Bỉ kiên quyết không nhận lô F-35 Mỹ kém chất lượng
Những chiếc F-35 đầu tiên không được như mong đợi suốt 5 năm qua, Bỉ đã từ chối nhận bàn giao những chiếc máy bay này.
Bộ Quốc phòng Bỉ đã từ chối nhận chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35A đầu tiên được đặt hàng hồi tháng 10/2018, với lý do là chiếc máy bay này “không đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật” và cần cải tiến thêm phần mềm trước khi đáp ứng các tiêu chuẩn của Không quân Bỉ.
Đáng chú ý, Bỉ không phải là đối tác trong chương trình F-35 như các nước láng giềng Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy, nhưng đã chọn loại máy bay chiến đấu này trong cuộc đấu thầu vào năm 2018, nhằm thay thế những chiếc F-16 đang dần lạc hậu. F-35 đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh như máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Rafale của Pháp và Eurofighter của châu Âu để dành được chữ ký từ Bỉ.
Chính quyền Brussels khi đó đã phải đối mặt với những áp lực đáng kể từ phía Pháp trong việc lựa chọn mua máy bay chiến đấu. Pháp đã đưa ra các đề nghị đầu tư và hợp tác công nghiệp trị giá hàng chục tỷ USD nếu Bỉ mua Rafale, nhưng cuối cùng Bỉ đã chọn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tiên tiến hơn của Mỹ. Cho đến nay, F-35 chưa bao giờ thua trong các cuộc đấu thầu cạnh tranh với các loại máy bay được sản xuất từ châu Âu.
Những chiếc F-35 ban đầu dự kiến sẽ được chuyển giao với tốc độ bốn chiếc mỗi năm từ năm 2023 - 2028, cho phép Không quân Bỉ loại bỏ dần những chiếc F-16 hiện đang được xem xét để chuyển giao cho Không quân Ukraine dưới dạng viện trợ.
Tuy nhiên, thời gian phục vụ của những chiếc F-16 này vẫn có thể còn rất lâu nữa, bởi phía Mỹ liên tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất F-35 và không bảo đảm đúng thời gian bàn giao máy bay chiến đấu trong những năm gần đây. Không chỉ riêng F-35, ngay cả đơn hàng nâng cấp những chiếc F-16 - loại máy bay có từ thời Chiến tranh Lạnh lên phiên bản F-16 Block 70/72, cũng khiến phía Đài Loan phải lỡ hẹn nhiều lần.
Những khó khăn của F-35
Phát triển theo chương trình máy bay chiến đấu tấn công chung, F-35 được thiết kế chủ yếu cho các nhiệm vụ không đối đất và thâm nhập hệ thống phòng không của đối phương. Máy bay được trang bị các cảm biến tiên tiến và khả năng tàng hình giúp nó có lợi thế hơn so với các loại chiến đấu cơ thế hệ thứ tư. Bên cạnh đó, máy bay chiến đấu F-35 cũng được tối ưu hóa tốt hơn cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không.
Tuy nhiên, chương trình máy bay chiến đấu F-35 đã gặp phải nhiều khó khăn bởi các vấn đề về hiệu suất với khoảng 800 lỗi được phát hiện, con số này cũng không thay đổi đáng kể trong hơn nửa thập kỷ qua, bởi tốc độ khắc phục lỗi chậm và liên tục phát hiện ra các lỗi mới.
Những vấn đề này khiến cho F-35 không thể tham gia chiến đấu cường độ cao, các chuyên gia dự đoán tình trạng này có thể kéo dài cho đến gần năm 2030. Bên cạnh đó, các vấn đề về hiệu suất còn làm suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của máy bay, gây phát sinh chi phí vận hành bổ sung lên tới hàng tỷ đô la và khiến tính mạng của những người điều khiển máy bay chiến đấu gặp nguy hiểm.
Một ví dụ đáng chú ý gần đây, được trích dẫn từ bản báo cáo sau cuộc điều tra của Lực lượng Không quân Mỹ công bố vào tháng 6/2023 cho thấy, chiếc F-35 bị phá hủy trong vụ tai nạn tại Căn cứ Không quân Hill ở Utah vào ngày 19/10/2022 là do sự cố phần mềm. Phi công điều khiển chiếc máy bay không thể hủy bỏ chế độ tự động hạ cánh và chiếc F-35 bị mất kiểm soát, khiến phi công phải nhảy dù ra ngoài.
Hiệu suất của F-35 đã bị các quan chức quân sự và dân sự Nhà Trắng chỉ trích rất nhiều. Đồng thời, trong các báo cáo từ các nhà khai thác nước ngoài như Hàn Quốc cho biết, F-35 có tỷ lệ sẵn sàng hoạt động thấp, chỉ khoảng 30% và thiếu an toàn. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị được biên chế loại máy bay này.
Bất chấp tuổi thọ hoạt động ngày càng cao, nhu cầu bảo trì F-16 của Bỉ cũng ngày càng tăng lên, việc chuyển đổi từ loại chiến đấu cơ thế hệ thứ tư có thiết kế tương đối đơn giản sang F-35 được cho là sẽ gây ra không ít khó khăn cho Không quân Bỉ.
Việc nâng cấp phần mềm của F-35 đang gặp nhiều khó khăn và vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Các vấn đề về phần mềm khiến cho số lượng máy bay dự kiến được sản xuất vào năm 2023 bị cắt giảm 35%, gây ra những hậu quả không nhỏ trong việc bảo đảm thời gian giao hàng cho các khách hàng nước ngoài.
F-35 vẫn có sức hút lớn trên thị trường xuất khẩu mặc dù còn rất nhiều thiếu sót về hiệu suất và độ tin cậy, bởi nó là chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất được sản xuất rộng rãi và xuất khẩu trên thị trường. Trong khi đó những loại chiến đấu cơ thế hệ thứ năm khác như J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga mới chỉ sản xuất phục vụ trong nước.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/bi-kien-quyet-khong-nhan-lo-f-35-my-kem-chat-luong-ar812485.html