Bí kíp từ bỏ thói quen thức khuya dễ như ăn kẹo cho hội 'cú đêm'
Nếu bạn là một cú đêm chính hiệu và đang cố tìm cách cải thiện tình trạng 'thức đêm ngủ ngày' của mình, thì đây chính xác là bài viết dành cho bạn.
Có rất nhiều lý do khiến một người trở thành “cú đêm”, như khối lượng công việc hàng ngày quá nhiều, không có thời gian để ngủ sớm. Hay cũng có nhóm người thuộc tuýp thích ngủ ngày – cày đêm dần dà hình thành thói quen thức khuya. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân phổ biến khác đã hình thành thói quen thức khuya ở rất nhiều người như mải lướt web, chơi game, xem phim, đọc truyện…
Hầu như ai cũng biết việc ngủ sớm và ngủ đủ là một điều cực kỳ cần thiết để cơ thể phục hồi năng lượng và đảm bảo sự tỉnh táo, minh mẫn cho các hoạt động ngày hôm sau. Lý thuyết là thế, nhưng không phải ai cũng thực hành được. Phải làm sao khi việc đi ngủ sớm đối với bạn còn khó hơn cả… lên trời. Làm thế nào để điều chỉnh lại đồng hồ sinh học, xóa sổ thói quen xấu này cho người hay thức khuya? Mời bạn tham khảo những cách ngủ sớm cho người quen thức khuya dưới đây.
Mặc đồ rộng thoải mái trước khi ngủ
Quần áo ngủ bó sát sẽ khiến chúng ta cảm thấy gò bó, bức bối và khó chịu khi xoay người trong lúc ngủ. Điều này khiến chúng ta dễ gặp ác mộng khi ngủ. Bên cạnh đó một bộ đồ chật chội khi ngủ sẽ không có lợi cho sự bài tiết mồ hôi và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, mà còn ảnh hưởng đến sự lưu thông máu.
Giữ cho nhiệt độ không đổi
Nhiệt độ trong phòng ngủ nên được điều chỉnh mát hơn mức nhiệt mà bình thường bạn cảm thấy dễ chịu. Nhiệt độ thấp hơn một chút sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, đừng để nhiệt độ phòng ở mức quá lạnh. Đồng thời, hãy đảm bảo thân nhiệt của bạn phải ở mức bình thường trước khi ngủ.
Điều chỉnh ánh sáng phòng ngủ
Ánh sáng đóng vai trò quan trọng đối với đồng hồ sinh học của bạn. Việc tiếp xúc với ánh sáng (cả tự nhiên và nhân tạo) giúp cơ thể bạn tỉnh táo hơn.
Vào ban đêm, bóng tối thúc đẩy cảm giác buồn ngủ. Nhiều nghiên cứu cho thấy bóng tối thức đẩy cơ thể sản xuất melatonin, đây là một loại hormone cần thiết cho giấc ngủ. Do vậy, trước khi đi ngủ, hãy tắt hết các thiết bị chiếu sáng, kéo rèm che cửa sổ để phòng của bạn trở nên tối hơn một vài giờ trước khi bạn dự định đi ngủ. Điều này sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Thoát khỏi các thiết bị điện tử
Thói quen kiểm tra điện thoại, lướt web là một trong những điều rất xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn thức khuya. Không kể đến việc bạn bị “cuốn” theo các dòng trạng thái trên mạng xã hội đến mức không thể đặt điện thoại xuống, chính ánh sáng từ điện thoại là thứ khiến não bộ của bạn căng thẳng hơn. Trước khi ngủ khoảng 30 phút – 1 tiếng, hãy đảm bảo rằng bạn bỏ điện thoại xuống, chú tâm cho bản thân và sẵn sàng cho giấc ngủ.
Đọc một cuốn sách
Bạn có nhớ những câu chuyện kể trước khi đi ngủ khi còn là một đứa con nít? Chúng hiệu quả, phải không nào? Khi tiếng nói của người lớn kể về các nàng tiên và những lâu đài, bạn sẽ cảm thấy mí mắt của bạn sụp xuống, và bạn đã nhanh chóng ngủ sau đó.
Hãy thử những thứ tương tự ngay bây giờ. Đọc một cuốn sách hay có thể khiến bạn sao lãng những lo lắng và những mối bận tâm của bạn và giúp bạn thư giãn và ngủ. Bạn cũng có thể thử một quyển sách nói để bắt chước các hiệu ứng câu chuyện kể trước khi đi ngủ để nghe giọng nói của người khác.
Hình dung một cảnh thư giãn
Có thể bạn đã từng nghe lời khuyên lâu đời về đếm cừu. Nó có thực sự hiệu quả không? Theo nghiên cứu của trường Đại học Oxford, nó không có hiệu quả đâu. Nghiên cứu đó cho thấy rằng việc đếm cừu quá nhàm chán để thực hành hoặc làm tăng thêm sự lo lắng của người đếm. Thay vào đó, hãy hình dung một cảnh thư giãn như một bãi biển yên bình, nó sẽ giúp mọi người đi vào giấc ngủ sớm hơn 20 phút.
Tạo thói quen
Cơ thể và bộ não con người có thể hình thành thói quen sau ít nhất 28 ngày. Hãy ấn định một giờ cụ thể để “ép” cơ thể đi ngủ. Sau thời gian này, chỉ cần đến đúng giờ đó, giấc ngủ sẽ tìm đến bạn.