Bí mật bên trong lò đào tạo phi hành gia của Nga: Không có trên bản đồ, 'con ruồi còn khó lọt qua'
Khu vực đào tạo phi hành gia của Nga có rất nhiều thiết bị hiện đại. Nơi đây hạn chế người đến, thậm chí còn không thể tìm thấy trên bản đồ, cũng chẳng có biển chỉ đường nào.
Nằm cách Moscow chừng một giờ lái xe, có một khu rừng bạch dương bạt ngàn. Nằm giữa khu rừng này là một trung tâm đào tạo phi hành gia có tên Star City. Nơi đây nổi tiếng bí ẩn, được kiểm soát nghiêm ngặt và từng đào tạo ra nhiều nhân tài ngành hàng không cho Nga nói riêng, thế giới nói chung.
Star City thành lập vào năm 1961, thời điểm mà hàng không vũ trụ Liên Xô “lên đỉnh” nhờ chuyến bay vào quỹ đạo của Yuri Gagarin. Trung tâm này có nhiều tòa nhà bê tông màu xám đơn giản, không cầu kỳ. Nhưng phía sau nó là bảng thành tích cực khủng, nơi đã đào tạo nên những phi hành gia hàng đầu như alentina Tereshkova – người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian, Alexei Leonov – người đầu tiên sống trên trạm không gian Mir của Nga.
Năm 2014, Mitch Karunaratne – một phóng viên ảnh của London đã được đến khu vực này tác nghiệp. Theo mô tả của Mitch Karunaratne, ngay trung tâm lò đào tạo Star City là tượng Yuri Gagarin. Thời kỳ mới thành lập, nó có tên là Trung tâm huấn luyện phi hành gia Yuri Gagarin.
Khu vực trung tâm có một chiếc máy bay chiến đấu xưa. Hành lang đi lại treo đầy ảnh các thế hệ phi hành gia từng học ở Star City. Trong suốt hàng chục năm qua, nơi này đã đào tạo thành công ít nhất 400 nhà du hành vũ trụ, đến từ hơn 30 quốc gia khác nhau.
Khu vực mà lò đào tạo này được đặt vốn nằm biệt lập với thế giới bên ngoài. Nó không có trên bản đồ, không có biển chỉ đường, rất khép kín, có hàng rào bảo vệ dày đặc. Dĩ nhiên, không phải ai cũng được đến gần khu này, ngoại trừ cư dân và người đang huấn luyện trong lò đào tạo thì bất cứ ai đến đều bị giám sát chặt chẽ. Mitch Karunaratne tiết lộ, sau khi Yuri Gagarin qua đời, gia đình của phi hành gia này vẫn sống tại Star City.
Bên trong Star City có đầy đủ tiện nghi, từ dãy nhà huấn luyện, nhà ở, cửa hàng, cho đến nhà thờ, trường học. Mitch Karunaratne dù được bước vào nhưng cũng có một số nơi phóng viên này không thể đến gần, đặc biệt là nơi đặt mô hình Trung tâm Vũ trụ Quốc tế ISS phía dưới một bể bơi.
Star City còn lưu giữ bộ quần áo phi hành gia Sokol, được ra mắt từ năm 1973 và nay vẫn đang được sử dụng. Mô hình tàu vũ trụ Soyuz cũng được trưng bày. Đây là mô hình có ý nghĩa đặc biệt. Bởi từ năm 2011, NASA giải tán chương trình tàu con thoi. Từ đó, chuyến bay vào không gian nào có người lái đều cần đến tên lửa đẩy Soyuz của Nga.
Trong lò đào tạo Star City còn có một căn phòng chứa các thiết bị mô phỏng nơi làm việc của phi hành gia Nga trên ISS. ISS chính là biểu tượng của sự hợp tác sau Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga. Mỹ bay trên Soyuz, còn Nga dùng tàu con thoi, hai bên cùng bắt tay xây dựng nên ISS như ngày nay.