Bị hại vụ Alibaba: 'Thấy quảng cáo rầm rộ nên mua, không biết bị lừa'

Có mặt tại tòa, nhiều bị hại xin nhận lại đất đã mua, một số người khác yêu cầu được nhận lại tiền. Họ cho biết thấy công ty Alibaba quảng cáo rầm rộ nên mua chứ không biết bị lừa.

Sáng 12/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Sau 3 ngày thẩm vấn các bị cáo. Sáng 12/12, hơn 1.400 bị hại được tòa triệu tập để tham gia xét hỏi các dự án liên quan. Tuy nhiên, chỉ khoảng 200 bị hại đến tòa, các bị hại đến từ TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu...

Theo kế hoạch của HĐXX, từ ngày 12 đến 13/12, tòa sẽ tổ chức xét hỏi các bị hại thuộc các dự án: Alibaba Phước Bình Central Park; Alibaba Phước Bình Central Park 2; Alibaba Phước Thái Capital; Alibaba Long Phước Industry; Alibaba Phú Mỹ Central City; Alibaba Phú Mỹ Central City 2; Ali Venice City; Alibaba Phú Mỹ Center City.

Nhiều bị hại yêu cầu được nhận lại đất đã đầu tư

Trả lời xét hỏi, ông Huỳnh Tiến Sĩ (đại diện ủy quyền cho bà Thái Thị Thu Thủy) cho biết đã tham gia 9 dự án của Công ty Alibaba, số tiền người này đã đóng cho công ty là 3,541 tỷ đồng, nay ông mong HĐXX xem xét cho nhận lại toàn bộ số tiền đã nộp.

Các bị hại và người có quyền nghĩa vụ liên quan làm thủ tục tham dự phiên tòa. Ảnh: Y Kiện.

Các bị hại và người có quyền nghĩa vụ liên quan làm thủ tục tham dự phiên tòa. Ảnh: Y Kiện.

Đứng trước bục khai báo, bị hại Dư Thị Mỹ Quỳnh (có địa chỉ ở Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM) trình bày bà đã đóng cho Alibaba số tiền 285 triệu đồng. "Tôi yêu cầu được nhận lại lô đất đã mua, không lấy tiền", bà Quỳnh cho hay.

Tương tự, bị hại Nguyễn Thu Hà nói đã đóng cho công ty của Nguyễn Thái Luyện số tiền 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà này cho rằng Luyện không lừa khách hàng."Tôi muốn nhận đất vì Alibaba có đất thật", người phụ nữ nói.

Có mặt tại tòa, bà Lê Thị Nguyệt yêu cầu HĐXX xem xét cho bà này nhận lại hơn 4 tỷ đồng vì bà đã mua 17 lô đất của Alibaba. Ngoài ra, nhiều bị hại như ông Trần Văn Cường, ông này cho biết ông mua nhiều dự án của Alibaba, nên không rõ tổng số tiền đã đóng cho Alibaba là bao nhiêu. HĐXX yêu cầu ông xem lại hồ sơ và đối chiếu lại số tiền thiệt hại trước khi trình bày để không mất thời gian. Một số bị hại khác yêu cầu được nhận lại đất, trường hợp không thể nhận đất, các bị hại mong được nhận lại tiền vốn đã đóng và lãi suất trong mấy năm qua.

"Dùng số tiền tiết kiệm 10 năm để mua dự án của Alibaba"

Đến TAND TP.HCM từ sớm để tham dự phiên tòa theo triệu tập, ông Trương Đình Quý Anh (quận Bình Tân) là một trong hàng nghìn bị hại của Alibaba cho biết ông ký vào hợp đồng mua đất nền tại dự án Phú Mỹ Central City (Long Thành, Đồng Nai) với giá hơn 500 triệu đồng. "Số tiền này tôi tiết kiệm sau hơn 10 năm làm công nhân may. Dốc hết tiền vào dự án đó, giờ bệnh tật, tôi phải vay mượn anh em, bạn bè để chữa trị", ông Quý Anh chia sẻ.

 Bị hại Trương Đình Quý Anh. Ảnh: Duy Hiệu.

Bị hại Trương Đình Quý Anh. Ảnh: Duy Hiệu.

Giọng chậm rãi, ông kể sau khi bỏ hết tiền để mua dự án "ma", cuộc sống của ông bị đảo lộn, hiện ông ở nhà thuê, bị bệnh tim và vừa mổ tim. Theo ông Quý Anh, ông nghe bạn bè giới thiệu nên biết đến công ty Alibaba. "Thấy công ty lớn quá, chào đón khách hàng, nên tôi tin tưởng chứ không ngờ mình bị lừa. Tôi có ít tiền dành dụm nên mua để kiếm lời, tôi hy vọng tòa xét xử đúng người, đúng tội, mong có thể lấy lại được chút tiền chứ giờ tôi không biết phải làm sao nữa", ông Quý Anh nói.

Tương tự, chị Diễm (quận 3, TP.HCM) cho biết đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để mua hơn 20 nền vào các dự án ở Đồng Nai, Bình Dương của Alibaba. "Tôi nghe quảng cáo trên mạng nên biết, sale của Alibaba cũng giới thiệu. Có lần tôi đi Vũng Tàu cũng thấy treo bảng quảng cáo, thấy rầm rộ và nghĩ dự án hợp pháp nên tôi mua", chị Diễm kể lại và cho biết trước đây có tìm hiểu Alibaba, nhưng không tìm hiểu kỹ. Chị hy vọng có thể lấy lại chút tiền đã đóng và "chấp nhận mất tiền vì lỗi một phần do mình vì mình bỏ tiền đi đầu tư mà không tìm hiểu", bị hại cho hay.

 Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo cáo buộc, năm 2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, Luyện thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.

Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên đất nông nghiệp đặc biệt lớn, quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách hàng. Bằng thủ đoạn trên, Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã làm việc được với 4.065 khách hàng, tương đương số tiền hơn 2.100 tỷ đồng bị chiếm đoạt.

Bị hại vụ Alibaba: 'Gia đình tôi tan nát sau khi mua 9 mảnh đất' Sáng 8/12, hàng trăm bị hại trong vụ Alibaba đến TAND TP.HCM làm thủ tục tham dự phiên xử Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.

Dương Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-hai-vu-alibaba-thay-quang-cao-ram-ro-nen-mua-khong-biet-bi-lua-post1384105.html