Bí mật của nghề huấn luyện cảnh khuyển
Ngày 15/12/1959, lớp đào tạo cán bộ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ đầu tiên ở Việt Nam khai giảng gồm 44 học viên. Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (15/12/1959 - 15/12/2024), Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an luôn là một đơn vị nghiệp vụ đặc thù của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm...
Chiến công thầm lặng
Nửa đêm 30/9/2020, tại một khu vực đồi núi thuộc huyện Quế Phong, Nghệ An yên lặng như tờ, Thiếu tá Từ Hùng - Phó đội trưởng Đội sử dụng động vật nghiệp vụ, Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh CSCĐ rất nóng ruột. Bởi thời điểm đó, anh là tổ trưởng tổ công tác gồm nhiều CBCS và các chú chó nghiệp vụ của Trung tâm đang tham gia Chuyên án triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy lớn từ khu vực biên giới Việt Nam - Lào về thành phố Vinh, Nghệ An.
Theo nguồn tin trinh sát báo về ban chuyên án, đêm nay, Nguyễn Khắc Trung, sinh năm 1970 sẽ vận chuyển ma túy từ thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong đến tỉnh Hà Tĩnh. Đây là đối tượng có nhiều tiền án về các tội danh liên quan đến ma túy, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn trong mỗi lần hoạt động.
Sương đêm buốt lạnh, càng ở trên núi cao nhiệt độ càng giảm, áp suất thay đổi gây khó thở. Mặc dù đã trang bị áo bảo hộ cho chó nghiệp vụ nhưng Thiếu tá Hùng vẫn lo cho những "chiến binh bốn chân" đang chốt chặn ở nhiều địa điểm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trong đêm tối, những chú chó trong tư thế phục kích, tai vểnh lên rất tập trung, phát huy tối đa thính giác, khứu giác và thị giác, sẵn sàng lao về phía trước khi phát hiện đối tượng. Khi có lệnh của Ban chuyên án, ngay lập tức cán bộ sử dụng chó nghiệp vụ phát huy vai trò trong trấn áp, uy hiếp bắt giữ các đối tượng phạm tội ma túy manh động, nguy hiểm. Nhưng chú chó nghiệp vụ thể hiện khả năng khứu giác khi nhanh chóng lùng sục, phát hiện ma túy tại các vị trí mà đối tượng phạm tội cất giấu tinh vi. Nguyễn Khắc Trung bị bắt quả tang đang vận chuyển trái phép 3 bánh hêrôin, 10.000 viên ma túy tổng hợp. Chuyên án kết thúc, Thiếu tá Hùng thở phào nhẹ nhõm khi các cán bộ và cả động vật nghiệp vụ đều an toàn, khỏe mạnh.
Trong nhiều năm qua, CBCS của Trung tâm cùng những chú cảnh khuyển đã lập chiến công trên các mặt trận, như tham gia đấu tranh chuyên án ma túy 279/LL tại Sơn La cùng với các lực lượng bắt giữ 5 đối tượng và thu giữ 148 bánh hêrôin; tham gia bảo vệ an toàn các kỳ đại hội của Đảng, Hội nghị cấp cao ASEAN, ASEM 5, INTERPOL 80, APEC....;bảo vệ thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2; đảm bảo an ninh an toàn chuyến thăm Tổng thống Liên bang Nga; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc sang thăm và làm việc tại Việt Nam…
Gắn bó với đơn vị đã 15 năm, Thiếu tá Hùng bảo rằng phải thực sự gắn bó và say nghề huấn luyện chó nghiệp vụ mới hiểu nỗi gian truân, vất vả khi huấn luyện một con vật trở nên tinh khôn, nhận biệt tốt và phản xạ nhanh. Đội Sử dụng động vật nghiệp vụ có 5 chuyên khoa: phát hiện ma túy, phát hiện thuốc nổ, giám biệt hơi người, tìm kiếm cứu nạn và chiến đấu, bảo vệ truy vết. Do đó phải tuyển chọn kĩ những chú chó có đặc điểm thần kinh, đặc tính phù hợp với từng chuyên khoa để tận dụng lợi thế của mỗi cá thể.
Thượng úy Nguyễn Hoàng Quân là cán bộ của Đội sử dụng động vật nghiệp vụ, chuyên khoa phát hiện thuốc nổ. Anh chia sẻ rằng khi còn nhỏ từng bị chó cắn nên rất... sợ chó nên không nghĩ sau này mình lại có duyên và gắn bó với loài động vật này. Tôm - chú chó Berger Đức là động vật nghiệp vụ đầu tiên Thượng úy Quân huấn luyện từ năm 2021. "Huấn luyện một chú chó thời gian đầu rất vất vả, nhiều động tác dạy đi dạy lại cả tháng trời mà chó không làm được. Động vật nghiệp vụ mỗi con một tính một nết nên quá trình tiếp cận, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ phải có phương pháp, sự sáng tạo và tính kiên trì, nhẫn nại", Thượng úy Quân chia sẻ.
Năm ngoái, Tôm bị bệnh, anh lo lắng ngày đêm, những ngày nghỉ phép anh cũng ở lại đơn vị để chăm sóc. Ngày chú chó mất, anh buồn suốt một thời gian dài. Bây giờ, anh đang huấn luyện chú chó Max thuộc giống Malinois Bỉ. Anh kể về người bạn mới: "Max đã 3 tuổi, thông minh, nhanh nhẹn, đôi lúc còn ham chơi, thích khám phá, nhưng lúc làm việc rất cẩn thận. Max đã cùng tôi hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đến bây giờ, chẳng những tôi không sợ chó nữa mà còn yêu quý và coi chúng như những người bạn thân thiết".
Hỏi chuyện các cán bộ huấn luyện mới vỡ lẽ, ai cũng có vết chó cắn trên người. Lúc đầu chưa thân gần, việc bị chó cắn là chuyện bình thường. Kể cả trong quá trình luyện tập cũng vẫn có những sự cố. Có thể do dụng cụ bảo hộ không may bị tuột, hoặc trời mưa bị trượt ngã sang hướng khác, chó cắn lệch vị trí là bị thương. Có khi trong lúc luyện tập giằng vật, con chó hăng quá không cho chiếm đoạt sẽ tấn công cán bộ huấn luyện. Bởi thế, cả cán bộ và cảnh khuyển đều phải được tiêm phòng đầy đủ.
Công việc huấn luyện cảnh khuyển vất vả nhất có lẽ là mùa hè. Thời tiết nắng nóng, những chú chó rất dễ bị sốc nhiệt, luyện tập kém hiệu quả. Khi động vật không làm được thì cán bộ huấn luyện cũng buồn bực. Ngược lại khi chú chó thành thục một động tác, khỏi phải nói là các cán bộ vui thế nào. Họ mang thành tích đó khoe cả đơn vị. Đó chính là động lực để những cán bộ huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ ngày đêm thầm lặng góp chiến công trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Ngay từ tháng 10/1960, Bộ Công an đã cử đoàn công tác đi học lớp huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tại Trung Quốc. Tháng 3/1961, khi về nước, Đoàn đã được đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tiếp và nghe báo cáo kết quả học tập. Đồng chí Bộ trưởng đã chú trọng đến việc trao đổi kinh nghiệm huấn luyện chó nghiệp vụ, rút ra những kinh nghiệm tốt nhất từ chuyên gia nước ngoài để xây dựng chương trình, tổ chức huấn luyện chó nghiệp vụ thích hợp với Việt Nam.
Từ đó đến nay, Bộ Công an không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ. Đại tá Phạm Đình Đoàn - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ cho biết: "Bộ Công an đã quan tâm đẩy mạnh việc trao đổi chuyên gia, cử đoàn cán bộ đi tham quan, học tập, bồi dưỡng ở các nước có trình độ tiên tiến về lĩnh vực huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ như Trung Quốc, Cuba, Pháp,… Hiện nay, ngoài việc đào tạo chó nghiệp vụ phục vụ trong ngành Công an; chúng tôi còn thực hiện nhiệm vụ quốc tế, đào tạo cán bộ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ cho Bộ An ninh Lào và Bộ Nội vụ Campuchia".
Hôm chúng tôi đến đúng dịp đơn vị đang tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ cho 29 cán bộ thuộc Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia trong thời gian 6 tháng. Sau giờ tập luyện, mồ hôi rịn trên gương mặt, Trung tá Kakada - Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Cục Hình sự, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia cởi mở chia sẻ: "Chúng tôi tham gia khóa huấn luyện đã được hơn 3 tháng. Huấn luyện chó nghiệp vụ là một chuyên môn khó và mới mẻ với chúng tôi, cần sự chăm chỉ, kiên trì. Rất may, chúng tôi được Bộ Công an Việt Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Trung tâm quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi từ nơi ở, địa điểm huấn luyện. Nhờ các cán bộ huấn luyện của Việt Nam tận tình hướng dẫn, chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kiến thức huấn luyện động vật nghiệp vụ".
Với Thiếu úy Sok Chea - cảnh sát cơ động hoàng gia Campuchia, đây là khóa huấn luyện thứ 2 anh tham giam ở Việt Nam. Năm 2023, anh được tập huấn kĩ năng huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện thuốc nổ, còn năm nay học về chuyên khoa huấn luyện phát hiện ma túy. Anh chia sẻ: "Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã tuyển chọn những cá thể chó nghiệp vụ tốt nhất về ngoại hình, thể chất để trang bị cho chúng tôi. Sau khi kết thúc khóa học, mỗi học viên sẽ được mang chú chó đó về nước để tiếp tục huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ. Điều đó khiến tôi rất vui. Chúng tôi sẽ sử dụng chó nghiệp vụ có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tại Campuchia".
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/bi-mat-cua-nghe-huan-luyen-canh-khuyen-i752776/