Các nhà khoa học phân tích bông hoa trong hổ phách gần 40 triệu năm tuổi được dược sĩ Kowalewski ở Kaliningrad, Nga ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1872.
Eva-Maria Sadowski - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Berlin kiêm đồng tác giả bài báo cho hay bông hoa hóa thạch trên bị lãng quên trong bộ sưu tập của Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Thiên nhiên Liên bang ở Berlin (BGR).
Nhà nghiên cứu Sadowski cho hay bà nghe nói về bông hoa hóa thạch, được biết đến với tên chính thức là mẫu vật X4088, từ một đồng nghiệp đã nghỉ hưu.
“Ông ấy nói với tôi rằng đã từng đến thăm BGR và nhìn thấy bông hoa hổ phách lớn nhất, tuyệt vời nhất trong bộ sưu tập của họ. Sau đó, tôi đến xem bộ sưu tập và tìm thấy mẫu vật X4088. Tôi rất kinh ngạc khi thấy một bông hoa lớn đến vậy trong khối hổ phách”, nhà nghiên cứu Sadowski cho biết.
Bông hoa cổ đại trong hổ phách gần 40 triệu năm tuổi có đường kính 28 mm. Với kích thước này, nó trở thành bông hoa hóa thạch trong hổ phách lớn nhất từng được biết đến. Bởi lẽ, nó có kích thước lớn gấp 3 lần kích thước của các hóa thạch tương tự.
Nhà nghiên cứu Sadowski đã chiết xuất và kiểm tra phấn hoa từ hổ phách. Theo đó, bà phát hiện bông hoa đã bị nhận định nhầm trong nghiên cứu đầu tiên.
“Tên loài ban đầu của mẫu vật này là Stewartia thuộc họ cây Theaceae. Tuy nhiên, chúng tôi có thể chứng minh trong nghiên cứu mới rằng điều này không đúng, chủ yếu dựa trên hình thái phấn hoa”, nhà nghiên cứu Sadowski nói.
Theo bà Sadowski, khi bông hoa hóa thạch được nghiên cứu lần đầu tiên vào thế kỷ 19, nhóm nghiên cứu khi ấy đã không phát hiện hoặc nghiên cứu phấn hoa.
Nghiên cứu mới chỉ ra loài hoa trong hóa thạch trên có họ gần với một cây ra hoa phổ biến ở châu Á ngày nay là Symplocos, loại cây bụi ra hoa màu vàng hoặc trắng. Bà Sadowski và cộng sự đề xuất tên gọi mới cho bông hoa là Symplocos kowalewskii.
Những mẫu hổ phách thường cung cấp hình ảnh 3 chiều về quá khứ. Ngoài thực vật và hoa, giới nghiên cứu cũng tìm thấy đuôi khủng long, cua, kiến địa ngục, nhện mẹ và ổ trứng, bàn chân chim cổ đại và hộp sọ thằn thằn bị bao phủ bởi nhựa cây.
Mời độc giả xem video: Argentina: Phát hiện hóa thạch loài khủng long mới. Nguồn: THĐT1.
Tâm Anh (theo Nytimes)