Bí mật của loài kiến sống ung dung tự tại ở sa mạc Sahara
Cái nắng, cái nóng như thiêu như đốt ở sa mạc nóng nhất thế giới có vẻ 'chẳng nhằm nhò' gì với những chú kiến bạc Sahara.
Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra, cái nóng của sa mạc Sahara không phải là vấn đề với một loàikiến đã phát triển một hệ thống chống nhiệt hiệu quả và vô cùng "xì tai".
"Đây là lần đầu tiên phản xạ nội toàn được thể hiện để xác định màu sắc của một sinh vật", tiến sĩ Serge Aron đến từ Đại học Tự do Brussels cho biết.
Giống như tên của loài kiến, màu sắc đó là lấp lánh bạc.
Tiến sĩ Aron và nhóm của ông đã sử dụng một kính hiển vi điện tử quét để tìm hiểu về lông của chú kiến, xem điều gì sẽ xảy ra khi ánh nắng tấn công chúng.
Họ cũng so sánh những con kiến bình thường với những con đã bị cạo lông để đánh giá cách ánh sáng dội lại và những con kiến bị nóng lên nhanh như thế nào dưới ánh sáng Mặt trời mô phỏng.
Họ nhận thấy, những con kiến bình thường có thể phản xạ ánh sáng gấp 10 lần so với những con đã cạo lông, và có thể giữ cơ thể mát hơn đến 2oC dưới ánh Mặt Trời mô phỏng.
Kính hiển vi công suất cao tiết lộ rằng mỗi sợi lông của chú kiến có bề mặt gợn sóng và một tam giác cắt ngang. Giống như một lăng kính, các sợi lông ở lớp sau đó có thể phản xạ ánh sáng, các tia chiếu vào từng sợi đều chịu sự phản xạ nội toàn, bật khỏi những sợi lông cuối cùng thay vì truyền qua nó.
Hiệu ứng gương cho phép loài kiến này làm bóng màu bạc của nó, giúp ích cho việc ngụy trang, hỗ trợ trong thông tin liên lạc giữa các con kiến, và làm giảm sự hấp thụ nhiệt từ ánh sáng Mặt Trời. Cuối cùng giúp những con kiến khỏi bị thiêu đốt.
Trong khi nhiều loài côn trùng và động vật ở sa mạc Sahara phải ra ngoài kiếm ăn vào ban đêm để tránh ánh nắng Mặt trời thì kiến bạc Sahara lại tung tăng được vào ban ngày. Chúng không có nỗi sợ hãi của các loài khác.
"Những con kiến ra khỏi tổ vào khoảng thời gian nóng nhất trong ngày, khi nhiệt độ vượt quá 50oC, nhặt nhạnh những xác chết của những động vật chết vì nóng", các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo được công bố trên tạp chí PLoS ONE.
"Bằng cách giới hạn các hoạt động tìm kiếm thức ăn vào khoảng thời gian nóng nhất trong ngày, những con kiến giảm thiểu khả năng bị bắt gặp bởi các loài ăn thịt khác. Một con thằn lằn sẽ ngừng tất cả các hoạt động khi nhiệt độ trở nên quá nóng".
Ngoài những sợi lông bạc, loài kiến này còn có những đôi chân dài hơn nhiều so với những loài kiến khác. Những chi dài giữ cho cơ thể của kiến tránh chạm vào bề mặt nóng. Chúng cũng cho phép những con kiến chạy thật nhanh vào những nơi mát mẻ sau khi tìm mồi.