Bí kíp giúp Agribank không có đối thủ tại 'trận địa' tín dụng tam nông

Ngày càng nhiều ngân hàng tham gia cho vay nông nghiệp song với các lợi thế không ngân hàng nào có được, Agribank vẫn nắm vững vị thế số 1 tại trận địa này suốt 35 năm qua.

Bám chặt "trận địa" tam nông, trân trọng từng khách hàng nhỏ

“Tôi từng hai lần suýt phá sản, được ngân hàng khoanh nợ, sau đó cho vay làm lại từ đầu giờ mới có cơ ngơi như ngày hôm nay” - gương mặt sạm đen vì nắng gió ông Nguyễn Văn Thành, chủ trang trại Thành Thoa (xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cười tươi khi nói về trang trại rộng hơn 10ha gồm cà phê, hồ tiêu và 120 heo nái mang lại lợi nhuận 1,8-2 tỷ đồng/năm.

Cán bộ Agribank chi nhánh Ngọc Hồi (Kon Tum) đang kiểm tra sử dụng vốn vay tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thành (xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum)

Cán bộ Agribank chi nhánh Ngọc Hồi (Kon Tum) đang kiểm tra sử dụng vốn vay tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thành (xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum)

Ông Thành kể, có những đợt cà phê, tiêu, heo rớt giá suốt 3 năm (2017-2019) khiến gia đình lỗ tiền tỷ, tưởng không thể vượt qua. Tuy vậy, nhờ Agribank chi nhánh Ngọc Hồi khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất mà gia đình ông vực dậy được. Từ khoản vay nhỏ 20 triệu đồng làm vốn, có năm gia đình ông đã vay Agribank tới 12 tỷ đồng.

Trân trọng từng khách hàng, bên cạnh khách hàng ngay cả khi khó khăn nhất chính là yếu tố khiến Agribank trở thành người bạn gắn bó đồng hành với các hộ nông dân hàng chục năm nay. Ngay cả với các khách hàng có món vay nhỏ, Agribank cũng không từ chối.

Tây nguyên là địa bàn khó khăn, lại thiếu vốn, nhu cầu vay đa số là món nhỏ 30-50 triệu đồng nên không đáng ngạc nhiên khi chỉ có số ít ngân hàng bám trụ. Tại nhiều tỉnh Tây Nguyên, thị phần cho vay của Agribank chiếm tới 50% dư nợ trên địa bàn, trong đó 70-85% là cho vay nông nghiệp. Không ít ngân hàng sau khi tìm hiểu địa bàn đã phải rút lui bởi đây là vùng dân cư thưa thớt, điều kiện đi lại vất vả.

“Cho vay các hộ dân thường món nhỏ, lãi ít, thủ tục lại phức tạp, mất thời gian công sức, nhưng lại là một công việc mang lại nhiều cảm xúc nhất. Bởi vì, những đồng vốn ít ỏi từ ngân hàng đó những lại là bát cơm, tấm áo của người dân, là cơ hội để họ gắn bó với mảnh đất quê hương, không phải du canh du cư nay đây mai đó. Vì thế, việc cho vay vốn các hộ dân tộc người bản địa là mục tiêu mà Agribank hướng tới”, ông Nguyễn Dự, Giám đốc Agribank Gia Lai tâm sự.

Nhiều cán bộ tín dụng Agribank chia sẻ, tại địa bàn Tây Nguyên, việc đến nhà khách hàng để thẩm định, thu nợ… vô cùng vất vả. Có hộ dân cách chi nhánh tới gần 100km, đường đất đất đỏ bazan mùa nắng thì bụi mịt mù không thấy đường, mùa mưa thì phải quấn xích vào bánh xe cho khỏi trơn trượt thì mới đi nổi. Chuyến đi nào vào buôn làng xa gặp mưa rừng là phải ở lại mấy hôm mới có thể đi ra.

Cán bộ Agribank chi nhánh huyện Chư Prông đến thăm vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Ri (huyện Chư Prông, Gia Lai)

Cán bộ Agribank chi nhánh huyện Chư Prông đến thăm vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Ri (huyện Chư Prông, Gia Lai)

Vất vả là vậy nhưng những cán bộ tín dụng Agribank vẫn cần mẫn đeo bám địa bàn, vào vào tận các xã xa xôi để thẩm định, cho vay. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà với nhiều người dân, cán bộ Agribank đã trở thành người nhà, mọi vui buồn trong cuộc sống đều chia sẻ. Nhà có đám giỗ, đám cưới hay lễ tết đều phải nhất định phải mời bằng được cán bộ tín dụng đến để chung vui, uống chén rượu.

“Các cán bộ thông thuộc địa bàn, gắn bó với bà con nông dân chính là vốn quý nhất của Agribank, cũng là lý do khiến Agribank luôn “chắc chân” ở thị trường tín dụng tam nông”, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ.

Từ “bà đỡ” kinh tế hộ đến thúc đẩy các mô hình kinh tế nông nghiệp

Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ tín dụng tam nông toàn hệ thống. Từ khi thành lập đến nay, Agribank luôn giành ít nhất 65-70% tổng dư nợ tín dụng cho vay lĩnh vực này.

Xét về lượng khách hàng vay vốn, đến nay Agribank đang là “nhà vô địch” trong hệ thống ngân hàng với khoảng 3,4 triệu hộ vay vốn. Thí điểm cho vay hộ nông dân từ năm 1989 (sau ngày thành lập 1 năm), suốt gần 35 năm qua, Agribank đã trở thành “bà đỡ”, cũng là người bạn thân thiết của nông dân. Cho đến nay, khách hàng hộ gia đình vẫn là đối tượng cho vay lớn nhất của Agribank

Thông qua cho vay hộ nông dân, dòng tín dụng của Agribank đã góp phần trở thành đòn bẩy giúp ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ, từ một nền nông nghiệp nhỏ lẻ đã trở thành nền nông nghiệp hàng hóa, không chỉ chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Không chỉ đồng hành với các hộ nông dân, hiện nay Agribank đang hướng tới các mô hình kinh tế nông nghiệp, các đầu tàu dẫn dắt sản xuất.

Thời gian qua, Agribank đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp có vốn phát triển các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao đồng thời giúp người nông dân đủ lực để tham gia vào chuỗi sản xuất lớn.

Nguồn vốn của Agribank không những góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa ước mơ làm giầu của người nông dân, mà còn là điểm tựa giúp các doanh nghiệp làm nên sức mạnh tổng hợp, hình thành nên các thương hiệu quốc gia, khẳng định sức mạnh và giá trị Việt trên trường quốc tế. Rất nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện nhiều nơi trên khắp cả nước chính là nhờ tâm huyết và dòng vốn của Agribank.

Định hướng của Agribank là cùng ngành nông nghiệp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn hơn, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao trên thế giới. Chính vì vậy, Agriban luôn chủ động tìm kiếm các mô hình kinh tế nông nghiệp xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao, các mô hình sản xuất lớn... để đầu tư. Đặc biệt, ngân hàng đang ưu tiên nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp có năng lực sản xuất, có bề dày kinh nghiệm, làm chủ công nghệ và gắn bó chặt với thị trương tiêu thụ, có khả năng dẫn dắt nông dân để có thể thay đổi bức tranh toàn ngành nông nghiệp.

Thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là đất đai còn manh mún, khó thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất lớn, lâu dài. Vì vậy, việc ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp phù hợp là rất cần thiết để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, cũng là để ngành ngân hàng yên tâm rót vốn.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bi-kip-giup-agribank-khong-co-doi-thu-tai-tran-dia-tin-dung-tam-nong-d186153.html