hại được phép vắng mặt tại Tòa và trường hợp vẫn muốn Tòa án tiến hành xét xử bình thường thì người bị hại phải làm đơn xin vắng mặt kèm theo yêu cầu, nguyện vọng của mình gửi cho Tòa án trước thời điểm mở phiên tòa.
Thực tiễn xét xử cho thấy người bị hại đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt có lý do chính đáng (do ốm đau, do bị tai nạn hay gặp rủi ro khác mà không thể có mặt tại phiên tòa được), Tòa án có thể xử vắng mặt người bị hại, nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho họ; trong trường hợp Tòa án thấy có thể ra bản án, quyết định theo hướng không có lợi cho người bị hại vắng mặt, thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu người bị hại đã được triệu tập hợp lệ, không gặp khó khăn, trở ngại đến mức không thế có mặt theo giấy triệu tập được, mà cố tình vắng mặt, thì Tòa án có quyền xét xử vắng mặt người bị hại, kể cả việc ra bản án, quyết định không có lợi cho họ.
Với những vụ án có nhiều người tham gia tố tụng và quá trình xét xử kéo dài nhiều ngày, Tòa án thường sẽ tiếp tục xét xử, trong thời gian xét xử sẽ tiếp tục triệu tập những người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt.
Họ có thể vắng mặt ở một vài buổi đầu và trong trường hợp cần thiết, Tòa án sẽ triệu tập họ tham gia những buổi xét xử sau. Với những người làm chứng quan trọng mà cố tình vắng mặt, việc vắng mặt có thể ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án, Tòa án có thể áp dụng biện pháp dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa để trình bày những nội dung mà họ biết về vụ án.
Còn đối với người bị hại, đã triệu tập hợp lệ mà cố tình không đến, Tòa án vẫn xét xử vắng mặt, quyền lợi của họ có thể sẽ không được đảm bảo nếu như họ từ bỏ quyền lợi tố tụng. Bị hại nào dành thời gian tâm huyết theo dõi vụ án, đưa ra yêu cầu đề nghị và yêu cầu thi hành án sớm có thể sẽ được đảm bảo quyền lợi. Người nào từ bỏ không tham gia, không đưa ra yêu cầu, có thể ít có cơ hội được lấy lại tài sản - luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho biết.