Bí kíp đạt học bổng du học toàn phần TS ở tuổi 22 của cựu học sinh chuyên Ams
Với thành tích học tập tiêu biểu, Lê Nguyễn Trà My đã hoàn thành chương trình bằng kép cử nhân, thạc sỹ trong vòng 4 năm.
Vừa tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Quản trị Truyền thông Chiến lược tại Trường Đại học Monash (Úc) với bằng xuất sắc vào tháng 9/2023, mới đây, Lê Nguyễn Trà My (sinh năm 2001, Hà Nội) đã xuất sắc nhận được thư mời nhập học cùng học bổng toàn phần cho chương trình tiến sĩ tại Trường Đại học Deakin (Úc). Em sẽ theo học chương trình này vào đầu năm 2024 tới đây.
Chia sẻ về động lực để đạt được thành tích cao như hiện tại với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, My bày tỏ, em từng là học sinh chuyên Văn tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Việc được theo học trong một môi trường với những bạn học sinh xuất sắc, tài năng, chính là động lực để em đặt ra định hướng cho bản thân cần phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn mỗi ngày.
Nói về bí quyết để đạt được học bổng toàn phần tiến sĩ tại Úc, nữ sinh cho hay, việc chuẩn bị hồ sơ là rất quan trọng. Theo đó, ứng viên cần lưu tâm đến các yếu tố để được đánh giá là một hồ sơ mạnh như thành tích học tập, đề xuất nghiên cứu và kinh nghiệm nghiên cứu.
Hơn nữa, để một ứng viên có thể nộp hồ sơ học tiến sĩ còn cần phải có thầy/cô của trường nhận hướng dẫn và giám sát dự án của ứng viên để có thể nộp hồ sơ xét duyệt. Do đó, việc chủ động tự xây dựng đề xuất nghiên cứu, chủ động tìm hiểu, trao đổi với thầy cô hướng dẫn cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng.
Để có thể thực hiện tốt được các yếu tố trên và xin thành công học bổng toàn phần tiến sĩ, Trà My cho hay, bản thân luôn xác định mục tiêu rõ ràng và có sự chuẩn bị từ sớm để có những sự chuẩn bị cần thiết.
Bản thân cô gái trẻ luôn yêu thích công việc nghiên cứu và giảng dạy. Do đó, My cho rằng, cùng với những kiến thức chuyên ngành được tích lũy từ việc học ở bậc cử nhân và thạc sĩ, việc học tiến sĩ sẽ là bước đệm tiếp theo để bản thân có cơ hội được đào sâu và chia sẻ những hiểu biết đó với người khác thông qua việc giảng dạy.
Từ năm hai đại học, My đã nộp hồ sơ để theo học chương trình bằng kép cử nhân/thạc sỹ. Để được khoa chấp thuận việc này, cô gái trẻ đã phải nỗ lực rất nhiều và đạt thành tích học tập tiêu biểu, hoàn thành chương trình học này trong vòng 4 năm.
Vượt qua rào cản về ngôn ngữ và cách thức giảng dạy
Nói về quá trình đi du học của mình, nữ sinh bày tỏ, du học không phải là bức tranh màu hồng như nhiều người thường nghĩ bởi phải bước chân ra khỏi vùng an toàn của bản thân, xa gia đình và bắt đầu một cuộc sống tự lập.
Và một trong những khó khăn đầu tiên của em khi đi du học chính là phải đối mặt với sự khác biệt về ngôn ngữ và cách thức giảng dạy, học tập. Điều này khiến bản thân gặp trở ngại trong việc tiếp thu cũng như đạt được kết quả học tập tốt.
Việc học tập và tiếp thu những kiến thức mới thông qua ngôn ngữ thứ hai không phải là điều ai cũng có thể bắt nhịp nhanh. Bản thân cô gái trẻ cũng bị “ngợp" khi bắt đầu kì học đầu tiên.
Thời gian đầu, My đã từng cảm thấy khó khăn trong việc bắt kịp lời thầy cô giảng cũng như việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Thậm chí, My còn có xu hướng “ngại nói" khi thấy các bạn sinh viên bản địa thể hiện ý kiến, đặt câu hỏi, giao tiếp trong lớp với tốc độ nói rất nhanh và trôi chảy.
Tuy nhiên, sau kì học đầu tiên, nhận ra rằng nếu bản thân cứ tiếp tục “ngại giao tiếp” sẽ không thể giúp em cải thiện được kết quả học tập cũng như tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Chính vì vậy, bước sang kì học thứ hai, My đã quyết định phải thay đổi việc giao tiếp của bản thân. Theo đó, em đã bắt đầu gửi email để tham gia các buổi trao đổi hàng tuần với các thầy cô bộ môn nhà trường theo hình thức 1:1.
Dù mỗi buổi trao đổi như vậy chỉ diễn ra trong vòng 20 phút vì có nhiều sinh viên khác cũng tham gia. Nhờ đó, em đã nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ nhiều hơn của các giảng viên về kiến thức cũng như cách chuẩn bị bài, đọc bài trước khi đến lớp được hiệu quả hơn.
Nữ sinh bày tỏ, bản thân đã cảm thấy khá bất ngờ khi thầy cô thật sự lắng nghe và đưa ra những lời giải thích kĩ càng dù thời gian đầu em nói tiếng Anh còn chậm, đặc biệt là trong việc diễn đạt hoàn chỉnh ý kiến, câu hỏi.
Trong suốt quá trình học ở trường, nhờ việc luôn cố gắng giao tiếp, đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến, My đã cải thiện rất nhiều khả năng giao tiếp tiếng Anh và tiếp thu kiến thức. Cùng với đó, em đã gặt được nhiều phương pháp hay trong học tập, nắm chắc hơn vấn đề để làm bài được đúng hướng, không lạc đề, từ đó góp phần nâng cao điểm số.
“Khó khăn lớn nhất của các bạn du học sinh là vấn đề là phải sử dụng ngôn ngữ thứ hai và làm quen với các phương pháp học mới.
Do đó, việc nói chuyện với các giảng viên sẽ là một giải pháp rất hiệu quả để thầy cô hiểu được khả năng, khó khăn mà sinh viên đang gặp phải và đưa ra những số khuyên giúp người học tiến bộ hơn. Việc tăng cường giao tiếp với thầy cô từ những buổi trao đổi 1:1 như vậy đã giúp em cải thiện được khả năng bắt kịp nhịp học cũng như dạn dĩ hơn khi ở trên lớp”, My chia sẻ.
Với những sự thay đổi tích cực trong việc giao tiếp và phương pháp học tập đã góp phần giúp cô gái trẻ tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ và giành học bổng toàn phần tiến sĩ của mình.
Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong 4 năm du học của mình, My cho hay, để bản thân có được sự tự tin nhiều hơn trong việc hòa nhập tại môi trường quốc tế, chính hội sinh viên Việt Nam tại trường đại học, tại Bang cũng như toàn nước Úc đã là nơi hỗ trợ giúp em có thêm nhiều sự tự tin để bước ra khỏi vùng an toàn.
"Hội sinh viên Việt Nam là nơi mà em có được những anh/chị/em du học sinh cùng quê hương bước chân sang Úc với mục tiêu chung là phát triển bản thân và học hỏi. Có thể nói rằng, đó là điểm tựa tinh thần rất lớn cho bản thân em, giúp em cảm thấy không hề “một mình" dẫu có xa nhà.
Em luôn được mọi người trong hội sinh viên hỗ trợ từ những việc rất nhỏ như mua đồ ăn Việt ở đâu cho phù hợp đến những lời khuyên về cách học tập, chọn môn học, tìm kiếm cơ hội tham gia hoạt động ngoại khóa, thực tập", My kể lại.
Với sự hoạt động năng nổ và tích cực, My đã giữ nhiều vị trí quan trọng tại các hội sinh viên như Thư kí - Thành viên Ban Điều hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Monash (MVISC) nhiệm kì 2019-2021; Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Bang Victoria (MOVSA) nhiệm kì 2022-2023; Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc (SVAU) nhiệm kì 2022-2024.
Đặc biệt, em từng nhận được bằng khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Australia với thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên, sinh viên và công tác cộng đồng năm học 2021-2022; Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam với thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kì 2020-2022.
Nói về dự định trong tương lai, cô gái trẻ bày tỏ, trước mắt, bản thân sẽ dành sự tập trung cao nhất cho việc học để hoàn thành chương trình tiến sĩ. Hơn nữa, với sự yêu thích công việc nghiên cứu và giảng dạy sẽ là hai lĩnh vực My mong muốn được trau dồi kinh nghiệm nhiều hơn trong tương lai, không chỉ ở tại Úc mà còn ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, nữ sinh hi vọng có thể góp chút sức mình để hỗ trợ thêm cho các bạn du học sinh thế hệ tiếp theo có thể duy trì, tiếp tục phát triển cộng đồng sinh viên Việt Nam vững mạnh tại Úc.