'Bí kíp' luyện thi giành kết quả cao

Khát vọng vươn lên trong học tập, họ là những sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu đạt từ 28 điểm trở lên tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Lang Thị Mai Sương - cựu học sinh Trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An (Nghệ An). Ảnh: NVCC

Lang Thị Mai Sương - cựu học sinh Trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An (Nghệ An). Ảnh: NVCC

Chọn “đúng” để học và thi tốt

Đến giờ, Lang Thị Mai Sương, cựu học sinh Trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An vẫn không thể nào quên được khoảnh khắc nhận được thông báo trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước hồi tháng 9 năm ngoái. Sương đạt 28,25 điểm tổ hợp D0 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và trúng tuyển Trường Đại học Ngoại thương. Đây là minh chứng cho cả giai đoạn cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của nữ sinh người Thái.

Từ những trải nghiệm thực tế của bản thân, Mai Sương cho rằng, việc chọn đúng trường, đúng ngành chính là động lực để em phấn đấu không ngừng nghỉ mỗi ngày, chinh phục ước mơ, hoài bão của bản thân. “Ngay từ khi bước vào bậc THPT, em đã ấp ủ dự định và ước mơ, luôn hướng tới ngôi trường mà mình sẽ theo đuổi.

Khi đã xác định được ngành, trường mình yêu thích, em bắt đầu tìm hiểu yêu cầu đầu vào của trường là gì, phương thức tuyển sinh nào phù hợp với mình, ước lượng xem số điểm mình cần đạt được và sau đó chia nhỏ mục tiêu ra cho các môn học. Môn nào mình có lợi thế hơn thì phải đặt mục tiêu điểm cao hơn. Còn về kế hoạch học tập thì em luôn lên một thời khóa biểu tự học riêng để phân bổ thời gian cho tất cả các môn thi”, Mai Sương chia sẻ về quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Vì Thị Minh Tuyết - sinh viên năm nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

Vì Thị Minh Tuyết - sinh viên năm nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

Lắng nghe tư vấn

Vì Thị Minh Tuyết, nữ sinh người Xinh Mun, sinh viên năm nhất Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, ở bậc THPT, ngoài việc tập trung học tập, mỗi học sinh cần xác định rõ ngành nghề mà mình sẽ theo học. Khâu hướng nghiệp này vô cùng quan trọng, bởi đó chính là bước khởi đầu cho tương lai vững chắc.

“Nghề nghiệp phù hợp với bản thân không chỉ giúp ích cho người học, mà còn đóng góp cho xã hội. Thành công của một cá nhân sẽ góp phần khiến cho xã hội ngày càng phát triển hơn. Chọn sai ngành sẽ khiến bản thân dễ lâm vào những tình trạng như thất nghiệp, khó phát triển, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc”, Minh Tuyết phân tích.

Tuyết cho rằng, để đạt được mục tiêu bản thân đặt ra, mỗi người cần học tập chăm chỉ, có phương pháp học tập đúng đắn phù hợp với bản thân. Ngoài sự hướng dẫn tận tình của thầy, cô giáo, tinh thần tự giác, tự học phải luôn đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, trong quá trình lựa chọn trường, chọn nghề, mỗi học sinh có thể tham khảo ý kiến của thầy cô, bố mẹ, bạn bè, những người chúng ta tin tưởng.

“Dù bạn chọn ngành nghề nào, thì cũng cần cân nhắc dựa trên các yếu tố đam mê, năng lực và khả năng kinh tế của gia đình”, Minh Tuyết chia sẻ.

Hoàng Ngân Hà (thứ hai từ phải sang, hàng thứ 2) - sinh viên ngành Luật kinh tế, Trường ĐH Luật Hà Nội. Ảnh: NVCC

Hoàng Ngân Hà (thứ hai từ phải sang, hàng thứ 2) - sinh viên ngành Luật kinh tế, Trường ĐH Luật Hà Nội. Ảnh: NVCC

Chiến thuật “chạy” nước rút

Ít ai biết rằng để đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Hoàng Ngân Hà, nữ sinh người Tày, sinh viên ngành Luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đã dày công vạch ra kế hoạch ôn tập ngay từ khi mới bước chân vào bậc THPT và nghiêm túc thực hiện với quyết tâm cao.

Thời điểm đó, thay vì tập trung cho việc học tập như bao bạn bè cùng trang lứa, Ngân Hà lại dành thời gian tìm hiểu về các trường đại học, ngành đào tạo, từ đó, xác định rõ đâu sẽ là môi trường phù hợp với năng lực, tính cách của mình, lấy đó làm mục tiêu trong quá trình ôn thi. Sau khi đã xác định được trường, ngành mà mình hướng đến, em bắt đầu tìm hiểu phương án tuyển sinh, từ đó, xác định khối thi tuyển và tập trung “cày” kiến thức 3 môn chính.

“Việc xác định khối thi nên được thực hiện sớm, chậm nhất cũng là vào cuối năm lớp 11. Bản thân em từ hè năm lớp 11 đã có thể học trước một số kiến thức qua các khóa học online. Trong năm học lớp 12, trên lớp luôn tập trung lắng nghe bài giảng của giáo viên, dành nhiều thời gian để ôn tập ở nhà, học nhóm với bạn, tìm hiểu kiến thức… Đây là những kiến thức trọng tâm, xuất hiện nhiều trong đề thi nên cần ôn tập nhiều lần để nhớ lâu hơn, luyện đề nhiều để quen với dạng đề, quen với cách hỏi”, Ngân Hà chia sẻ.

Nhớ lại quãng thời gian ôn thi đầy căng thẳng, nữ sinh bật mí, có một lỗi sai dễ khiến thí sinh mất điểm trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc chỉ tập trung vào một môn trong khối thi hoặc lối ôn thi “cuốn chiếu” từng môn một.

“Hiện nay, các trường đại học sử dụng rất nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó, có xét học bạ THPT. Trong một số trường hợp, những thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT bằng nhau, có thể nhà trường sẽ ưu tiên thí sinh có kết quả học tập bậc THPT cao hơn. Chính vì vậy, ngoài tập trung ba môn khối thi, các bạn học sinh không nên lơ là các môn còn lại, tránh việc kết quả học bạ không đẹp, mất lợi thế cạnh tranh”, Ngân Hà nhắn nhủ tới các thí sinh.

Từng trải qua giai đoạn ôn thi căng thẳng, Ngân Hà thấu hiểu áp lực của thí sinh. Song nữ sinh cho rằng, mỗi người luôn có cách để vượt qua chính mình, lấy khó khăn là động lực để không ngừng phấn đấu.

“Những lúc bị cảm giác mệt mỏi, chán nản chi phối, mỗi bạn hãy nhìn lại mục tiêu, nhìn vào ngôi trường mình mơ ước và tự động viên, khích lệ mình sắp đạt được mục tiêu đó rồi; cần tiếp tục cố gắng, không ngừng nỗ lực, thêm một chút nữa sẽ đạt được ước mơ”, Hoàng Ngân Hà, sinh viên ngành Luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.

Văn Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bi-kip-luyen-thi-gianh-ket-qua-cao-post672553.html