Bi kịch đời nam diễn viên chuyên đóng vai phụ Aly Dũng
Hơn 40 năm theo đuổi nghề, người nghệ sĩ này chỉ được đóng những vai phụ với những phân đoạn nhỏ trong phim. Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, chưa có lúc nào ông thực sự được sung túc.
Nhiều người khuyên ông rời nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng ông kiên quyết không từ bỏ: “Tôi luôn muốn được đứng trên sân khấu, cống hiến hết mình cho nghệ thuật, đồng thời tiếp thêm động lực cho những người theo đuổi nghề diễn”.
Biến cố gia đình
Căn nhà chật chội của nghệ sĩ Aly Dũng (tên thật Huỳnh Dũng, 66 tuổi) trong con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM) xộc mùi ẩm thấp.
Lối vào nhà chỉ đủ cho một người đi. Bức tường bị khuất bởi căn nhà bên cạnh cùng ánh sáng le lói từ bóng đèn không đủ chiếu sáng cả gian phòng.
Nhìn quanh căn nhà không có vật dụng gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo và giày dép cũ, Aly Dũng cho biết: “Để mua được căn nhà này, tôi đã phải tích cóp, dành dụm rất nhiều năm. Nơi đây vốn là cái chuồng heo cũ của nhà bên cạnh. Vì không dùng đến nữa nên họ bán cho tôi”.
Chia sẻ về cuộc đời mình, nghệ sĩ kể, mẹ ông là người gốc Ả Rập. Thời đó, bố mẹ ông kinh doanh xuất khẩu tranh sơn dầu và buôn bán ngoại tệ nên gia đình giàu có ở TP HCM. Aly Dũng được xem là công tử chính hiệu, cuộc sống không phải vướng bận lo toan điều gì.
Khi lỡ có con với cô bạn gái mới quen, Aly Dũng quyết định lập gia đình khi vừa qua tuổi 20. Cuộc sống sau kết hôn khá êm đềm. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì gia đình xảy ra biến cố lớn, trở thành bước ngoặt buồn trong cuộc đời chàng công tử hào hoa.
Theo lời Aly Dũng, vào khoảng năm 1970, mẹ ông đột ngột qua đời do một tai nạn giao thông. Người cha buồn rầu trong một thời gian dài, bỏ bê chuyện làm ăn, sa vào cờ bạc, rượu chè rồi nợ nần khắp nơi. Để có tiền trả nợ, gia đình phải bán hết biệt thự, xe hơi, ngay cả chiếc xe máy là phương tiện đi lại duy nhất của Aly Dũng thời ấy cũng không giữ lại được.
Không còn của cải, bố bỏ đi, 14 người em còn nhỏ, một mình Aly Dũng phải đứng ra lo liệu, gánh vác. Song, Aly Dũng chỉ có thể đưa được 4 người em nhỏ cùng vợ con về tá túc bên nhà ngoại.
“Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa từng động tay động chân vào bất cứ việc gì, nhưng để có tiền nuôi vợ con và các em, tôi phải đi làm thuê làm mướn đủ nghề.
Thế mà cuộc sống cũng bấp bênh lắm. Nhiều ngày cơm cũng không có mà ăn, tôi phải đi bán máu đem tiền về mua gạo. Rồi người vợ không chịu được những chuỗi ngày khổ cực đã ôm đứa con gái 3 tuổi bỏ đi.
Sau này, 4 đứa em tôi cũng qua đời sớm vì ốm đau không có tiền chạy chữa, 10 đứa còn lại thất lạc mỗi đứa một nơi rồi lâm vào cảnh tù tội. Người chết trong tù, trong bệnh viện tâm thần, chết vì nghiện, chết ngoài đường, ngoài bụi…”, Aly Dũng trầm ngâm.
Nghệ sĩ chuyên vai phụ
Không còn người thân nào, Aly Dũng lang bạt khắp nơi rồi tình cờ biết đến lớp sân khấu điện ảnh của thầy Huy Thống (lớp ngoài giờ của Trường Sân khấu Điện ảnh - PV). Thấy hứng thú với các vai diễn trên sân khấu, Aly Dũng tham gia lớp học rồi bắt đầu vào nghề với đoàn Cửu Long Giang.
Lúc này, ông chỉ là học viên của đoàn, lương không đáng kể, không thể đảm bảo cuộc sống. Nhưng vì đam mê nghệ thuật, lại được nghệ sĩ Thiên Kim cưu mang nên Aly Dũng cứ nỗ lực khổ luyện. Sau hơn một năm không được giao vai, trôi qua, Aly Dũng nghỉ và xin vào đoàn Kim Cương - đoàn kịch lớn bậc nhất TP.HCM thời bấy giờ.
Khoảng thời gian ở đoàn Kim Cương được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp của Aly Dũng. Sau vai diễn trên, có mấy lần Aly Dũng được đóng vai chính. Khi đạo diễn Long Vân vào Sài Gòn làm phim “Biệt Động Sài Gòn”, Aly Dũng đã nhiệt tình giúp đỡ đoàn làm phim và được đạo diễn giao cho một vai nhỏ, đưa Aly Dũng đến với môn nghệ thuật thứ 7.
Sau này, ông rời đoàn Kim Cương và tham gia một số đoàn hát khác và theo nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng đi các tỉnh để diễn kịch, tấu hài, diễn chung với nghệ sĩ Vân Hùng, Nguyễn Chánh Tín, Thương Tín, ca sĩ Duy Khánh, Giang Tử, Bảo Yến, Nhã Phương…
Thời gian đầu ông gặp nhiều khó khăn do đi diễn không có kịch bản như khi ở đoàn hát. Nhưng theo Aly Dũng, nhờ đó mà các vai diễn trở nên sáng tạo và đa dạng, gần gũi hơn với người dân, được nhiều khán giả ủng hộ. Đối với Aly Dũng, đây là khoảng thời gian vui vẻ nhất trong cuộc đời đi diễn của ông.
Người nghệ sĩ ngậm ngùi kể, khoảng năm 1992, khi nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng bỏ nghề, nhóm cũng tan rã. Aly Dũng về cộng tác với nhóm hài Phi Thoàn diễn chung với Phi Thoàn và Phi Phụng. Được một thời gian, Phi Thoàn bệnh nặng rồi nghỉ, Aly Dũng trở nên lạc lõng, không biết bắt đầu lại từ đâu.
Ở “chuồng heo” cũng không bỏ nghề
Hơn 40 năm theo nghề, giờ đây, tài sản duy nhất của người nghệ sĩ già chỉ là một căn nhà nhỏ hẹp, lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng trong con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (TP HCM).
Đây vốn là chuồng heo cũ của gia đình nằm sát vách được ông mua lại từ việc bán đi chiếc xe máy duy nhất dùng để đi lại. Nhờ vay mượn bạn bè, đồng nghiệp, ông dần dần tu sửa trở thành nơi che mưa che nắng như hiện nay.
Không còn phương tiện đi lại, Aly Dũng thường đi bộ hoặc đi xe buýt đến chỗ diễn, nên thi thoảng không chủ động được thời gian. Một người đồng nghiệp thương tình đã tặng ông chiếc xe đạp cũ để tiện đi lại.
Trong nhà, những vật dụng đều khá sơ sài, thường là đồ cũ người ta không dùng, ông mang về tái sử dụng. Những cái thùng xốp mốc meo được ông dựng làm tủ, đựng các vật dụng cần thiết.
Nói về cuộc sống hiện tại, người nghệ sĩ tự nhận mình thuộc nhóm diễn viên già nhưng không nổi tiếng cho nên vẫn chỉ đóng những vai diễn nhỏ. Mỗi phân đoạn trong phim, Aly Dũng được khoảng 150 ngàn đồng.
Dù trời mưa hay nắng, Aly Dũng vẫn không nề hà đạp chiếc xe đạp lọc cọc đến phim trường để thể hiện vai diễn của mình. Thế nhưng, ông buồn bã tâm sự: “Chỉ có những vai nhỏ không có người diễn phù hợp, ít phân đoạn mới được các đạo diễn, đoàn phim mời diễn xuất. Có tháng được gọi đi diễn 2, 3 lần, nhưng có lúc đến 2, 3 tháng vẫn không có vai diễn nào”.
Những ngày không có vai diễn, Aly Dũng ở nhà viết kịch bản trên chiếc ghế nhựa cỏn con. Dù viết nhiều kịch bản, nhưng ngoài kịch bản phim “Tình yêu còn mãi” bán cho Hãng phim truyền hình TP.HCM TFS năm 2006, các kịch bản của ông đều không được các nhà sản xuất đón nhận, vì nội dung thường quá bi thương, buộc phải chỉnh sửa nhiều lần.
Ngoài ra, Aly Dũng còn mở lớp dạy diễn xuất miễn phí cho các bạn trẻ có đam mê với nghề nhưng không có điều kiện học tập trong môi trường chuyên nghiệp. Lớp học được mở và duy trì ở Công viên Hoàng Văn Thụ (TP HCM).
Ông cười hiền: “Lớp học còn được gọi là nhóm kịch Gia đình hai thế hệ. Thi thoảng, tôi lại đưa nhóm đi diễn miễn phí ở các Trung tâm trẻ em khuyết tật, bụi đời, các chùa, các viện dưỡng lão… Dù không có cát xê, nhưng đi diễn như này để tạo cảm hứng cho các bạn trẻ, đồng thời, mang đến niềm vui cho người khác”.
Trong cuộc đời nghệ thuật của Aly Dũng, chưa có lúc nào ông thực sự được sung túc. Nhiều nghệ sĩ thân thiết đã khuyên Aly Dũng rời nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng ông kiên quyết không từ bỏ: “Tôi luôn muốn được đứng trên sân khấu, cống hiến hết mình cho nghệ thuật, đồng thời tiếp thêm động lực cho những người theo đuổi nghề diễn”.