Bi kịch của trai quê ở Trung Quốc
Ngoài áp lực mua nhà, tậu xe, xuất thân nông thôn cũng là một trong những điều khiến con đường đến hôn nhân của nhiều nam giới Trung Quốc thêm phần khó khăn.
Những cuộc hẹn xem mắt liên tục đã trở thành điều quen thuộc với Ding Yulei (Cam Túc) vài năm gần đây. Tuy nhiên, chi phí cho một hôn lễ và tiền thách cưới ngày càng cao khiến chàng trai 29 tuổi vẫn chật vật trong việc tìm vợ.
Thông thường ở Trung Quốc, đặc biệt là các vùng nông thôn, xe hơi, nhà, quà cưới đã trở thành 3 điều nam giới gần như không thể thiếu nếu muốn kết hôn. Ngoài ra, một số nơi còn những yêu cầu thách cưới như "10.000 tờ tím, 1.000 tờ đỏ" (chỉ các tờ tiền mệnh giá 5 và 100 nhân dân tệ).
Theo The Paper, điều này tạo ra áp lực lớn đến những người không dư dả. Đối với các chàng trai như Ding, không chỉ thử thách về tài chính mà xuất thân nông thôn có lẽ còn làm khó anh hơn cả việc tìm được người tâm đầu ý hợp.
Khó khăn
Tình trạng nhà cô dâu thách cưới quá cao, gia cảnh, điều kiện kinh tế và nhiều yếu tố khác có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tình yêu và hôn nhân ở xứ tỷ dân.
"Khi chọn bạn đời, phụ nữ thường thích những người đàn ông giỏi giang, trong khi nam giới hy vọng tìm được một phụ nữ kém hơn mình. Cuối cùng, những người đàn ông lớn tuổi ở nông thôn như tôi, không học hành, không xe hơi, không nhà cửa, sẽ bị sót lại”, Ding nói.
Giống Ding, Wang Zhiming (Thiểm Tây) cũng lắc đầu ngán ngẩm khi nhắc đến chuyện lập gia đình. Công việc trong một nhà máy ở Tô Châu chỉ đem lại cho anh 6.000 nhân dân tệ (910 USD)/tháng. Với con số này, dù anh có không ăn uống chi tiêu thì cũng phải mất 10 năm mới đủ tiền lấy vợ.
"Tôi có xe nhưng chưa mua được nhà. Một căn tầm trung cũng khoảng 6.000 nhân dân tệ/m2, chưa kể còn phải lo tiền thách cưới. Nếu nhà gái thông cảm thường ra giá 60.000-80.000 (9.100-12.200 USD) nhân dân tệ song hầu hết hiện nay đều đưa ra con số 100.000 nhân dân tệ (15.200 USD) trở lên", Wang kể.
Khi làm việc ở Tô Châu, Wang hẹn hò một cô gái đến từ thành phố khác. Khi tính chuyện kết hôn, bố mẹ bạn gái không yêu cầu quà cưới nhưng bắt buộc anh phải có nhà và công việc ổn định.
"Cha mẹ tôi đã 60 tuổi mà vẫn phải đi làm ở công trường để giúp tôi mua nhà. Tôi thực sự bất lực, xấu hổ", Wang nói. Cuối cùng, vì áp lực tiền bạc, anh và bạn gái chia tay.
Trong mắt Li Jun (Cam Túc), kết hôn là một hoạt động xã hội phức tạp bởi có quá nhiều vấn đề liên quan đến nó.
Là bác sĩ, những tưởng chàng trai 32 tuổi sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được một người vợ tốt nghiệp đại học, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, anh vẫn độc thân.
"Nhiều người rất coi trọng hoàn cảnh xuất thân và nguồn gốc nông thôn của tôi là một điểm trừ", Li nói.
Li sinh ra ở một thị trấn nhỏ, cha mẹ đều là nông dân. Ngoài ra, anh chưa mua được nhà, xe, công việc có triển vọng nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
"Ngoài những áp lực kinh tế, tôi cảm thấy giống như có một bức tường vô hình ngăn cách những người ở thành thị và đến từ nông thôn như chúng tôi", Li bày tỏ.
Kết hôn sớm nhất có thể
Một quan chức ở Cam Túc nói với China Youth Daily rằng những năm gần đây, việc kết hôn ở các vùng nông thôn ngày càng được các gia đình thúc đẩy sớm. Nhiều cô gái chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 đã được bà mối đến hỏi kế hoạch học tập, rằng muốn học lên cao hay tính chuyện lấy chồng.
Vị quan chức này tin lý do của tình trạng trên là do sự mất cân bằng giới tính, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Càng lớn tuổi, nam giới càng có ít lựa chọn nên nhiều gia đình hối thúc con kết hôn càng sớm càng tốt.
Ma Limin (Ninh Hạ) kết hôn cách đây không lâu. Anh tốt nghiệp đại học một năm trước và mới tìm được việc làm ở Chiết Giang. Trước đây, Ma tính khoảng 30 tuổi mới lập gia đình. Tuy nhiên, ngay khi Ma bắt đầu đi làm, gia đình đã giục anh sớm đi xem mắt.
"Trong mắt nhiều phụ huynh ở thành phố, một người đến từ vùng nông thôn nghèo như tôi không thể nào mơ tưởng đến con gái họ. Về các cô gái cùng quê, những người có điều kiện tốt một chút đều đã kết hôn với các nhà khá giả, không còn nhiều lựa chọn cho những thanh niên bình thường như tôi".
Ban đầu, Ma không nghe lời bố mẹ khuyên, muốn tìm một cô gái ở Chiết Giang kết hôn. Dần dần, anh nhận ra hôn nhân cần cân nhắc đến thực tế như thế nào và quyết định thuận ý cha mẹ.
Vợ Ma kém anh một tuổi, sống ở thị trấn cách nhà anh không xa. Kinh tế hai gia đình cũng tương đương nhau nên việc kết hôn diễn ra khá suôn sẻ. Ngoài 100.000 nhân dân tệ (15.200 USD) tiền sính lễ Ma phải lo, sau khi kết hôn, anh và vợ sẽ cùng tiết kiệm mua nhà, xe.
Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục ban hành các quy định nhằm cải thiện tình hình kết hôn ở các thanh niên vùng quê. Ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức, chấn chỉnh các hủ tục không lành mạnh, chính quyền nhiều tỉnh còn đưa ra mức trần thách cưới để đàn ông lấy được vợ.
Đầu năm 2019, chính quyền thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam ra quy định giá trị quà thách cưới, thường là tiền hoặc tài sản, do nhà trai tặng gia đình cô dâu không được vượt quá 8.900 USD tại khu vực thành thị và 7.400 USD tại ngoại ô và nông thôn.
Quy định này cũng yêu cầu các gia đình chỉ tổ chức tiệc cưới với tối đa 15 mâm cỗ. Chi phí đồ ăn tại các đám cưới cũng không được vượt quá 90 USD tại thành thị và 45 USD tại nông thôn cho mỗi mâm cỗ.
Tại một số địa phương khác như Lan Khảo, nhà chức trách còn đặt giới hạn tiền thách cưới ở mức 3.000 USD, đồng thời quy định người nào chi trả hoặc nhận quá số tiền trên có thể bị cáo buộc tội danh mua bán người.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-kich-cua-trai-que-o-trung-quoc-post1202676.html