Bi kịch đàn cá voi sát thủ

Đàn cá voi sát thủ định cư ở biển Salish đang chết dần vì cá hồi bị cạn kiệt trong khi nhóm cá di cư từ nơi khác đến - chủ yếu săn hải cẩu - lại đang sinh sôi mạnh mẽ.

Tàu J2, một con tàu quan sát cá voi, ra khơi vào một buổi chiều tháng 9/2020 trên đảo San Juan phía tây bắc của bang Washington, Mỹ. Chiếc tàu được đặt theo tên mã của một con cá voi sát thủ nổi tiếng trong khu vực có biệt danh là “Granny”.

Cho đến khi mất tích vào năm 2016, Granny là con cái đầu đàn của đàn J, một trong ba nhóm cá voi sát thủ định cư (resident) ở vùng biển Salish nằm giữa Canada và Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng trong hơn 100 năm, Granny quay lại vùng biển này mỗi mùa hè, sinh con và nuôi nấng chúng. Con cá voi sát thủ này đã dạy đàn con của mình cách săn cá hồi Chinook và chỉ cho chúng biết nơi có nhiều cá.

 Granny, con cá voi sát thủ được cho là sống đến hơn 100 tuổi. Ảnh: Leigh Calvez.

Granny, con cá voi sát thủ được cho là sống đến hơn 100 tuổi. Ảnh: Leigh Calvez.

Khi thuyền J2 đi chậm lại dưới những cây cầu nối bờ biển của đảo Fidalgo và Whidbey, hành khách nhìn thấy những cột nước bắn lên từ một đàn cá voi sát thủ ngoi lên thở. Đàn cá này có 6 con, một con mẹ và 5 con non từ 1 đến 13 năm tuổi.

Những con cá voi sát thủ này không nằm trong đàn J hay hai đàn định cư thường quay lại biển Salish vào mỗi mùa hè. Chúng là những con cá voi sát thủ loại di cư (transient) không thường xuất hiện trong vùng biển này.

Và không giống như loại định cư thường ăn cá hồi, những con cá voi di cư này chủ yếu ăn động vật biển có vú. Tên mã của chúng, T37A, T37A1, T37A2, T37A3, T37A4 và T37A5, cũng cho thấy sự khác biệt.

 Đàn cá voi sát thủ di cư gồm T37A và các con của nó. Ảnh: Whale Tales.

Đàn cá voi sát thủ di cư gồm T37A và các con của nó. Ảnh: Whale Tales.

Những con cá voi sát thủ di cư đi thành từng nhóm nhỏ hơn so với đàn của Granny. Chúng cũng được biết đến vì khả năng săn mồi quỷ quyệt. Loại di cư có thể lật một tảng băng để đẩy hải cẩu xuống biển hoặc hạ gục một con cá heo giữa không trung.

Granny và đàn của nó được coi là cùng loài Orcinus orca với loại cá voi sát thủ di cư. Tuy nhiên, hai loại cá voi này đã sống tách biệt trong ít nhất 250.000 năm. Chúng thường cố gắng tránh nhau và thậm chí không có chung ngôn ngữ. Âm thanh hai loại cá voi sát thủ này dùng để giao tiếp là hoàn toàn khác nhau.

Theo thời gian, mỗi loại cá voi sát thủ hình thành những hành vi đặc biệt được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cá voi sát thủ di cư săn bắt mồi lặng lẽ và hiệu quả hơn. Trong khi đó, đàn cá voi sát thủ định cư gồm nhiều cá thể giúp chúng có thể cùng xác định nguồn cá.

Tương tự những con cá voi sát thủ định cư, loại di cư là những sinh vật có tính xã hội cao và cực kỳ thông minh. Song, thế giới của những con cá voi sát thủ này đang thay đổi nhanh chóng.

Trong khi những con cá loại định cư phải đi ngày càng xa hơn để tìm nguồn cá hồi, cá voi sát thủ di cư đang vươn lên thống trị biển Salish.

"Ngôi sao" của vùng biển

Mùa hè năm 2018, một con cá voi sát thủ định cư tên là Tahlequah đã ôm xác con non mới sinh của mình trong hơn hai tuần. Tahlequah đã mang xác đi hơn 1.600 km, ngay cả khi cái xác bắt đầu phân hủy.

Câu chuyện của Tahlequah được lan truyền rộng rãi, có lẽ vì nỗi đau và sự tuyệt vọng của nó rất giống con người.

 Tahlequah đã mang xác con non của nó trong 2 tuần vào năm 2018. Ảnh: AP.

Tahlequah đã mang xác con non của nó trong 2 tuần vào năm 2018. Ảnh: AP.

Từ những năm 1990, cá voi sát thủ định cư trở thành "siêu sao" của khu vực này. Đây là nhóm cá voi được chụp ảnh nhiều nhất, nghiên cứu nhiều nhất và yêu thích nhất trên thế giới. Chúng có một bảo tàng riêng. Mỗi thành viên trong đàn cá voi sát thủ định cư đều có biệt danh và câu chuyện của riêng mình.

Với nhiều người, mối quan hệ với những con cá voi sát thủ này có ý nghĩa thiêng liêng.

“Thật khó để diễn tả - giống như được gặp Chúa vậy”, Balcomb-Bartok, cư dân trong khu vực và người làm truyền thông cho công ty tổ chức hoạt động ngắm cá voi, nói với Atlantic.

“Chúng thật tuyệt vời, thông minh và mạnh mẽ. Nhưng chúng lại rất hiền lành, có con cái đầu đàn và quan tâm lẫn nhau. Những con cá voi sát thủ định cư miền Nam là quần thể cá voi vui tươi nhất bạn sẽ được gặp”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, quần thể cá voi này đang chết dần chết mòn. 40% số cá hồi Chinook ở biển Salish đã biến mất. Phần lớn số cá hồi còn lại đang bị đe dọa do đánh bắt quá mức, suy giảm môi trường và các đập thủy điện.

Do đó, cá voi sát thủ định cư kiếm ăn khó khăn hơn và phải bơi nhiều hơn để tìm cá hồi. Số lượng cá voi sát thủ định cư hiện chỉ còn 74 cá thể, giảm so với 97 cá thể vào năm 1996.

 Những con có voi sát thủ định cư trong đàn J. Ảnh: AP.

Những con có voi sát thủ định cư trong đàn J. Ảnh: AP.

Trong khi đó, quần thể sư tử biển ở bờ Tây đã phục hồi sau khi gần tuyệt chủng nhờ được chính phủ Canada và Mỹ bảo vệ. Loại cá voi sát thủ di cư ăn thịt động vật có vú phát triển mạnh một phần nhờ điều này.

Trong những năm Tahlequah được cho là bị sẩy thai và phải chứng kiến cái chết của con non mới sinh, T37A đã sinh ra 5 con non. Số cá voi sát thủ di cư vào năm 2018 đạt 349 cá thể, tăng khoảng 4%/năm trong phần lớn thập kỷ qua. Cá voi sát thủ di cư đang thay thế loại định cư trở thành cộng đồng cá thống trị biển Salish.

Tuy nhiên, những người yêu thích cá voi sát thủ của biển Salish có cảm xúc lẫn lộn về sự phát triển của loại di cư. Trong khi mỗi cá thể trong đàn cá voi sát thủ định cư đều được biết đến, loại di cư là những kẻ lạ mặt. Ngay cả khi thường xuyên đi vào vùng biển này, chúng cũng ít được nhìn thấy vì phải ẩn mình để săn mồi.

“Một số người trên những chiếc thuyền quan sát cá voi thất vọng khi họ nhìn thấy loại di cư chứ không phải định cư”, Monika Wieland Shields, nhà sinh vật học điều hành Viện Hành vi Cá voi sát thủ trên đảo San Juan, nói với Atlantic.

Kẻ thống trị mới

Mùa hè năm 2020, mặc dù các con cá voi sát thủ định cư vẫn xuất hiện như những năm trước đó, chúng lại hành động một cách kỳ lạ.

Cả ba đàn cá voi định cư phía nam không tập trung để thưởng thức bữa tiệc khổng lồ nào và chúng cũng không bơi thành hàng để tìm cá như thường lệ.

“Chúng ít kiếm ăn theo cách truyền thống hơn và di chuyển nhiều hơn”, Monika Wieland Shields, nhà sinh vật học của Viện Hành vi Cá voi sát thủ, nói với Atlantic.

Howard Garrett, người điều hành Mạng lưới Orca, tổ chức phi lợi nhuận ghi lại những lần cá voi sát thủ xuất hiện, cũng nhận thấy điều này.

“Đàn cá voi sát thủ định cư di chuyển rất rời rạc và không giao tiếp với nhau, ngoại trừ bầy gồm con mẹ và những con non”, ông Garrett nói. Ông cho rằng chúng đang chia nhau ra để tìm thức ăn.

Hơn 80% khẩu phần của cá voi sát thủ định cư là cá hồi Chinook, loại cá đang trở nên khan hiếm. Nguồn thức ăn không còn dồi dào khiến loại cá voi sát thủ định cư bắt đầu hành xử như loại di cư.

 Cá hồi Chinook, thức ăn của cá voi sát thủ định cư, đang trở nên khan hiếm. Ảnh: AP.

Cá hồi Chinook, thức ăn của cá voi sát thủ định cư, đang trở nên khan hiếm. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, không giống loại di cư, những con cá voi sát thủ định cư không thể ăn mực, cá trích hoặc hải cẩu. Ngay từ khi sinh ra, chúng được học rằng cá hồi là loại thức ăn duy nhất.

Bà Shields cho biết những con cá voi sát thủ di cư cũng đang thay đổi hành vi. Thông thường, chúng di chuyển và săn mồi trong đàn nhỏ gồm 3-5 thành viên. Song, gần đây bà quan sát được những con cá voi sát thủ di cư đi theo nhóm từ 20 đến 40 con.

“Chúng chắc chắn ít tập trung vào việc ẩn mình và săn mồi hơn”, bà Shields nói. Có thể động vật có vú - nguồn thức ăn của loại di cư - dồi dào đến mức chúng không cần phải dành nhiều thời gian để săn mồi. Thay vào đó, chúng dành thời gian tương tác với nhau.

Dù vậy, những con cá voi sát thủ di cư cũng bị ảnh hưởng vì sự di chuyển của tàu thuyền và chất độc hại trong nước. Song, không có mối đe dọa nào tàn khốc như nạn đói mà các chuyên gia dự đoán sẽ xảy ra với loại định cư, hệ quả từ những hành vi của con người.

Con người đã xây đập và đổ bê tông vào cửa sông nơi cá hồi sinh sống. Con người cũng bảo vệ hải cẩu và các loài động vật biển có vú khác để những con cá voi sát thủ di cư có một bữa tiệc hải sản vô tận. Chính chúng ta đã tạo ra môi trường khiến Tahlequah mất con nhưng lại giúp T37A sinh được 5 con non trong 13 năm.

Như Trần

Theo Atlantic

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chien-sinh-ton-cua-hai-dan-ca-voi-sat-thu-post1181638.html