Bi kịch mất phương hướng, bất đồng giữa đại dịch của EU ở tuổi 70

EU vừa tròn 70 tuổi sau ngày kỷ niệm 9/5 vừa qua. Sáng kiến nhằm bảo vệ hòa bình, chấm dứt mọi xung đột tại lục địa già, giờ đây bị đe dọa bởi kẻ thù mới vô hình, không ranh giới.

70 năm trước, vào tháng 5/1950, Ngoại trưởng Pháp Robert Schuman ra Tuyên bố Schuman, đề xuất thành lập “cộng đồng than và thép” ở châu Âu.

Đó là hiệp định khiêm tốn, giữa 6 nước châu Âu bị chiến tranh tàn phá, đối với chỉ hai mặt hàng. Nhưng hiệp định khiêm tốn đó sau này trở thành thị trường chung, và thành Liên minh châu Âu (EU), một trong những thể chế thành công nhất lịch sử.

Ngay từ đầu, hành trình gắn kết EU có nhiều trắc trở, nhưng vẫn luôn có định hướng, theo Economist. Các lãnh đạo đến và đi, bức tường Berlin được dựng lên rồi bị phá đổ, những cơn bão kinh tế kéo đến rồi tan. EU vẫn đứng vững.

Hợp tác trong EU sâu sắc thêm, tạo nên thị trường chung lớn nhất thế giới, cho phép người dân di chuyển tự do qua biên giới, sử dụng đồng tiền chung. EU cũng mở rộng, từ 6 thành viên ban đầu kết nạp thêm 22 nước thành viên, bao gồm 11 nước Đông Âu.

Tất cả giúp củng cố hòa bình, lan rộng sự thịnh vượng. Ngày nay, châu Âu là thành trì của các giá trị tự do và là hình mẫu về phiên bản “tốt bụng hơn” của chủ nghĩa tư bản.

Nhưng giữa đại dịch Covid-19, EU lại đang mất phương hướng. Đại dịch ở châu Âu không chỉ là cuộc khủng hoảng kinh tế như ở các nơi khác, mà đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng chính trị và pháp lý.

“Covid-19 đã ghi bàn mở tỉ số trước EU - thách thức sự đoàn kết kinh tế, chính trị và lòng tin của công chúng vào tương lai của EU”, Frederick Kempe, Chủ tịch Hội đồng Atlantic bình luận trong một bài viết.

Thậm chí, các ý kiến chỉ trích còn ví quyết định của Tòa án Hiến pháp Đức, thách thức đợt mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu, là “cái đinh tiếp theo đóng vào quan tài” đối với EU, sau Brexit.

Trên thế giới, EU vẫn nắm giữ sức mạnh lớn và có nhiều tiềm năng. Các khó khăn hiện tại về lý thuyết có thể giải quyết được, nhưng các nước EU hiện không thể đồng thuận về các biện pháp và cải cách. Khi Mỹ - Trung đang đối đầu, việc EU không đồng thuận là một cơ hội bị bỏ lỡ, một bi kịch, Economist bình luận.

 EU mở rộng từ 6 thành viên ban đầu kết nạp thêm 22 nước thành viên, bao gồm 11 nước Đông Âu. Ảnh: AFP.

EU mở rộng từ 6 thành viên ban đầu kết nạp thêm 22 nước thành viên, bao gồm 11 nước Đông Âu. Ảnh: AFP.

Các dự báo gần đây cho thấy suy thoái kinh tế ở mức “lịch sử” ở châu Âu trong năm 2020 do tác động của các lệnh phong tỏa, theo AFP.

Ngày 6/5, Ủy ban châu Âu dự đoán các nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ giảm sản lượng 7,7% trong năm 2020, và cảnh báo nếu không có kế hoạch giải cứu chung cho cả khối, bản thân đồng euro sẽ bị đe dọa.

Ủy ban châu Âu cũng dự báo khu vực đồng euro, gồm 19 nước, sẽ hồi phục 6,3% trong năm 2021, nhưng sẽ là phục hồi không cân bằng. Chẳng hạn Đức và Hà Lan có điều kiện để nhanh chóng “nổ máy” phục hồi, trong khi các nước Nam Âu như Italy và Tây Ban Nha sẽ vất vả theo sau.

“Sự chia rẽ đó đe dọa thị trường chung và khu vực đồng euro - nhưng vẫn có thể giảm thiểu nhờ các hành động quyết đoán, đoàn kết của châu Âu”, Cao ủy phụ trách kinh tế của EU, Paolo Gentiloni, cho biết.

Theo Ủy ban châu Âu, Italy được dự báo sẽ suy thoái 9,5% trong năm 2020, và chỉ hồi phục 6,5% năm sau đó. Hy Lạp sẽ giảm tới 9,7%, và hồi phục 7,9% năm 2021. Trong khi đó, Đức sẽ giảm chỉ 6,5%, rồi hồi phục 5,9% trong năm sau đó.

Theo Economist, là thành viên của EU lẽ ra phải khiến các nước được an toàn hơn trong thế giới nhiều rủi ro hiện tại. Thay vào đó, đại dịch đang thử thách sợi dây liên kết thành viên EU, tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009.

Một thách thức là thị trường chung, vốn có những quy định chặt chẽ giới hạn trợ cấp chính phủ. Nhưng quy định đó đã phải tạm gác lại khi các chính phủ đều phải “thân ai người ấy lo”, đổ tiền hỗ trợ doanh nghiệp của mình, tổng cộng lên tới hàng nghìn tỷ euro.

Các nước ảnh hưởng nhất vì dịch bệnh trong EU - Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ - cũng là các nước có nợ công cao nhất, và phản ứng của các nước này bị nhiều hạn chế.

Điều này dẫn đến những bất mãn. Chẳng hạn, một nửa trong tổng số tiền cứu trợ là của chính phủ Đức. Đó sẽ là bất lợi nếu bạn là một nhà sản xuất ở một nước không có khoản trợ cấp như vậy, mà vẫn phải nhập hàng hóa Đức, cạnh tranh với các nhà sản xuất từ Đức.

Đồng tiền chung cũng là thách thức. Vì các nước muốn “đỡ” cho những ảnh hưởng của phong tỏa, số tiền nợ của các nước này tăng nhanh chóng. Vì các chính phủ trong khối đồng euro vay theo đồng tiền chung, nhưng phải tự chủ về tài chính, các khoản nợ có thể tăng đến mức không còn bền vững.

Vấn đề đó đặc biệt nghiêm trọng ở Italy, vốn đã có nợ công nặng nề ở mức 2.400 tỷ euro, tức 135% GDP, từ trước đại dịch. Có khả năng đảng Liên đoàn phương Bắc của lãnh đạo chống EU Matteo Salvini sẽ lên nắm quyền, bằng cách liên tục công kích EU đã hỗ trợ Italy quá ít. Nếu vậy, đảng này sẽ tiếp tục kích động chia rẽ với Brussels.

Cho đến nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang là “tuyến đầu” chống đỡ cho EU về mặt kinh tế, dùng hàng trăm tỷ euro để mua trái phiếu, khiến lãi suất giảm xuống mức lịch sử. Nhờ vậy, ECB có thể khuyến khích các ngân hàng tiếp tục cho cá nhân và doanh nghiệp vay trong đại dịch.

Nhưng điều này cũng dẫn đến thách thức tiếp theo đối với EU: những tranh cãi về pháp lý.

Như trùng hợp, ngay đúng tuần kỷ niệm 70 năm của EU, Tòa án Hiến pháp Đức đã đặt dấu hỏi về phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), vốn cho phép ECB mua các khoản nợ khổng lồ để bảo vệ đồng euro.

Tòa án Đức nói chính sách mua trái phiếu của ECB có thể đang trái luật, vì có tác động vượt ngoài sứ mệnh được giao cho ECB.

Theo ông Kempe, Chủ tịch Hội đồng Atlantic, “quả bom hẹn giờ” ở đây là việc tòa án Đức yêu cầu ngân hàng trung ương Đức Bundesbank ngừng mua thêm trái phiếu sau ba tháng, nếu ECB không đánh giá lại. Bundesbank nắm vai trò quan trọng trong việc mua trái phiếu.

Trong tranh cãi pháp lý khác, đảng cầm quyền ở Ba Lan đang phản đối việc Tòa án Công lý châu Âu yêu cầu đình chỉ một ủy ban mà đảng này lập ra để giám sát các thẩm phán - diễn biến mới nhất trong mâu thuẫn kéo dài giữa EU và Ba Lan.

EU được xây dựng dựa trên luật pháp. Nếu tác động của đại dịch làm yếu đi nền móng của ECJ, cả khối sẽ lung lay.

Công bằng mà nói, bất chấp suy thoái kinh tế và các thách thức về đồng euro, Liên minh châu Âu vẫn là siêu cường kinh tế, chiếm 22% GDP toàn cầu (năm 2018), giảm còn 18,5% sau Brexit.

Các nước châu Âu, thông qua một loạt chương trình của chính phủ, đã thành công trong việc kiềm chế thất nghiệp thời Covid-19 ở mức 6,6% (vào tháng 3), thấp hơn nhiều so với Mỹ (14,7%), theo ông Kempe.

EU vẫn là “siêu cường” của thế giới về quy định pháp luật, thường xuyên làm chuẩn mực cho thế giới về các quy định, chẳng hạn về quyền riêng tư.

Về viện trợ quốc tế, EU và các nước thành viên viện trợ 448 tỷ USD trên toàn cầu, so với 187 tỷ USD viện trợ của Mỹ, hay so với 500 tỷ USD tiền vay của Trung Quốc. EU chiếm 38% FDI toàn cầu, so với 21% của Mỹ và 6% của Trung Quốc, theo Hội đồng Đối ngoại châu Âu.

Thách thức hiện tại đối với EU không dẫn đến nguy cơ sụp đổ ngay, nhưng nếu dịch Covid-19 khiến uy tín EU bị tổn hại, sẽ ảnh hưởng đến khả năng dẫn dắt của khối trong nhiều lĩnh vực.

Economist bình luận các vấn đề của EU có thể được giải quyết bằng tầm nhìn, cải cách và thỏa hiệp, nhưng sự đoàn kết, thỏa hiệp và quyết tâm dường như là “hàng hiếm” giữa các nước EU lúc này.

Từ trước đại dịch, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo rằng EU cần chuẩn bị sẵn để đứng vững trong một thế giới ngày càng bất lợi. Nhưng tinh thần đoàn kết mà thông điệp của ông Macron muốn gửi gắm nhanh chóng tan biến khi các nước có tầm nhìn khác nhau về EU.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters.

Trong các mảng chính sách hệ trọng nhất giữa dịch Covid-19 - y tế, kiểm soát biên giới, chính sách tài khóa - các nước thành viên vẫn giữ quyền tự chủ, và không sẵn sàng thỏa hiệp lợi ích của mình.

“EU gần như bị trói tay về y tế cộng đồng”, Agata Gostyńska-Jakubowska, nhà nghiên cứu cao cấp ở Trung tâm Cải cách châu Âu, tại Brussels, nói với Financial Times.

Về kiểm soát biên giới, EU có sẵn quy định về khi nào có thể lập chốt chặn biên giới, nhưng suy cho cùng, các quốc gia có lực lượng cảnh sát biên giới, còn EU thì không.

Về kinh tế, Tây Ban Nha và Italy dành nhiều tuần để kêu gọi sự hỗ trợ chưa từng có từ các nước Bắc Âu giàu có hơn và ít bị tác động của Covid-19 hơn. Theo đó, hai nước này hy vọng toàn bộ khu vực đồng euro sẽ cùng phát hành “trái phiếu corona” để vay tiền, tạo ra một “quỹ chiến tranh” giúp châu Âu chống lại suy thoái.

Nhưng Đức và Hà Lan từ chối vì không muốn kinh tế của mình gắn với các nước Nam Âu đang nợ công nặng nề.

Các nước Bắc Âu giàu có không ưa ý tưởng “nước giàu hỗ trợ nước nghèo hơn”, càng không ưa việc “đồng nhất” các khoản nợ với các nước nghèo hơn trong khối.

Ví dụ về sự nhạy cảm trong chủ đề này là vào cuối tháng 4, khi Ủy ban châu Âu đề nghị phóng viên không gọi ý tưởng bơm tiền giải cứu vào EU là “quỹ tiền”, mà chỉ là “sáng kiến”, để không làm các nước Bắc Âu giật mình.

Nhưng các lãnh đạo Bắc Âu nhận ra họ phải hành động để đối phó khủng hoảng, và phải có sự “cảm thông” đối với sự chết chóc ở Italy và Tây Ban Nha. Trong những tháng tới, nhiều khả năng họ sẽ đồng ý cho phép tăng ngân sách 7 năm của EU.

Dù vậy, vẫn còn bất đồng khi các nước Nam Âu đang kêu gọi 1.100-1.600 tỷ USD, và phải là tiền viện trợ trực tiếp, không phải tiền vay.

Nhìn rộng hơn, từ trước đại dịch, các thành viên EU cũng đã không thể đồng thuận khi đứng trước sự xói mòn của dân chủ và thượng tôn pháp luật tại Hungary và Ba Lan. Các nước cũng chật vật trong việc hình thành chính sách chung về quốc phòng, về Nga, về di cư và nhiều vấn đề khác.

Tệ hơn nữa là cơ chế cải cách cũng không hiệu quả. Từ thời của Tuyên bố Schuman, EU đã lớn mạnh bằng việc liên tục bổ sung vào điều lệ của khối. Nhưng kể từ năm 2005, khi kế hoạch về hiến pháp mới bị cử tri Pháp và Hà Lan dẹp bỏ, các lãnh đạo EU đã ngần ngại thay đổi hiệp ước. Họ chưa dám có sự bổ sung nào kể từ năm 2007.

Việc hành động riêng rẽ “có thể tạo thêm, thay vì giải quyết, các vấn đề”, theo bà Gostyńska-Jakubowska. Chẳng hạn, sự ùn tắc ở biên giới những tuần đầu dịch bệnh tăng nguy cơ lây nhiễm và khiến các nước khó hồi hương công dân của mình.

Nếu quyết tâm, EU vẫn có những quyền lực mềm nhất định để kêu gọi hành động, định hướng thảo luận, hay khuyến khích các nước dùng quyền hạn của mình một cách thống nhất.

Đơn cử, dù khởi đầu lúng túng (một số nước từ chối cung cấp khẩu trang cho nhau), đến nay EU đã hợp tác tốt hơn chống Covid-19. Ủy ban châu Âu thuyết phục được các nước cung cấp thiết bị y tế cho nhau, và chi 90% tiền để tích trữ 54 triệu USD thiết bị y tế.

 Người biểu tình ủng hộ EU tại Bucharest, Rumani ngày 10/10/2019. Ảnh: AFP.

Người biểu tình ủng hộ EU tại Bucharest, Rumani ngày 10/10/2019. Ảnh: AFP.

Dù EU nhìn chung bị cho là đã hành động chậm để đối phó với Covid-19, những tuần gần đây cho thấy nỗ lực mới.

Chẳng hạn, EU cam kết 3,3 tỷ USD hỗ trợ các nước Tây Balkan chống dịch, giữa lúc các nước này ngày càng gần hơn với Nga và nhận hỗ trợ từ Trung Quốc, theo bài viết trên trang của Hội đồng Atlantic.

Đối với các nước này, Nga và Trung Quốc khó đem lại được điều mà EU đang đặt lên bàn: cơ hội gia nhập EU. Đàm phán kết nạp sẽ bắt đầu trong vòng một năm.

Nếu EU muốn thịnh vượng, EU sẽ cần phải tham vọng hơn nhiều so với những gì các nước Bắc Âu đang sẵn sàng chấp nhận.

Chẳng hạn, nếu không muốn “sa lầy”, EU sẽ phải thích ứng, và thích ứng đồng nghĩa với việc phải vượt qua những điều tiếng, phản ứng của việc thay đổi hiệp ước. Các thay đổi hiệp ước, nếu muốn tốt cho EU, sẽ phải thừa nhận thực tế rằng các thành viên muốn những điều khác nhau từ EU. Và một “EU nhiều làn tốc độ” sẽ vững vàng hơn hiện nay khi mà nhiều kỳ vọng không đạt được.

Nhưng như vậy sẽ đòi hỏi EU phải hoàn tất các nỗ lực hiện tại, như đồng tiền chung euro, mới chỉ hoàn thành một nửa, dễ chịu các cú sốc khi có khủng hoảng.

Những người chỉ trích thường dự đoán EU hoặc khối đồng euro sẽ tan rã, để rồi lại sai. EU còn có thể “gồng mình” trong thời gian dài, nhất là sau khi Brexit cho thấy việc “ly dị” sẽ tốn kém và rắc rối đến thế nào. Nhưng những người chỉ trích vẫn có quyền chê bại dựa vào kết quả hợp tác hiện nay.

Ngay trước mắt, việc không thể cải tổ hiệp ước EU gây ra những vấn đề cho Tòa án Công lý châu Âu và sự thượng tôn pháp luật. Ngoài ra, chính sách trợ cấp của Đức cũng đe dọa thị trường chung, và sự trì trệ về kinh tế sẽ “đầu độc” đồng euro.

Để lấy lại quyết tâm, các lãnh đạo EU có thể nghĩ về một sự kiện kỷ niệm khác trong tháng tới. Tháng 6 sẽ là kỷ niệm 230 năm thỏa hiệp năm 1790, khi Alexander Hamilton thuyết phục Thomas Jefferson và James Madison (đều là những cha đẻ lập quốc của Mỹ) cho phép chính phủ Mỹ tiếp nhận các khoản nợ của 13 tiểu bang.

Economist bình luận rằng châu Âu không cần phải đi xa như vậy, nhưng nếu không có thêm các thỏa hiệp nhất định, khối euro và thị trường chung có thể sụp đổ.

Do vậy, các lãnh đạo châu Âu, hiện đang đàm phán qua họp trực tuyến, cần phải can đảm. Việc các chuyển khoản nợ hay gánh nợ chung có vẻ rất khó chấp nhận, nhưng nếu nhằm để tránh thảm họa, đưa EU trở lại con đường ổn định, có thể sẽ đáng giá.

Trọng Thuấn
Đồ họa: Nhân LêẢnh: Reuters, AP, AFP, New York Times.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-kich-mat-phuong-huong-bat-dong-giua-dai-dich-cua-eu-o-tuoi-70-post1085349.html