Bi kịch của thần đồng 11 tuổi từng được kỳ vọng đoạt giải Nobel
Dù có trí tuệ hơn người nhưng tính cách kiêu ngạo cùng khả năng giao tiếp kém đã khiến một thiên tài Trung Quốc đánh mất tiền đồ xán lạn.
Tạ Ngạn Ba sinh năm 1966, trong gia đình trí thức ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Mẹ là bác sĩ và bố làm giáo viên, công việc bận rộn nên gửi Ngạn Ba về quê để bà ngoại nuôi dưỡng.
Có lẽ vì thiếu thốn sự quan tâm của bố mẹ đã hình thành nên tính cách ương ngạnh và ứng xử kém, thậm chí phá hủy cả tương lai thần đồng Ngạn Ba.
11 tuổi vào đại học
Khi Ngạn Ba học lớp 2, bố tình cờ phát hiện cậu có thể giải những bài toán của học sinh lớp 5. Ông hỏi Ngạn Ba sao có thể biết những kiến thức này, và cậu bình thản đáp: "Những kiến thức đó, nghe một lần là hiểu".
Lúc này, người bố phát hiện trí tuệ hơn người của Ngạn Ba và bắt đầu đích thân dạy con trai. Lên 9 tuổi, Ngạn Ba tự học xong chương trình Toán, Lý, Hóa bậc trung học phổ thông. Đến năm 10 tuổi, cậu học sang hình học và giải tích ở bậc đại học.
Ngạn Ba trở nên nổi tiếng và được Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc chiêu mộ vào lớp ươm mầm tài năng của trường. Lúc này Ngạn Ba mới 11 tuổi.
Với trí thông minh vượt trội, chăm chỉ và kỷ luật, Ngạn Ba tốt nghiệp đại học sau 4 năm. Cậu tiếp tục ở lại trường theo học chương trình thạc sĩ Vật lý và nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc ở tuổi 18.
Dù được nhiều trường ở Trung Quốc ngỏ lời mời theo học hệ tiến sĩ, nhưng Ngạn Ba quyết định nộp đơn xin học bổng tại Đại học Princeton, Mỹ. Đây cũng chính là nơi cậu thực hiện nghiên cứu lý thuyết Vật lý chất rắn dưới sự hướng dẫn của giáo sư Philip Anderson - người từng đoạt giải Nobel năm 1977.
Khi mới đến Mỹ, Ngạn Ba rất nổi tiếng và được mọi người quý mến, thậm chí nhiều phương tiện truyền thông còn đưa tin cậu là "đứa trẻ thiên tài có nhiều khả năng đoạt giải Nobel nhất trong tương lai".
Tuy nhiên, trái ngược với trí tuệ siêu việt, Ngạn Ba lại là người có chỉ số cảm xúc (EQ) thấp và điều đó đã phá hủy tương lai tươi sáng của chính cậu.
Bị trục xuất về nước
Ở Mỹ, Tạ Ngạn Ba tự tin đến mức kiêu ngạo, ngay cả người thầy nổi tiếng của anh cũng không muốn nhượng bộ. Trong quá trình làm luận án tốt nghiệp, Ngạn Ba bác bỏ luận điểm của giáo sư Anderson, khiến ông vô cùng tức giận.
Tiếp đó, ông Anderson yêu cầu thay đổi tên đề tài luận án tốt nghiệp nhưng anh không làm theo. Ngạn Ba liên tục phản bác thầy để bảo vệ luận điểm của bản thân, thậm chí đến cả nhà riêng của ông Anderson để tranh cãi, yêu cầu thầy phải chấp nhận luận án.
Trùng hợp vào thời điểm đó, ở Mỹ xảy ra vụ án người đàn ông Trung Quốc bắn chết người cố vấn. Quá lo sợ trước thái độ của Ngạn Ba, ông Anderson đã yêu cầu Đại học Princeton trục xuất anh về nước.
Trở về Trung Quốc, Tạ Ngạn Ba cũng có thể cảm nhận được sự thất vọng của mọi người với anh. Một người vốn không giỏi giao tiếp lại càng trở nên ít nói hơn, đam mê nghiên cứu học thuật của Ngạn Ba cũng phai nhạt đi rất nhiều.
Không lấy được bằng tiến sĩ ở Mỹ nhưng lượng kiến thức và kinh nghiệm của Ngạn Ba vẫn rất phong phú. Anh trở lại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc làm giảng viên Vật lý, sau đó kết hôn, sinh con và sống trong một căn nhà do nhà trường trợ cấp.
Câu chuyện của thần đồng Ngạn Ba để lại cho chúng ta nhiều bài học đắt giá - dù là thần đồng hay người bình thường thì bên cạnh trau dồi kiến thức, việc tăng cường EQ, chúng ta rèn luyện các kỹ năng sống, khả năng giao tiếp, kiểm soát cảm xúc bản thân.