Bi kịch của cô gái lấy chồng qua biên giới
Gần 2 tháng trôi qua, kể từ khi Bùi Thị Mơ bị đẩy đuổi về nước theo đường mòn từ bên kia biên giới, có lúc cô tỉnh táo, khi lại khùng điên. Từ những phút giây tĩnh lặng, cô đã mang máng nhớ về quê hương để rồi cộng đồng mạng san sẻ thông tin, kết quả đem đến cho cô cuộc đoàn tụ.
Ước mơ thoát nghèo
Ông Bùi Văn Bi (tức Bẩy, SN 1960), trú tại ấp Bầu Thùng, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau dáng người nhỏ thó với gương mặt khắc khổ tâm sự: “Tôi sinh ra được 3 đứa con, Mơ là con út, sinh năm 1993. Nhà nghèo, vợ lại bệnh tật xương khớp không làm ăn được gì. Tôi là lao động chính, hàng ngày ai mướn gì thì làm thuê kiếm cơm nuôi các con. Năm con Mơ tròn 20 tuổi, thông qua mai mối, tôi đồng ý gả cho một người đàn ông Trung Quốc đã lớn tuổi mong muốn con không phải khổ như chúng tôi”. Theo ông Bi kể lại, sau khi theo chồng về xứ lạ, thi thoảng Mơ mới gọi điện thoại về nhà, chủ yếu hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, gia đình. Hình như, ông nghe tiếng thở dài của con trong máy.
...Vào cuối tháng 6 năm 2019, các cháu hàng xóm cho ông xem trên mạng xã hội facebook có hình ảnh, đoạn video về một cô gái toàn nói tiếng Trung Quốc rồi bảo “thấy giống chị Mơ”. Ông Bi giật mình nhận ra đó chính là đứa con gái ruột của mình. Theo số điện thoại được đăng tải trong bài viết, ông Bi luống cuống bấm số. Ở đường dây bên kia có giọng nói của một người miền Bắc và giới thiệu là Phạm Yến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ‘Thắp sáng niềm tin” ở tỉnh biên giới Lạng Sơn. Bà Yến cho biết, ngày 22/5/2019 người dân thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn phát hiện ở khu vực đường mòn biên giới có một cô gái lơ đễnh đi trên đường, miệng nói lảm nhảm. Thấy nhà ai mở cửa thì tìm đến xin ăn.
Cám cảnh, bà Yến cùng “CLB Thắp sáng niềm tin” trao đổi, kết hợp với Công an Lạng Sơn tổ chức đưa đón người lạ mặt này về Cơ sở Bảo trợ xã hội tỉnh. Ban đầu, cô gái không hợp tác, không ăn uống, luôn tay cầm cuốn sổ đựng trong túi xách mang theo người. Hàng ngày, ngắm các bức ảnh có hình 2 cháu bé trai nom khá bụ bẫm, xung quanh có chữ Trung Quốc.
Xác nhận sự việc với phóng viên Tiền Phong, Bà Yến cho biết, thời gian khoảng một tuần sau khi vào Cơ sở bảo trợ xã hội, cô này toàn nói tiếng nước ngoài. “ Chúng tôi cắt cử người giỏi tiếng Trung Quốc để trò chuyện. Tuy nhiên, thông tin thu lại chẳng được gì vì những lời nói của cô đều tỏ ra vô nghĩa, liên thiên. Tôi cùng các chị em thường xuyên thăm hỏi, ân cần gợi mở thông tin, mãi sau thì cô ấy bật lên những từ: Cà Mau - Cái Nước - Rạch Trầu và kênh 90. Lập tức tôi cho người ghi lại địa chỉ, quay video. Các ngày tiếp theo thì cô này nhắc nhiều đến các tên Bùi Văn Bi, Bùi Thị Mơ...”. Bà Yến thuật lại.
Đoạn trường khổ ải
Trước khi ông Bi ra Bắc để nhận con, Bùi Thị Mơ bỗng nhiên tỉnh táo. Mơ nhớ lại và kể cho mọi người nghe câu chuyện đẫm nước mắt đã xảy ra với cô trong quãng thời gian lưu lạc ở Trung Quốc. Khoảng tháng 3/2013, sau đám cưới vội vã ở Cà Mau, Mơ theo chồng về sinh sống ở một làng xa xôi hẻo lánh thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Ban đầu cuộc sống khá dễ chịu, nhưng sau dần, người chồng bộc lộ là người vũ phu, nát rượu. “Những lúc hắn đi uống rượu cùng bạn bè là sai vợ phục vụ đủ thứ quái đản rồi ra tay đánh đập làm cho tôi mình mẩy đầy thương tích. Cuối cùng thì hắn “sang tên” cho một người đàn ông khác ở làng kế bên với giá trên 100 triệu tiền Việt”. Cô Mơ cay đắng kể.
Quãng thời gian ở với người chồng thứ 2, Mơ sinh hạ được 2 người con trai xinh xắn và cuộc sống trôi qua khá êm đềm. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, lực lượng chức năng nước sở tại bỗng nhiên ập đến nhà, thu hết giấy tờ và tiền bạc của Mơ vì “giấy tạm trú” đã hết hạn. Họ lôi cô ra khỏi nhà, bắt lên nhiệm sở công quyền. Hàng ngày Mơ bị hỏi nhiều bản cung và bắt lao động khổ sai. Mỗi bữa chỉ có chút cháo trắng, có lúc lại bắt ăn đĩa xôi đầy, nhưng không cho uống một giọt nước. “Có hôm, họ cho ăn thịt có phẩm màu đỏ chói, có mùi lạ. Xong bữa, tôi mê man, khi tỉnh thì như người tâm thần, lúc nhớ, lúc quên”. Mơ nói.
Cuối tháng 5 năm 2019, Mơ được lệnh thu dọn tất cả hành lý rồi những người mặc sắc phục đẩy cô lên một chiếc xe thùng bịt kín chạy về hướng biên giới Trung- Việt.
Hy vọng đoàn tụ
Rạng sáng 5/7, cơn bão số 2 tan, mưa tạnh thì phía chân trời xa ló rạng những tia nắng ấm. Tôi bỗng nhận được điện thoại của của ông Bùi Văn Bi gọi tới với giọng nói phấn khởi: “Từ hôm qua đến nay, con Mơ nó tiến triển lắm chú ơi. Nó nhận ra tui nhoẻn miệng cười rồi hai cha con ăn cơm vui vẻ. Nó còn gắp thức ăn cho tui, nói phải ăn thật nhiều. Đà này, ngày mốt, ngày mai chúng tui được về quê rồi!”. Ông Bi cho biết thêm, những ngày qua Cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn đã ân cần chăm sóc cha con ông. Lãnh đạo cơ quan còn mời các bác sỹ chuyên khoa tâm thần đến thăm khám, cho thuốc để Mơ uống.
Bà Phạm Yến cũng cho biết, trong tháng 7 vừa qua, CLB “Thắp sáng niềm tin” đã hoàn tất việc đưa cô Nguyễn Kim Hon bị lừa bán sang Trung Quốc may mắn thoát nạn trở về Bạc Liêu đoàn tụ với gia đình thì Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin” tỉnh Lạng Sơn lại dồn tâm sức để cho ngày trở quê hương của Bùi Thị Mơ. “Những ngày qua, các thành viên trong hội thiện nguyện và nhà hảo tâm đã đồng hành, tặng quà, hỗ trợ cha con Mơ kể cả vật chất lẫn tinh thần. Mong rằng sẽ có một cuộc đoàn viên thứ 2 diễn ra trong đầu tháng 7 này”. Bà Yến tâm tình.
Ông Nông Văn Thảm, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết, ông rất quan tâm đến công tác thiện nguyện và đã từng tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương. Các nạn nhân vừa trở về từ bên kia biên giới được hồi sinh với sự yêu thương, trách nhiệm của ngành chức năng, cộng đồng. Qua đây, cũng là bài học cảnh tỉnh cho những gia đình, cô gái trẻ trước những cạm bẫy, cám dỗ của những người xấu, điều xấu luôn rình rập, hãm hại.
“Trong năm 2018, Cơ sở Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 12 trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc, 6 tháng đầu năm 2019 có 5 trường hợp. Đa số những người này đều hoảng loạn, mất trí nhớ và không còn biết đến tiếng mẹ đẻ”.
(Báo cáo của Cơ sở BTXH tỉnh Lạng Sơn)