Bi kịch từ những đồng tiền đi 'vay nặng lãi'
Khi người vay tiền không trả được lãi, số tiền này sẽ được cộng vào tiền vay gốc và 'con nợ' sẽ ngày càng lún sâu vào 'vũng lầy nợ nần'.
Thời gian qua, tại một số địa phương của tỉnh Lạng Sơn xuất hiện các nhóm đối tượng chuyên cho vay tiền với lãi suất cao từ 100% đến 350%. Lãi suất cắt cổ nhưng thủ tục vay đơn giản dẫn đến những hậu quả khôn lường, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội phức tạp.
Tại các tuyến phố chính của thành phố Lạng Sơn và các huyện Chi Lăng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn... không khó để thấy những mảnh giấy quảng cáo cho vay vốn không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập, thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp được dán trên các bờ tường, cột điện. Tuy nhiên sự thật thì trái ngược hoàn toàn với những lời quảng cáo “có cánh”.
Thử liên hệ với một số điện thoại quảng cáo cho vay tiền lãi suất thấp thì được biết nếu vay 1 triệu đồng, mỗi ngày phải trả lãi từ 3.000đ đến 10.000đ và khoản vay được thế chấp bằng các loại giấy tờ có giá trị như hộ khẩu, đăng ký xe, giấy tờ nhà đất..... Khi người vay tiền không trả được lãi, số tiền này sẽ được cộng vào tiền vay gốc và “con nợ” sẽ ngày càng lún sâu vào “vũng lầy nợ nần”.
Đã có một số trường hợp, “con nợ” không có khả năng chi trả nên bị các đối tượng chuyên đòi nợ thuê bắt giữ, đánh đập hoặc dùng băng rôn, tờ rơi in hình ảnh những người nợ tiền để bêu rếu họ tại những nơi công cộng.
Để ngăn chặn các hoạt động tín dụng đen, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức nhiều biện pháp đấu tranh xử lý. Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Công an các địa phương bắt giữ hàng chục đối tượng cho vay nặng lãi, hoàn thiện hồ sơ khởi tố theo qui định của pháp luật.
Thượng tá Nguyễn Đình Khải, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Vay lãi nặng như thế này dẫn đến rất nhiều hệ lụy xã hội. Có những người sau khi vay rồi không có khả năng chi trả, đã phải bỏ địa phương, bỏ nhà ra đi để trốn nợ. Các đối tượng cho vay đòi nợ rất quyết liệt, dẫn đến các hành vi cố ý gây thương tích, uy hiếp tinh thần”.
Rất nhiều bi kịch đã diễn ra liên quan đến việc cho vay nặng lãi. Trong nền kinh tế thị trường, giao dịch dân sự về tài chính vẫn sẽ còn tiếp diễn với nhiều hình thức khác nhau kéo theo các dịch vụ siết nợ, đòi nợ thuê gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Chính vì vậy, lực lượng chức năng và các cấp chính quyền cần có những biện pháp hữu hiệu để giám sát, xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo cho vay núp bóng hỗ trợ tài chính, vay không thế chấp nhưng thực chất là cho vay nặng lãi./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/bi-kich-tu-nhung-dong-tien-di-vay-nang-lai-983734.vov