Bi kịch gia đình: Nỗi đau từ bạo lực
Bạo lực trong gia đình đã khiến cho bị cáo Trần Tuấn Kiệt (19 tuổi, ngụ xã Phú An, huyện Tân Phú) từ một thanh niên hiền lành đã ra tay giết chính cha ruột của mình.
Để rồi, ngoài bản án 19 năm tù mà Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt, bị cáo còn chịu sự dày vò của bản án lương tâm đến suốt cuộc đời còn lại.
Thảm kịch con giết cha
Hơn 7h ngày 26-11, chiếc xe chở bị cáo Kiệt dừng ở sân Tòa án nhân dân tỉnh. Bị cáo Kiệt bước xuống xe với sự trầm ngâm, mệt mỏi. Mẹ và anh chị của bị cáo vội tiến lại gần chiếc xe, nước mắt rưng rưng. Nhìn con trai, bà T.L. (mẹ bị cáo) bật khóc. Bà tự trách mình không bảo vệ được con khỏi bạo lực gia đình, khiến con “giận mất khôn”.
Theo nội dung vụ án và lời bị cáo Kiệt khai nhận tại phiên tòa xét xử ngày 26-11, vào ngày 1-6, bà T.L. cùng chồng là ông T.V.H. (50 tuổi, ngụ xã Phú An, huyện Tân Phú) đã thống nhất bán vườn sầu riêng của gia đình cho thương lái với giá 75 ngàn đồng/kg. Sau khi bán thì sầu riêng tăng giá nên ông H. thường xuyên chửi mắng các thành viên trong gia đình về việc bán sầu riêng sớm nên giá rẻ hơn so với giá thị trường.
Đến ngày 4-6, sau khi vợ đi làm rẫy, còn lại ông H. và con trai là bị cáo Kiệt ở nhà, ông H. tiếp tục chửi mắng bị cáo Kiệt về việc bán sầu riêng với giá rẻ. Tức giận vì bị ông H. thường xuyên uống rượu, bia rồi chửi mắng mọi người trong gia đình, trong đó có cả bị cáo, Kiệt đã xuống nhà bếp lấy dao chém ông H. 3 nhát, khiến ông H. tử vong. Sau đó, Kiệt đến cơ quan công an đầu thú.
Đứng trước bục khai, bị cáo Kiệt khóc nghẹn như một đứa trẻ. Mỗi lần Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi, bị cáo đều lắc đầu và rất khó để trả lời một cách mạch lạc, rõ ràng. Nhất là khi HĐXX hỏi về nguyên nhân giết cha thì bị cáo chỉ khóc và trầm ngâm không trả lời. Bị cáo cho rằng, bản thân cũng không hiểu lý do tại sao lại có thể giết cha.
“Bị cáo sai ngàn lần khi chính tay giết cha. Bị cáo xin lỗi mẹ, các anh chị nhiều lắm vì bị cáo không biết tại sao bản thân lại làm như vậy. Bị cáo chỉ muốn giúp cả nhà được giải thoát khỏi bạo lực” - bị cáo Kiệt vừa khóc, vừa trình bày.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của bị hại là cha ruột của mình, người đã sinh thành và nuôi dưỡng bị cáo. Do đó, cần phải xử lý nghiêm, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài, đủ để cải tạo, giáo dục và cũng nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Hệ quả đau lòng khi dùng bạo lực để giải quyết bạo lực
Chính vì bị cáo không nói được nguyên nhân để xảy ra vụ án nên HĐXX phải tìm hiểu nhân chứng và những người trong gia đình bị cáo. Ngay trong phiên tòa xét xử, khi được hỏi về các tình tiết trong vụ án, mẹ và các anh chị bị cáo khai, từ khi các con còn nhỏ thì ông H. đã thường xuyên đánh đập và chửi mắng các thành viên trong gia đình, trong đó có bị cáo Kiệt.
Mẹ bị cáo Kiệt kể lại, ông H. sau khi chia tay người vợ cũ thì lấy bà và có 2 người con chung. Gia đình bà trước đó có thời gian sống tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng do cuộc sống quá khó khăn nên cả nhà về huyện Tân Phú lập nghiệp. Lúc trước, người chồng vẫn chịu khó làm ăn nhưng sau này đổ nợ nên bắt đầu bê tha, lao vào rượu chè sáng say chiều xỉn. Sau mỗi lần uống rượu, ông H. thường đánh đập vợ và các con (kể cả con riêng và con chung).
“Lúc trước, vì con còn quá nhỏ nên tôi đã chịu đựng, chỉ mong các con có mái ấm bình yên. Tôi cũng đề nghị chồng ly hôn, nhưng không được. Ngờ đâu, để con sống trong cảnh bạo lực gia đình lại khiến con bất hạnh như hiện nay” - bà T.L. buồn bã nói.
Theo một người anh của bị cáo (con riêng của bị hại), bị cáo Kiệt vốn là thanh niên ngoan hiền, hiếu thảo. Thế nhưng, lâu dần bị cáo lại trở nên trầm tính và hầu như không giao du với ai. Sự việc xảy ra bất ngờ, trong lúc gia đình không ai có ở nhà nên không thể ngăn cản được. Gia đình mong HĐXX xét đến hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết và sự chịu đựng phải sống trong gia đình bạo lực mà giảm nhẹ án cho bị cáo để bị cáo sớm được có cơ hội trở về làm lại cuộc đời.
Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử Trương Kim Quyết đánh giá, trong vụ án này, bị cáo là người đã trưởng thành, có trình độ học vấn nhất định. Nhưng chỉ vì bị la mắng mà bị cáo lại có hành động giết cha ruột là rất đáng lên án. Hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ, giết người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình nên cần có mức án nghiêm khắc.
Tuy nhiên, theo vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, bị cáo đã thành khẩn ăn năn hối cải, sau khi phạm tội ra đầu thú, một phần lỗi cũng do bị hại thường xuyên chửi mắng bị cáo nên cần giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo của pháp luật đối với người phạm tội. Tại phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị mức án từ 18-20 năm tù giam về tội giết người đối với bị cáo Kiệt.
Kết thúc phiên tòa, nhìn bị cáo mất bình tĩnh và sợ hãi, người mẹ đã xin HĐXX được ôm bị cáo để an ủi và động viên con. Có lẽ, bản án 19 năm tù đã đủ để bị cáo thấy được cái sai của mình và phải trả giá bằng cả tuổi trẻ.