Bí kíp ôn luyện môn Lịch sử đạt điểm cao trong kỳ thi vào lớp 10
Để ôn thi môn Lịch sử hiệu quả, học sinh không nên học thuộc từng chữ mà nên hệ thống kiến thức ôn tập thành sơ đồ tư duy hoặc bằng hình ảnh theo trình tự thời gian.
Ngày 12/3, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022. Theo đó, 4 môn thi là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.
Cô giáo Trần Thị Mai Dung, giáo viên môn Lịch sử, trường THCS Hùng Vương (Phú Thọ) chia sẻ bí kíp ôn thi môn Lịch sử vào lớp 10. Học sinh không nên lựa chọn phương pháp học thuộc lòng mà thay vào đó có thể sử dụng 2 cách học rất hiệu quả đó là sử dụng sơ đồ tư duy hoặc xem các video, bài giảng trên mạng, YouTube.
Đối với phương pháp thứ nhất, học sinh có thể chia kiến thức thành các giai đoạn, chuyên đề rồi vẽ thành sơ đồ tư duy khác nhau gọi là cây kiến thức. Nên vẽ kiến thức căn bản sau đó bổ sung thêm kiến thức, làm đầy cho cây kiến thức. Cách học này đang được rất nhiều học sinh áp dụng vì có ưu điểm là dễ nhớ, giúp nhớ lâu, không quên kiến thức.
Phương pháp thứ hai là xem các video, bài giảng của giáo viên trên mạng hoặc những thước phim tư liệu về Lịch sử. Khi học về các trận đánh, học sinh nên xem lược đồ để hình dung diễn biến của trận đánh đó. Phương pháp này giúp các em tái hiện lại kiến thức thay vì chỉ đọc tài liệu toàn chữ, con số khó nhớ.
Khi ôn luyện, học sinh chú ý từ khóa hoặc các lệnh động từ để nhận biết đề bài hỏi cái gì.
Theo bạn Mông Cẩm Tú, giải Nhì Quốc gia môn Lịch sử (năm 2019), để đạt được điểm cao môn thi này, học sinh cần xác định mục tiêu trong giai đoạn ôn tập là phải nắm được kiến thức nền tảng, từ đó mới ôn luyện để nâng cao điểm số, xây từ gốc lên ngọn.
Học sinh không nên lao ngay vào luyện đề mà nên đọc kỹ sách giáo khoa để nắm được các ý cơ bản, sau đó đọc các sách tham khảo và tài liệu rồi tổng hợp lại kiến thức theo từng giai đoạn lịch sử.
Cách để ghi nhớ kiến thức lâu nhất là đọc nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại nhiều lần chứ không phải học thuộc từng câu, từng chữ. Từ những kiến thức cơ bản đó, các em tìm kiếm thêm thông tin xung quanh sự kiện qua internet, tivi rồi gạch các ý chính, phát triển mô hình sơ đồ cây tư duy.
Trong quá trình ôn thi, các em cũng lưu ý nên thường xuyên tự ôn tập lại kiến thức học mỗi ngày. Khi nắm được kiến thức có thể vấn đáp, trao đổi với bạn bè, thầy cô để củng cố lại nội dung.
Khoảng 1 tháng trước khi thi là thời điểm học sinh nên tích cực luyện đề, tìm kiếm nhiều dạng đề khác nhau từ các nguồn như sách tham khảo, các trang web ôn thi uy tín, facebook của những giáo viên Lịch sử đầu ngành.
Bạn Nguyễn Quỳnh Chi, giải Nhì quốc gia môn Lịch sử (năm 2018) lưu ý, lâu nay có quan niệm cho rằng chỉ cần học thuộc lòng là sẽ đạt được điểm cao môn Lịch sử, điều này không đúng. Khi học thuộc Lịch sử không nên học nhiều chữ mà các em nên khái quát thành sơ đồ tư duy hoặc bằng hình vẽ. Bởi vì học bằng chữ sẽ nhanh quên, hoặc bằng hình sẽ nhớ lâu hơn.
Trên lớp, học sinh cần chịu khó nghe giảng để có thể hiểu ngay nội dung và ghi chép bài giảng theo ý hiểu của mình. Đối với những sự kiện lịch sử lớn có thể viết tắt hoặc bỏ bớt những từ không quan trọng, ghi chú sự kiện lịch sử vào trong sổ tay theo trình tự thời gian.
Theo ghi nhận, việc Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn môn thi thứ 4 là Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không khiến giáo viên, học sinh bất ngờ. Ngay từ đầu năm học và trong đợt học sinh nghỉ dịch COVID-19, nhiều trường đã yêu cầu giáo viên bộ môn Lịch sử tăng cường tập trung dạy chắc kiến thức cho học sinh.