Bí mật cách nghiên cứu tin của giới tình báo quốc tế
Tình báo các nước đều ý thức được vị trí, vai trò của hoạt động phân tích tin tình báo, nhất là tin công khai. Trong đó, họ thường áp dụng các phương pháp sau.
Suy luận logic
Nội dung của phương pháp này là căn cứ vào những sự việc, hiện tượng đã biết để suy đoán và đưa ra những kết luận.
Nhiều chục năm trước, căn cứ vào những chiếc mũ da mà các công nhân dầu khí Trung Quốc đội trong bức ảnh đăng trên tạp chí, nhân viên tình báo Nhật Bản suy đoán rằng mỏ dầu phải nằm ở khu vực khí hậu lạnh, khả năng ở miền Đông Bắc Trung Quốc. Tiếp đó, các “du khách” Nhật Bản căn cứ vào độ dày và màu sắc của lớp đất bám trên thành xe chở dầu, đã khẳng định suy đoán trên là đúng.
Việc xác định vị trí cụ thể của mỏ dầu tưởng chừng bế tắc thì báo chí lại đăng phóng sự miêu tả rằng nhiều thiết bị khoan thăm dò được đưa đến khu vực mỏ bằng sức người. Một nhân vật trong phóng sự (là anh hùng lao động) vừa đặt chân đến khu vực có mỏ dầu đã thốt lên: “Thật là một biển dầu lớn!”.
Các chi tiết này cho phép tình báo Nhật Bản suy luận rằng, mỏ dầu nằm cách nhà ga đường sắt không xa. Trên cơ sở tổng hợp, suy luận, cuối cùng người Nhật đã tìm ra vị trí mỏ dầu Đại Khánh nằm tại huyện Hải Luân, tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc, sát tuyến đường sắt Cáp Nhĩ Tân.
Một trong những tin tình báo quan trọng của nhà tình báo Kim Philby có được cũng nhờ sự suy luận logic. Khi được cơ quan tình báo Anh SIS cử đến Tây Ban Nha hoạt động (thời kì Thế chiến 2), Kim Philby lập kế hoạch ám sát Giám đốc Cục Tình báo quân đội Đức là Canaris. Tuy nhiên, kế hoạch này không được Giám đốc SIS tán đồng.
Điều này gây ngạc nhiên cho Philby, là tại sao SIS lại cấm nhân viên của mình đụng đến Canaris - kẻ thù của nước Anh và quân Đồng minh? Trên cơ sở suy luận, Kim Philby đi đến kết luận rằng có điều gì đó mờ ám đang diễn ra giữa hai cơ quan tình báo này. Đó chính là việc nước Anh (và cả Mỹ) bí mật đàm phán với nước Đức phát xít sau lưng Liên Xô. Tin tình báo này đã giúp cho Liên Xô định hướng được chính sách đối ngoại cũng như hoạch định các chiến dịch quân sự của mình để phá tan âm mưu đen tối.
So sánh, đối chiếu
Đây là phương pháp xác định sự khác nhau và giống nhau giữa các đối tượng nghiên cứu, so sánh những thông tin khác nhau về cùng một sự việc để rút ra thông tin cần thiết.
Tình báo Đức quốc xã, qua nghiên cứu bức ảnh chụp một tàu tuần dương hải quân Hoàng gia Anh đang ở thăm nước khác, rồi đối chiếu, so sánh với các bức ảnh khác chụp chính con tàu này những năm trước, đã phát hiện ra rằng, đường kính nòng pháo trang bị cho con tàu đã được thu nhỏ lại và độ dày vỏ thép con tàu đã được tăng lên. Từ đó, suy đoán được xu hướng nâng cấp, cải tiến vũ khí trang bị của hải quân Anh.
Tập hợp tư liệu
Đây là phương pháp phân tích tình báo theo cách tập hợp các tư liệu rời rạc, tản mạn về đối tượng nghiên cứu, rồi tiến hành chỉnh lí, tổng hợp, phân tích.
Trước Thế chiến 2, một nhân viên tình báo Anh đã có được báo cáo miêu tả tương đối chi tiết về cơ cấu tổ chức, trang bị vũ khí của quân đội Đức quốc xã, kể cả vị trí đóng quân các đơn vị cấp sư đoàn, quân đoàn; danh sách, lí lịch "trích ngang" của 168 sĩ quan chỉ huy cao cấp lục quân Đức; cùng phiên hiệu, biên chế sư đoàn xe tăng Đức vừa được thành lập.
Nguồn cung cấp chủ yếu cho tình báo viên này chỉ là các mẩu tin, các phóng sự, các bức ảnh... đăng tải công khai trên báo chí Đức, kể cả tin về những buổi dạ hội, những đám tang, những đám cưới... “Phương tiện” làm việc của nhân viên tình báo chỉ là chiếc kéo, lọ hồ dán và một cái bút.
Liên tưởng
Đây là phương pháp nghiên cứu, phân tích tình báo được thực hiện sau khi xảy ra một sự kiện ngẫu nhiên nào đó, tư duy của người làm công tác phân tích bị kích thích, liên tưởng đến những tình huống tương tự, từ đó tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Thời gian Chiến tranh vệ quốc 1941-1945, trong một cuộc họp bàn về kế hoạch phản công quân Đức, người cán bộ quân báo Hồng quân Liên Xô chợt nhìn thấy lớp tuyết trên vai áo một thành viên tham dự hội nghị, do nhiệt độ trong phòng ấm hơn nên đang tan dần, để lộ rõ quân hàm trên vai. Người cán bộ quân báo chợt nghĩ, chẳng bao lâu nữa thời tiết ấm lên, tuyết dần tan, quân Đức sẽ phải xúc tuyết trong các hầm đổ ra ngoài để tránh lầy lội; đất ướt cùng nước tuyết chảy ra rất có thể sẽ làm lộ rõ các cửa hầm cũng như tình hình bố phòng của quân Đức.
Ông báo cáo suy nghĩ của mình và được Tư lệnh tán đồng. Việc quan sát, theo dõi tiến hành sau đó đã khẳng định sự liên tưởng của người cán bộ quân báo là đúng. Phía trước đường hào thứ nhất vẫn một màu trắng xóa, còn phía trước đường hào thứ hai, thứ ba bị phủ một lớp màu nâu sẫm.
Điều đó chứng tỏ, trong đường hào thứ nhất chỉ có một số ít lính trinh sát, còn đại bộ phận lực lượng quân Đức bố trí ở các tuyến sau. Màu nâu sẫm cũng cho thấy vị trí của từng tuyến. Ngoài ra, một số mục tiêu khả nghi trước đây tuyết vẫn phủ xung quanh mà không hề thay đổi, chứng tỏ đó là những mục tiêu giả do quân Đức tạo ra...
Sự thông minh của người cán bộ quân báo đã góp phần quan trọng để Hồng quân tiến hành cuộc phản công thắng lợi vào tuyến phòng thủ của quân Đức.