Bí kíp làm giàu từ đào Thất Thốn
Làng Nhật Tân ở Hà Nội từ xưa đến nay nổi tiếng với nghề trồng đào. Đào bích của Nhật Tân đẹp vang danh cả nước, không đâu sánh được. Nghề trồng đào, hay còn gọi làm đào, vô cùng công phu. Trong các giống đào ở Nhật Tân, nổi tiếng quý hiếm, khó làm nhất là Thất Thốn. Và khi nói đến chuyện làm đào Thất Thốn, ở Nhật Tân, không ai không biết đến anh Lê Hàm.
1. Anh Lê Hàm sinh năm 1963, nhà ở ngay Dinh Đào làng Nhật Tân, là con nhà nòi, từ bé đã biết chuyện trồng đào, bán đào. Nhưng phải đến năm 1989, sau khi xuất ngũ anh mới chuyên tâm trồng đào. Ban đầu cũng trồng bích đào như đa phần mọi người tiếp nối nghề gia đình ở Nhật Tân. Trong làng cũng có một số nhà trồng đào Thất Thốn vì giống đào Thất Thốn khó chăm, khó làm hơn đào bích, lại hầu như ít khi ra hoa đúng dịp tết cổ truyền - thường khoảng rằm tháng Giêng, đào Thất Thốn mới chịu nở hoa. Vì thế, không mấy ai đầu tư, trồng hay kinh doanh giống đào đẹp và quý này. Các nhà có thì cứ trồng và chăm sóc như đào bích thông thường, nhờ trời, ra hoa đúng dịp tết thì tốt, không thì thôi… Anh Lê Hàm cũng trồng một ít đào Thất Thốn trong vườn mình.
Từ khoảng năm 1997 thì anh trồng nhiều hơn và có ý tưởng nghiên cứu giống đào này, nhằm tìm ra quy trình chăm sóc để đào Thất Thốn nở hoa đúng dịp tết như bao người mơ ước. Trăn trở, vất vả, đau đáu; tự mày mò nghiên cứu và nhờ cả các kỹ sư nông nghiệp giúp sức…, đến năm 2005 thì anh Lê Hàm tạo đột phá khi việc “khiến” đào Thất Thốn trong vườn ra hoa trước tết 1 tuần. Năm 2008, anh không làm đào thường nữa, chuyên tâm với đào Thất Thốn và vang danh từ đó.
Đào Thất Thốn giờ được trồng nhiều nơi ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Lạt, Bắc Giang... Nhưng theo anh Lê Hàm, tất cả đều xuất phát từ những gốc giống ở Nhật Tân tỏa ra trong vài chục năm qua. Hiện ở Lạng Sơn, đào Thất Thốn trồng rất nhiều, được nhân rộng chính từ một gốc đào Thất Thốn quý do anh mang tặng người bạn hơn 20 năm về trước.
2. Theo anh Lê Hàm, có 3 yếu tố tạo nên cái tên “Thất Thốn” được đa số mọi người chấp nhận. Trước hết, lá dài hơn đào thường, khoảng 7 thốn (đơn vị tính theo y học cổ truyền phương Đông, có chiều dài khoảng bằng đốt giữa của ngón tay giữa một người trưởng thành - PV). Tiếp đến, giống đào này khoảng 7 thốn thì chia cành 1 đợt. Và cuối cùng, trên mỗi thốn thường ra 7 bông hoa; mỗi bông hoa có 7 lớp cánh; mỗi lớp có 7 cánh. Trung bình mỗi bông đào Thất Thốn có khoảng 49 - 50 cánh hoa. Cánh hoa to, dày và đỏ thắm hơn đào bích thông thường. Cũng theo anh Lê Hàm, đào Thất Thốn hiện có 3 loại chính: đỏ thắm, phai cánh dày và phai đơn. Nhưng phổ biến nhất vẫn là đỏ thắm. Đào thường tính từ lúc gieo hạt, trồng 2 - 4 năm là có hoa, có thể bán được. Nhưng đào Thất Thốn phải 8 - 10 năm mới có hoa. Và phải trên 15 năm mới có cây đẹp, hoa đẹp đúng nghĩa. Vì lâu năm, nên đào Thất Thốn thường là thân ngắn, gốc sùi phồng xù xì, rêu phong đóng đầy. Nếu bóc vỏ cây thì thân gỗ tím màu mận chín chứ không có màu gỗ như các loại đào thường. Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt đào Thất Thốn với các giống đào khác, nhất là các giống nhập từ Trung Quốc, có hoa gần giống Thất Thốn. Cũng theo anh Lê Hàm, giá một gốc đào Thất Thốn trung bình gấp khoảng 5 lần so với một gốc đào thường. Vườn đào Thất Thốn của anh hiện có gần 1.000 gốc, đủ các độ tuổi. Và tết này cho ra thị trường khoảng 100 gốc với hơn 90% trong số đó có người thuê chơi tết.
3. Anh Lê Hàm cho rằng, mình từ “liều” mà thành công với Thất Thốn. Giờ, anh đã “nắm rõ” những bí mật của giống đào này. Quy trình trồng, chăm sóc để cây đào Thất Thốn ra hoa đúng dịp tết đã được hoàn thiện, khi anh “khiến” một gốc đào Thất Thốn ra hoa đúng ngày mình định, gần như chính xác tuyệt đối. Hoa nở đúng ngày tết, trước hay sau vài ngày đều có thể làm được. Cùng những công đoạn chăm bón, tỉa cành lá, lên gốc…, bí mật “điều khiển” giống đào Thất Thốn được anh Lê Hàm đúc rút ra 3 yếu tố “ánh sáng - độ ẩm - nhiệt độ”.
Người trồng đào ở Nhật Tân hiện nay cũng nghiên cứu, học hỏi theo cách của anh Lê Hàm, nhưng chưa ai đạt được sự hoàn thiện như anh. Anh Lê Hàm cho biết, về cơ bản, anh cũng đã chia sẻ kinh nghiệm với một số người, trước sau gì người trồng đào Nhật Tân cũng biết và nắm rõ được những “bí mật” về đào Thất Thốn. Nhưng chắc phải dăm ba năm nữa, còn hiện giờ, anh vẫn giữ lại những “bí truyền” cho vườn đào của mình, tự tay mình làm.
Nhưng nỗi lo lớn nhất của anh là không còn đất để trồng đào, nghề làm đào sẽ mất. Với quá trình đô thị hóa như vũ bão, đất trồng đào Nhật Tân đã bị thu hẹp nhanh chóng trong vài chục năm qua. Giờ chủ yếu là trồng đào trên vùng đất bãi sông Hồng ở Nhật Tân. Nếu vùng đất này được quy hoạch làm đô thị, không biết làng đào Nhật Tân và những cây đào Thất Thốn của anh Lê Hàm phải đi đâu? Nỗi lo của anh cũng chính là nỗi lo chung của người Nhật Tân. Thật khó hình dung khi tết đến, xuân về mà Hà Nội không còn những cánh bích đào Nhật Tân khoe sắc! Và chuyện trồng đào Thất Thốn của anh Lê Hàm chỉ còn là dĩ vãng…
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bi-kip-lam-giau-tu-dao-that-thon-713078.html