Bí kíp dùng ChatGPT: Chọn mô hình AI tốt nhất cho viết lách, lập trình, giải toán, sáng tạo
Kể từ khi ra mắt ChatGPT vào tháng 11.2022, OpenAI đã tung ra nhiều phiên bản của mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) làm nền tảng cho chatbot đình đám này, với vài tên gọi gây khó hiểu.
Mô hình AI chính là nền tảng cốt lõi cho các chatbot hiện nay. Chatbot là ứng dụng sử dụng mô hình AI để giao tiếp với con người thông qua văn bản hoặc giọng nói. Cụ thể hơn, chatbot là "giao diện" mà người dùng tương tác, còn mô hình AI phía sau là "bộ não" xử lý.
Các đối thủ của OpenAI (Mỹ) cũng phát hành chatbot AI cạnh tranh với ChatGPT như Claude, Google Gemini, Perplexity, Grok, DeepSeek. Tuy nhiên, ChatGPT cùng các mô hình AI của OpenAI vẫn là những cái tên dễ nhận biết nhất trong ngành.
Một số mô hình AI của công ty khởi nghiệp AI nổi tiếng này phù hợp với các tác vụ định lượng như lập trình, còn số khác lại xuất sắc trong việc đưa ra ý tưởng mới.

Có nhiều mô hình AI của OpenAI khác nhau để bạn lựa chọn cho ChatGPT tùy vào mục đích sử dụng - Ảnh: NurPhoto
Bên dưới là bí kíp chọn mô hình AI của OpenAI tốt nhất cho viết lách, lập trình, giải toán, sáng tạo... khi dùng ChatGPT.
GPT-4 và GPT-4o
OpenAI giới thiệu GPT-4 vào tháng 3.2023 như là mô hình ngôn ngữ lớn chủ lực của mình. Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, từng chia sẻ trong một podcast rằng mô hình AI này cần đến “hàng trăm người, gần như toàn bộ nỗ lực của công ty” để xây dựng.
Sau đó, OpenAI đã nâng cấp GPT-4 lên GPT-4 Turbo rồi đến GPT-4o, trình làng vào tháng 5.2024. GPT-4o thông minh như GPT-4 nhưng nhanh hơn đáng kể và cải thiện khả năng xử lý “văn bản, giọng nói và tác vụ thị giác”, theo OpenAI. Chữ o là viết tắt của omni (toàn diện).
GPT-4o có thể nhanh chóng phiên dịch lời nói, hỗ trợ đại số tuyến tính cơ bản và sở hữu khả năng thị giác tiên tiến nhất.
Những hình ảnh phong cách Studio Ghibli (hãng phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng được đạo diễn Hayao Miyazaki sáng lập) do GPT-4o tạo ra đã gây sốt trên mạng. Tuy nhiên, mô hình AI này cũng làm dấy lên câu hỏi về bản quyền khi các nhà phê bình cho rằng OpenAI đang trục lợi bất công từ nội dung của các nghệ sĩ.
OpenAI cho biết GPT-4o “xuất sắc trong các tác vụ hằng ngày” như lên ý tưởng, tóm tắt nội dung, viết email và rà soát lỗi các báo cáo.
GPT-4.5
Sam Altman từng mô tả GPT-4.5 là “mô hình đầu tiên mang lại cảm giác như đang trò chuyện với một người có suy nghĩ sâu sắc”. Đây là bước tiến mới nhất trong phương pháp học không giám sát của OpenAI, tập trung vào việc mở rộng quy mô mô hình dựa trên “kiến thức ngôn từ, trực giác và giảm thiểu ảo giác”, theo kỹ sư Amelia Glaese trong buổi giới thiệu GPT-4.5 hồi tháng 2.
Ảo giác có nghĩa là mô hình AI đưa ra thông tin sai, không chính xác hoặc tự bịa ra, nhưng trông có vẻ đúng và thuyết phục. Mô hình AI đôi khi không thực sự hiểu câu hỏi mà chỉ dự đoán từ tiếp theo dựa trên dữ liệu học được. Nếu không có đủ thông tin rõ ràng từ ngữ cảnh, AI có thể "đoán đại" theo cách có vẻ hợp lý.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong một cuộc trò chuyện tế nhị với đồng nghiệp, GPT-4.5 có thể giúp bạn diễn đạt lại nội dung theo cách chuyên nghiệp và khéo léo hơn.
OpenAI cho biết GPT-4.5 “lý tưởng cho các tác vụ sáng tạo”, như dự án hợp tác và lên ý tưởng.
o1 và o1-mini
OpenAI đã phát hành o1-mini, phiên bản thu gọn của mô hình suy luận o1, vào tháng 9.2024 và bản đầy đủ hồi tháng 12.2024.
Các nhà nghiên cứu cho biết o1 là mô hình đầu tiên được huấn luyện để “suy nghĩ” trước khi phản hồi, phù hợp với các tác vụ định lượng, nên được gọi là mô hình suy luận. Đó là nhờ vào kỹ thuật huấn luyện theo chuỗi suy nghĩ, khuyến khích mô hình suy luận bằng cách phân tích vấn đề từng bước.
Trong một bài báo về huấn luyện mô hình AI để đảm bảo an toàn, OpenAI nói rằng “đào tạo mô hình suy nghĩ theo chuỗi trước khi trả lời có thể mang lại lợi ích lớn, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro do mức độ thông minh được nâng cao”.
Trong video trình bày nội bộ của OpenAI, kỹ sư giải pháp Joe Casson đã minh họa cách o1-mini có thể được dùng để phân tích lợi nhuận tối đa trong chiến lược giao dịch covered call.
Covered call là chiến lược giao dịch quyền chọn phổ biến trong đầu tư tài chính, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Joe Casson cũng cho thấy bản xem trước của o1 có thể giúp người dùng lập kế hoạch mở rộng văn phòng.
OpenAI nói chế độ chuyên sâu của o1 (phiên bản o1 sử dụng nhiều tài nguyên hơn để suy nghĩ kỹ và đưa ra câu trả lời tốt hơn cho các vấn đề khó) phù hợp nhất cho suy luận phức tạp, như tạo thuật toán dự báo tài chính bằng mô hình lý thuyết hoặc tổng hợp nghiên cứu dài nhiều trang về công nghệ mới nổi.
o3 và o3-mini
Các mô hình AI thu gọn đã thu hút được nhiều sự chú ý trong ngành như giải pháp thay thế nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn cho mô hình nền tảng lớn hơn.
OpenAI ra mắt o3-mini vào tháng 1, chỉ vài tuần sau khi công ty khởi nghiệp DeepSeek (Trung Quốc) phát hành mô hình suy luận nguồn mở R1 khiến giới công nghệ tại Thung lũng Silicon và Phố Wall ngỡ ngàng vì hiệu suất cao với chi phí đào tạo thấp.
OpenAI cho biết o3-mini là “mô hình tiết kiệm chi phí nhất” trong loạt mô hình suy luận của hãng. o3-mini được thiết kế để xử lý các câu hỏi phức tạp, đặc biệt mạnh trong lĩnh vực khoa học, toán học và lập trình.
Julian Goldie, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chuyên về chiến lược SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), viết rằng o3 “xuất sắc trong các tác vụ phát triển nhanh” và lý tưởng cho các công việc lập trình cơ bản bằng HTML, CSS, các hàm JavaScript đơn giản, cũng như xây dựng nguyên mẫu nhanh chóng.
Ngoài ra, OpenAI còn có phiên bản o3 mini high mà Julian Goldie cho là tốt hơn cho “lập trình và tư duy logic phức tạp”, dù vẫn còn vài vấn đề kiểm soát.
Tháng 4 vừa qua, OpenAI đã phát hành phiên bản đầy đủ của o3, gọi đây là “mô hình suy luận mạnh nhất của chúng tôi, thúc đẩy giới hạn trong lập trình, toán học, khoa học, thị giác và hơn thế nữa”.
OpenAI cho biết o3 phù hợp nhất cho các tác vụ “phức tạp hoặc nhiều bước”, như lập kế hoạch chiến lược, lập trình chuyên sâu và toán học nâng cao.
o4 mini
OpenAI phát hành o4 mini vào tháng 4, cho biết mô hình AI này được "tối ưu hóa cho khả năng suy luận nhanh và tiết kiệm chi phí".
Theo OpenAI, o4 mini đạt hiệu suất ấn tượng so với chi phí, đặc biệt trong các tác vụ liên quan đến “toán học, lập trình và thị giác”. Đây là mô hình đạt điểm chuẩn cao nhất tại American Invitational Mathematics Examination vào năm 2024 và 2025.
American Invitational Mathematics Examination là cuộc thi toán học cấp cao dành cho học sinh trung học ở Mỹ. Đây là vòng thi thứ hai trong hệ thống các kỳ thi toán học của Mỹ, diễn ra sau khi thí sinh đạt điểm cao trong American Mathematics Competitions.
Do Hiệp hội Toán học Mỹ tổ chức, American Invitational Mathematics Examination là một trong những kỳ thi quan trọng nhất với học sinh muốn tham gia các kỳ thi toán học cấp quốc gia và quốc tế.
o4 mini, cùng với phiên bản mini-high của nó, rất phù hợp cho các tác vụ suy luận nhanh và đơn giản hơn. Cả hai giúp tăng tốc bất kỳ công việc suy luận định lượng nào mà bạn gặp phải trong ngày. Nếu cần xử lý các công việc chuyên sâu hơn, bạn nên chọn o3.
Scott Swingle, cựu thành viên của Google DeepMind và là nhà sáng lập Abante AI (hãng phát triển công cụ lập trình sử dụng AI), đã thử nghiệm o4 với một bài toán Euler - chuỗi bài tính toán phức tạp được phát hành hàng tuần hoặc lâu hơn. Scott Swingle chia sẻ trên mạng xã hội X rằng o4 mini đã giải xong bài toán Euler chỉ trong 2 phút 55 giây, “nhanh hơn nhiều so với bất kỳ người nào”. Theo Scott Swingle, chỉ có 15 người giải được bài đó dưới 30 phút.
OpenAI cho biết o4 mini phù hợp nhất cho các "tác vụ kỹ thuật nhanh", như trả lời nhanh các câu hỏi liên quan đến STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Mô hình AI này cũng rất lý tưởng cho suy luận thị giác, chẳng hạn trích xuất dữ liệu chính từ file CSV hoặc tóm tắt nhanh một bài báo khoa học.