Bí kíp để hưởng nguyên quyền lợi khi đi khám nhưng quên thẻ bảo hiểm y tế

Thẻ bảo hiểm y tế có vai trò đặc biệt khi người dân đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Nhờ thẻ BHYT gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh được giảm nhẹ. Tuy nhiên, khi người bệnh quên mang thẻ BHYT thì có cách nào để được hưởng quyền lợi?

Thẻ bảo hiểm y tế là gì?

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Theo quy định tại Điều 16, Luật Bảo hiểm y tế 2008, thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định.

Thẻ bảo hiểm y tế là căn cứ quan trọng để Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh (KCB).

Mỗi người tham gia bảo hiểm y tế được cấp 1 thẻ BHYT và tổ chức bảo hiểm y tế ban hành mẫu thẻ BHYT sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế.

Vai trò đặc biệt của thẻ bảo hiểm y tế

Do được dùng làm cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế vì vậy vai trò của thẻ bảo hiểm y tế giống như một tấm thẻ bài để người dân được xét hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật. Người dân phải xuất trình được thẻ BHYT khi thanh toán chi phí khám chữa bệnh khi này mới được hưởng lợi ích từ BHYT.

Tuy nhiên, thẻ BHYT xuất trình với cơ sở BHYT phải đảm bảo còn giá trị sử dụng. Các trường hợp không có giá trị sử dụng khi:

Thẻ đã hết thời hạn sử dụng;

Thẻ bị sửa chữa, tẩy xóa;

Người có tên trong thẻ không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.

Trường hợp trên thẻ BHYT không có ảnh, người bệnh cần mang theo chứng minh thư, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu để đảm bảo việc xác minh được nhanh chóng thuận lợi.

Thẻ bảo hiểm y tế là căn cứ quan trọng để Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.

Thẻ bảo hiểm y tế là căn cứ quan trọng để Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.

Đi khám quên thẻ bảo hiểm y tế người bệnh cần thay bằng giấy tờ gì để hưởng quyền lợi?

Đi khám quên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) người bệnh có thể sử các ứng dụng, giấy tờ sau đây để thay cho thẻ BHYT giấy.

1. Sử dụng ứng dụng VssID thay thế thẻ bảo hiểm y tế

Ngày 31/5/2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành Công văn số 1493/BHXH-CSYT, trong đó hướng dẫn về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh.

Theo Công văn 1493, kể từ ngày 1/6/2021, người bệnh tham gia BHYT trên toàn quốc khi đi khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ giấy.

Các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code trên hình ảnh thẻ BHYT hoặc nếu không có đầu đọc mã QR thì nhân viên y tế ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để làm thủ tục khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Việc này đã giúp đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục trong quá trình làm khám, chữa bệnh để hưởng quyền lợi BHYT.

Tất cả người bệnh sở hữu điện thoại smartphone đều có thể dễ dàng tải ứng dụng VssID và đăng ký tài khoản để sử dụng hình ảnh thẻ BHYT và các tiện ích khác mà ứng dụng VssID mang lại.

Sau khi được cơ quan BHXH cấp mật khẩu, người bệnh mở hình ảnh thẻ BHYT nhờ các thao tác sau:

Bước 1: Đăng nhập tài khoản VssID.

Bước 2: Tại giao diện Quản lý cá nhân chọn "Thẻ BHYT".

Bước 3: Chọn "Sử dụng thẻ" hoặc "Hình ảnh thẻ".

Người bệnh có thể sử dụng ứng dụng VssID thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi đi KCB tại cơ sở y tế.

Người bệnh có thể sử dụng ứng dụng VssID thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi đi KCB tại cơ sở y tế.

2. Sử dụng căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ bảo hiểm y tế

Đầu năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 931/BYT-BH hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp.

BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc thực hiện đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế trong dữ liệu về CCCD.

Hiện nay, người dân ở các địa phương đều có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT để khám chữa bệnh BHYT. Vì vậy, nếu đã được cấp thẻ CCCD gắn chip, người bệnh chỉ cần mang theo CCCD và không cần đem thẻ BHYT giấy đi cùng khi đến khám, chữa bệnh mà vẫn được giải quyết hưởng quyền lợi BHYT.

Khi đi khám, chữa bệnh, người bệnh xuất trình CCCD gắn chip cho nhân viên y tế để họ quét mã QR code kiểm tra thông tin và làm thủ tục khám, chữa bệnh theo đúng quy trình.

3. Sử dụng ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế

Ngoài việc cho phép sử dụng CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT giấy, Công văn 931/BYT-BH, Bộ Y tế cũng đề cập đến việc cho phép sử dụng VNeID thay thế cho thẻ BHYT giấy khi người dân đi khám chữa bệnh.

Theo đó, những công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử (VNeID) do Bộ Công an cung cấp và tích hợp thông tin về thẻ BHYT trên đó thì có thể sử dụng ứng dụng này để làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.

Để được tích hợp thông tin BHYT trên ứng dụng VNeID, người dân phải đăng ký đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tại Công an xã, phường, thị trấn hoặc Công an nơi cấp thẻ CCCD. Khi đi, người dân mang theo thẻ CCCD gắn chip và thẻ BHYT để phía công an cập nhật thông tin.

Sau khi đăng ký thành công, người dân có thể sử dụng thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID để thay cho thẻ BHYT giấy để làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.

Cách sử dụng ứng dụng này như sau:

Bước 1: Đăng nhập tài khoản VNeID.

Bước 2: Chọn mục "Ví giấy tờ" >> Chọn "Thẻ BHYT".

Bước 3: Nhập mã Passcode để xác minh người dùng.

Bước 4: Xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID cho nhân viên y tế.

Mức thanh toán bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh quên mang thẻ bảo hiểm y tế

Các trường hợp khám chữa bệnh quên mang thẻ BHYT sẽ được thanh toán theo Khoản 4, Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP:

Trường hợp người bệnh đi khám bệnh, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu không đúng quy định tại Khoản 1, Điều 28 của Luật Bảo hiểm y tế được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú và tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh nội trú.

Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng, theo đó mức thanh toán trực tiếp khi không mang thẻ BHYT tối đa không quá:

745.000 đồng đối với khám, chữa bệnh nội trú;

223.500 đồng đối với khám, chữa bệnh ngoại trú.

Để được thanh toán tiền bảo hiểm y tế, người bệnh cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan. Ảnh minh họa: TL

Để được thanh toán tiền bảo hiểm y tế, người bệnh cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan. Ảnh minh họa: TL

Thủ tục thanh toán trực tiếp tiền bảo hiểm y tế khi quên mang thẻ bảo hiểm y tế

Căn cứ quy định tại Điều 28 và Điều 29 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, để nhận tiền BHYT được thanh toán trực tiếp, người bệnh cần tiến hành theo các thủ tục sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

Điều 28 Nghị định 146/2018 đã quy định chi tiết các giấy tờ để người bệnh có thể làm thủ tục đề nghị thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT gồm:

- Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu):

+ Thẻ BHYT.

+ Giấy chứng minh nhân thân.

+ Giấy ra viện, phiếu hoặc sổ khám bệnh của lần khám, chữa bệnh đề nghị thanh toán.

- Hóa đơn và các chứng từ có liên quan.

Bước 2: Nộp hồ sơ.

Căn cứ Điều 29 Nghị định 146, người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh trực tiếp nộp đầy đủ hồ sơ cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú.

Bước 3: Cơ quan BHXH quận/huyện giải quyết

- Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và lập giấy biên nhận hồ sơ.

- Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì người bệnh được hướng dẫn chi tiết để bổ sung.

- Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan BHXH hoàn thành việc giám định BHYT và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh, thân nhân của người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp.

- Thời hạn giải quyết: Trong 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Lưu ý: Trường hợp không thanh toán, cơ quan BHXH phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/bi-kip-de-huong-nguyen-quyen-loi-khi-di-kham-nhung-quen-the-bao-hiem-y-te-172230508104943976.htm