Bi kịch cuộc đời của giáo viên châu Phi đầu tiên đoạt giải Nobel

NAM PHI- Với xuất thân là giáo viên và khởi điểm là đấu tranh bền bỉ cho quyền học tập của trẻ em da màu, Albert John Lutuli đã trở thành người châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 1960.

“Là một người có tư cách cao thượng, bác ái, không khoan dung với hận thù và kiên quyết đấu tranh cho sự bình đẳng và hòa bình giữa mọi người, Lutuli đã tạo nên sự tương thích về mặt triết học giữa hai nền văn hóa – văn hóa Zulu của quê hương châu Phi của ông và văn hóa dân chủ Thiên Chúa giáo của châu Âu”, theo nhận xét của Ủy ban Giải thưởng Nobel.

Albert John Lutuli là một nhân vật tiêu biểu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở châu Phi. Với xuất thân là giáo viên, ông đã trở thành người châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 1960.

Cả cuộc đời ông hoạt động không ngừng nghỉ để đấu tranh bất bạo động giành quyền sống, công lý và bình đẳng cho người da đen.

 Albert John Lutuli là người châu Phi đầu tiên đoạt giải Nobel.

Albert John Lutuli là người châu Phi đầu tiên đoạt giải Nobel.

Albert Lutuli sinh năm 1898 tại làng Groutville, tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống bộ lạc theo đạo Thiên chúa, ông được tiếp cận các giá trị công bình và phục vụ cộng đồng ngay từ khi còn nhỏ.

Mẹ quyết tâm cho đến trường, Lutuli đã theo học tại trường truyền giáo địa phương, sau đó học tại Học viện Methodist Edendale rồi Adams College, một tổ chức hàng đầu về đào tạo giáo viên châu Phi.

Năm 1920, Lutuli tốt nghiệp và bắt tay vào sự nghiệp giáo dục tại Adams College. Ông nhanh chóng được biết đến vì sự tận tâm cống hiến cho học sinh và cam kết cải thiện cộng đồng của mình.

Là một nhà giáo dục chuyên nghiệp trong suốt 15 năm, Lutuli cho rằng giáo dục nên được cung cấp cho tất cả người dân châu Phi, công bình, không hạn hẹp và chất lượng phải tương đương dành cho trẻ em da trắng. Năm 1928, ông trở thành thư ký của Hiệp hội Giáo viên châu Phi và là chủ tịch của hiệp hội này vào năm 1933.

Công việc của ông còn mở rộng ra ngoài phạm vi lớp học. Ông tham gia sâu vào các hoạt động của nhà thờ và chính trị địa phương, gây ấn tượng là một nhà lãnh đạo có nguyên tắc và ăn nói lưu loát.

Năm 1927, Lutuli kết hôn với một giáo viên đồng nghiệp và có 7 đứa con (3 trai và 4 gái). Năm 1933, các trưởng lão bộ tộc đề nghị Lutuli trở thành thủ lĩnh của họ. Ông chấp nhận lời mời vào đầu năm 1936 và cống hiến hết mình trong 17 năm tiếp theo cho 5.000 người bộ tộc mình cho đến khi bị chính phủ Nam Phi loại khỏi chức vụ này vào năm 1952.

Hành trình chính trị của Lutuli chính thức bắt đầu vào những năm 1930 khi ông tham gia vào Đại hội Dân tộc châu Phi (ANC). Đến năm 1945, ảnh hưởng của ông đã tăng lên đáng kể và ông được bầu vào ban lãnh đạo. Kỹ năng lãnh đạo của ông, cùng với sự cống hiến không ngừng cho phong trào phản kháng bất bạo động, đã tạo dựng cho Lutuli sức ảnh hưởng ở tầm quốc gia.

 Bức tượng Albert Luthuli được đặt ở quê nhà ông ở Nam Phi.

Bức tượng Albert Luthuli được đặt ở quê nhà ông ở Nam Phi.

Năm 1952, Lutuli được bầu làm chủ tịch của ANC. Thời kỳ này đã nổ ra một cuộc biểu tình bất bạo động lớn chống lại luật phân biệt chủng tộc của nhà cầm quyền Nam Phi. Sự lãnh đạo của ông trong chiến dịch đã đẩy ông vào thế xung đột trực tiếp với chế độ phân biệt chủng tộc.

Cam kết kiên định của Lutuli đối với đấu tranh ôn hòa đã được công nhận trên toàn cầu khi ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1960.

Trong bài phát biểu nhận giải tại thủ đô Oslo, Na Uy, Lutuli nói về tầm nhìn của mình về một Nam Phi không bị áp bức và hận thù chủng tộc. Ông nói dành giải thưởng của mình cho những người đàn ông và phụ nữ ngoài kia đã phải chịu đựng dưới chế độ phân biệt chủng tộc.

Giải thưởng Nobel Hòa bình đã nâng cao đáng kể danh tiếng quốc tế của Lutuli. Tuy nhiên, chính phủ Nam Phi đã phản ứng bằng cách thắt chặt các hạn chế đối với Lutuli và ANC. Lutuli bị quản thúc tại gia và chịu các lệnh cấm, hạn chế nghiêm ngặt.

Sức khỏe của Lutuli cũng bắt đầu suy giảm trong giai đoạn này. Ông đột ngột qua đời một cách bi thảm vào năm 1967, ở tuổi 69. Ông được cho là đã bị một đoàn tàu chở hàng tông khi đang đi bộ trên cây cầu đường sắt gần nhà.

Việc Lutuli qua đời là một đòn giáng mạnh vào phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Dù qua đời nhưng di sản của ông vẫn tồn tại, thúc đẩy cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn tiếp tục.

Các nhà lãnh đạo như Nelson Mandela và Desmond Tutu bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các nguyên tắc và khả năng lãnh đạo của Lutuli. Các chiến lược và triết lý mà ông tán thành tiếp tục định hình cách tiếp cận phản kháng của ANC.

Những đóng góp của Lutuli trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã được chính thức công nhận sau khi nước Nam Phi mới được thành lập.

Năm 2004, Lutuli được bình chọn ở vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những người Nam Phi vĩ đại nhất mọi thời đại của Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Nam Phi SABC3. Nhiều tổ chức, trường học và các tòa nhà công cộng đã được đặt theo tên Albert John Lutuli để vinh danh ông.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bi-kich-cuoc-doi-cua-giao-vien-chau-phi-dau-tien-doat-giai-nobel-2291289.html