Bị loại khỏi 'Trung Đông mới', lợi thế quân sự của Israel đối mặt với nguy hiểm
Israel đối mặt với nhiều thách thức lớn khi các thỏa thuận vũ khí mới và cục diện chính trị khu vực biến chuyển, đặt ra dấu hỏi về tương lai viện trợ và ưu thế quân sự đã duy trì nhiều thập kỷ.

Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) được kích hoạt tại thành phố Sderot, Israel để đánh chặn các tên lửa từ Dải Gaza, ngày 13/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bình luận trên tờ Jerusalem Post (Israel) ngày 16/5, trong khi góp phần định hình Trung Đông mới, Israel lại đang đứng ngoài cuộc chơi và đối mặt với nhiều thách thức về lợi thế quân sự trong khu vực.
Từ năm 2008, chính sách của Mỹ về việc duy trì "lợi thế quân sự" (QME) cho Israel đã được luật hóa, yêu cầu tổng thống Mỹ liên tục đánh giá liệu Israel có duy trì được ưu thế này hay không. Theo định nghĩa của luật, QME là "khả năng chống lại và đánh bại mọi mối đe dọa quân sự thông thường đáng tin cậy từ bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào hoặc liên minh các quốc gia tiềm tàng, đồng thời chịu thiệt hại và thương vong tối thiểu, thông qua việc sử dụng các phương tiện quân sự vượt trội".
Trong nhiều thập kỷ qua, chính sách này đã được thực thi một cách nhất quán. Khi Saudi Arabia mua máy bay chiến đấu F-15 vào cuối những năm 1970, họ nhận được phiên bản kém tiên tiến hơn so với những chiếc được cung cấp cho Israel. Tương tự, khi Ai Cập mua F-16, họ cũng nhận được phiên bản hạ cấp.
Mô hình này đã tiếp tục trong nhiều năm: Israel sẽ nhận được phiên bản đầy đủ của một hệ thống vũ khí, trong khi các nước láng giềng sẽ nhận được phiên bản bị giới hạn về năng lực - có thể là với radar hoặc hệ thống tác chiến điện tử kém tinh vi hơn. Một số quốc gia thậm chí còn bị hạn chế khả năng tích hợp các hệ thống chuyên dụng vào máy bay chiến đấu của họ, trong khi Israel được phép thực hiện các sửa đổi độc đáo.
Thách thức mới đối với QME của Israel
Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi. Tuần này đã kết thúc với mối lo ngại ngày càng tăng ở Israel về tác động của các thỏa thuận vũ khí mới lớn được ký kết giữa Mỹ với cả Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các vũ khí tiên tiến được cho là sẽ được đưa vào các gói này có máy bay chiến đấu F-35, hiện đang được Không quân Israel sử dụng ở Trung Đông.
F-35 không phải là máy bay chiến đấu thông thường. Là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm có khả năng tàng hình, nó hoạt động như một hệ thống mạng, kết nối tất cả các máy bay tham chiến và mang lại khả năng tương tác chưa từng có.
Viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu F-35 đặc biệt đáng lo ngại với Israel. Mặc dù là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ hiện do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lãnh đạo - từng công khai đối đầu với Israel. Liệu Israel có thể cảm thấy an toàn khi biết rằng một quốc gia muốn đối đầu với mình đang điều khiển loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới?
Một vấn đề cấp bách khác đang hiện diện: vào ngày 30/9/2027, bản ghi nhớ (MOU) hiện tại mà theo đó Israel nhận được 3,8 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm từ Mỹ sẽ hết hạn. Đây là thỏa thuận 10 năm trị giá 38 tỷ USD được ký kết vào năm 2016 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong chính phủ Israel hiện có ý kiến trái chiều về khả năng đàm phán thành công một MOU mới với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Một số tin rằng đây là cơ hội để đảm bảo một gói viện trợ thậm chí còn lớn hơn, đặc biệt khi QME của Israel đang bị đe dọa. Những người khác thì hoài nghi, nhận định Tổng thống Trump là "người giao dịch" và ưu tiên các quốc gia đầu tư vào Mỹ hơn là những đối tác tìm kiếm tài trợ.
Điều này có thể lý giải tại sao Thủ tướng Netanyahu gần đây phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội Israel rằng có lẽ đã đến lúc Tel Aviv nên bắt đầu giảm nhận viện trợ quân sự từ Mỹ. Nếu Thủ tướng Netanyahu thực sự tin rằng viện trợ sẽ tiếp tục, tại sao lại đề xuất từ bỏ nó, đặc biệt khi nhu cầu quốc phòng của Israel đang tăng cao? Có thể ông đang lường trước khả năng Tổng thống Trump sẽ không gia hạn viện trợ, và về mặt chính trị sẽ khôn ngoan hơn khi chủ động đưa ra quyết định thay vì thừa nhận bị từ chối.
Bị gạt ra ngoài lề trong "Trung Đông mới"
Trong khi đó, vào tuần trước, một cuộc gặp lịch sử đã diễn ra tại Riyadh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa. Khoảnh khắc này đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu Israel đã xử lý cuộc xung đột ở Gaza khác đi?
Nếu Israel đã đạt được thỏa thuận con tin sớm hơn, kết thúc giao tranh và đưa ra giải pháp chính trị cho Gaza, liệu Thủ tướng Netanyahu có thể có mặt trong cuộc gặp đó cùng với Tổng thống Trump, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và ông Sharaa không? Liệu Israel có thể là một phần của quá trình bình thường hóa quan hệ lịch sử với Saudi Arabia và khởi đầu tiến trình ngoại giao với Syria?
Thay vào đó, Israel lại vắng mặt, nhưng chứng kiến Tổng thống Trump chào đón một "cựu thành viên thánh chiến", lệnh trừng phạt đối với Syria được dỡ bỏ, và Tổng thống Erdogan tham gia vào khoảnh khắc lịch sử đó.
Tờ Jerusalem Post lưu ý Israel đối mặt với một nghịch lý đau đớn: "Tel Aviv đã góp phần không nhỏ trong việc định hình Trung Đông mới qua việc tấn công Hezbollah và làm suy yếu ảnh hưởng khu vực của Iran, tạo điều kiện cho Ahmed al-Sharaa tiếp quản Syria. Nhưng giờ đây, họ lại bị gạt ra ngoài lề của chính bối cảnh mà họ đã giúp tạo ra".
Trong bối cảnh hiện tại, Israel phải đối mặt với nhiều thách thức cùng lúc: vẫn trong tình trạng xung đột, đang nỗ lực đưa các con tin còn lại về nhà, bị gạt ra ngoài lề trong ngoại giao khu vực, và đang đối mặt với mối đe dọa thực sự đối với lợi thế quân sự - nền tảng an ninh lâu nay của họ.
Với việc Trung Đông đang tái định hình và các thỏa thuận thương mại trị giá hàng nghìn tỷ USD vừa được ký kết giữa Mỹ với Saudi Arabia và Qatar, câu hỏi đặt ra là liệu Israel có thể tìm được cách trở lại bàn đàm phán và bảo vệ lợi ích chiến lược của mình trong khu vực đang thay đổi nhanh chóng này hay không.