Bí mật của nhà điêu khắc
Rich Puckett sinh năm 1954 tại St. Louis Hoa Kỳ. Ông có niềm say mê viết truyện ngắn. Theo ông đó là cách tuyệt vời để giải tỏa những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống. Ông thổ lộ: 'Thực ra tôi không phải nhà văn, tôi chỉ kể lại những gì mình nghe, mình thấy bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc, nhà quê thô thiển muốn chia sẻ với bạn đọc. Con gái tôi mới là nhà văn thực thụ, nó đã cho in 3 tập truyện ngắn'.
Văn nghệ Công an xin giới thiệu một truyện ngắn đậm tính chất vụ án của ông.
Bà Mary May là một phụ nữ nổi tiếng ở thị trấn nhỏ Albany, Kentucky. Những năm 1845 vùng này là các trang trại rộng mênh mông trồng thuốc lá. Các doanh nghiệp đổ về mở các cửa hàng kinh doanh thuốc lá dọc theo những đường phố chính của thị trấn. Khi còn trẻ cô May sống với người mẹ là giáo viên dạy học trường phổ thông thị trấn. Cô là cô gái nhút nhát, cho tới 16 tuổi, cô chưa từng rời khỏi nhà quá 40 km. Cô rất xinh đẹp, dịu dàng vì vậy đã có nhiều chàng trai trẻ miệng ngậm tẩu thuốc sành điệu - thậm chí cả những kẻ đã có vợ con, góa vợ - đến ve vãn, chọc ghẹo, tán tỉnh cô.
Năm 19 tuổi cô kết hôn với Jim Rogers – một thanh niên không thuộc diện đẹp trai so với những người khác – nhưng đổi lại anh là con của một điền chủ sở hữu trên 1.000 mẫu Anh đất đai. Jim cũng được cho sở hữu 18 lô đất liền kề rộng 500 mẫu. Anh có một ngôi nhà sàn nhỏ làm bằng gỗ Tuyết Tùng được bọc da lông thú tuyệt đẹp. Khu chính có ngôi nhà lớn, trên tầng 3 có 3 phòng ngủ rộng, tầng 2 là nơi làm việc còn tầng 1 là bếp và nhà ăn. Ngoài ra còn có một ngôi nhà rộng dành cho người ở, người làm công, người giúp việc là người da đen. Tất cả các phòng của gia chủ đều được trải thảm dệt tay thủ công.
Mary May là người giàu có nhất thị trấn, cô được chồng sắm cho chiếc xe độc mã sang trọng, lạ mắt. Họ sở hữu gần 30 nô lệ da đen hợp pháp và mươi đứa trẻ. Tuy không phải là người mộ đạo nhưng cô không bao giờ bỏ lỡ một buổi rửa tội ở nhà thờ First Kentucky tại thị trấn được xây dành cho người da đen. Để cuốn hút mọi người đến nhà thờ, cô là người chỉ đạo, dẫn dắt họ đến ca hát vui vẻ, ồn ào, sôi động sau buổi xưng tội vào ngày chủ nhật. Nhiều người không theo đạo cũng đến không phải để thưởng thức giọng hát của cô mà chủ yếu là được nhìn ngắm bộ ngực tròn, đầy đặn màu mỡ của cô phập phồng mỗi lần cô lấy hơi khi hát.
*
Rồi bất ngờ cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ nổ ra. Liên minh các lực lượng miền Bắc có chủ trương giải phóng nô lệ da đen, trong khi các lực lượng vũ trang của điền chủ miền Nam chống đối kịch liệt không cho phép ai cướp đi nô lệ của họ. Trai tráng các trang trại của điền chủ và người dân được huy động tham gia vào cuộc chiến. Jim Rogers tình nguyện tham gia vào quân đội được điều động khi Sumer Nam Carolina bị tấn công.
Sau một thời gian Jim ghé qua nhà trong bộ quân phục màu xám, cưỡi con ngựa Tennessee Walker cao lớn dũng mãnh, trên ve áo anh đeo quân hàm Đại úy. Anh hôn cô thắm thiết và hẹn sẽ sớm trở về nhà. Cuộc nội chiến đã làm đảo lộn cuộc sống của May. Quân miền Nam của các điền chủ đã mất lãnh thổ vào tay Liên quân miền Bắc. Được giải phóng khi cuộc chiến kết thúc vài tháng, những người nô lệ da đen lần lượt rút đi khỏi các trang trại mà họ từng làm nô lệ cho các điền chủ da trắng.
Sau 5 năm trong khói lửa chiến tranh, Jim mới trở về quê hương với dáng đi khập khiễng do bị thương trong chiến đấu. Jim rất buồn vì bố anh đã mất ngay trong những ngày đầu chiến tranh. Nhà của các điền chủ trong vùng bị cuộc chiến san phẳng hoặc sụp đổ thảm hại. Riêng trang trại của gia đình Jim vẫn tồn tại không hề bị tàn phá. Lý do nó tồn tại vì Mary May đã đồng ý cho Liên quân miền Bắc đóng trụ sở trong trang trại của mình. Đồng thời chấp nhận biến mình thành người mua vui cho lãnh đạo cấp cao và đám sỹ quan.
Jim rất buồn khi 2 đứa con gái không phải con của mình. May đã kể cho anh nghe về sự hãm hiếp kinh khủng của Liên quân và những khổ đau mà cô phải chịu đựng chỉ vì hy vọng được gặp lại anh và tin anh sẽ trở về. Jim Roggers im lặng, lầm lỳ trong nỗi đau không gì bù đắp nổi.
Theo luật pháp thống nhất của Liên bang, các nô lệ da đen được giải phóng và có quyền bình đẳng làm người, được Nhà nước bảo hộ. Do đó Jim phải hợp lý hóa bằng cách cho những người da đen thuê một vài mẫu Anh và ký với họ một thỏa thuận phân chia sản phẩm. Trong đầu anh đang nghĩ những gì khó ai có thể đoán được…
Sau ba tháng biến mất khỏi trang trại, Jim Roggers trở về với những hộp, bao tải mà anh nói rằng đó là sừng nai tấm, xương nai mua từ các bang Tennessee, Arkansa và Missouri – là vật liệu mới để anh chạm khắc các sản phẩm mỹ thuật. Anh chất vào nhà kho cũ, cải tạo một phần của nó làm xưởng điêu khắc và cấm tiệt không được ai bén bảng tới.
Niềm vui duy nhất của anh giờ đây là say sưa ngày đêm khắc chạm xương và sừng nai tấm (Giống nai Bắc Mỹ có sừng giống như sừng tuần lộc) thành các sản phẩm mỹ nghệ. Vào thời điểm này trang trại cũng hoạt động ảm đạm không hiệu quả. Mary mở một cửa hàng ở thị trấn bán hàng lưu niệm. Những sản phẩm Jim làm ra khá đẹp và nét chạm khắc tinh tế nên thu hút đông khách hàng đến mua.
Có những khách hàng ở xa hàng trăm dặm cũng nghe tiếng tìm đến cửa hàng dù chỉ mua một chiếc tẩu hút thuốc, một con dao sừng nhỏ để mở thư hay những thứ nho nhỏ khác. Việc kinh doanh của Mary rất thuận tiện và phát đạt. Với trái tim nhân hậu thương những người nghèo khổ, bà thường xuyên trao cho gia đình những đứa trẻ nghèo quần áo, thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt.
Khi Jim Roggers chết ở tuổi 75. Ông để lại cho bà một khối lượng sản phẩm điêu khắc rất lớn đến nỗi bà còn bán nhiều năm nữa vẫn chưa hết. Mười năm sau Mary May cũng tạ thế vào tuổi 86. Lúc này giá bất động sản tăng nhanh, đất đai họ để lại cho con được hai cô con gái bán đi, nhưng họ vẫn để lại khu nhà ở. Họ thu được rất nhiều tiền từ việc bán đất đai và trở thành triệu phú mà không cần phải vất vả quản lý trang trại. Người giàu ngày càng nhiều, họ tiêu tiền như nước. Hai chị em thanh nhàn với hai cửa hàng bán sản phẩm điêu khắc của cha vẫn rất phát đạt.
Sau khi mẹ qua đời hai cô con gái dọn dẹp khu nhà cũ nơi mẹ cô ở, và nhà kho cũ là nơi cha họ làm xưởng điêu khắc – mà khi cha còn sống các cô bị cấm chưa bao giờ dám đặt chân tới. Không có chìa khóa cha để lại, hai cô quyết định phá cửa. Hai chị em sững sờ khi thấy trong kho vẫn còn một đống xương khô lớn. Cô chị là một y tá cầm lên một ống xương ngắm nghía hồi lâu rồi vẫy cô em lại: “Này em! Những ống xương này chị cam đoan không phải xương chân nai mà chắc chắn là xương ống chân của người”.
Sự khẳng định của cô càng được minh chứng khi họ tìm thấy một cuốn nhật ký của cha đã xỉn màu và quăn góc. Trong đó cha họ kể lại cách tìm kiếm những binh sỹ Liên quân trong chiến tranh từng ở khu vực xung quanh và trang trại của gia đình họ. Ông mô tả một cách hứng thú, tỷ mỷ việc giết họ, lóc lấy xương bả vai, xương khớp háng và ống chân, ống tay…
Hai chị em tranh luận, bàn bạc cuối cùng đi đến thống nhất không để chuyện này lộ ra cho ai biết. Vì nếu bị lộ, công việc kinh doanh buôn bán sẽ bị ảnh hưởng – thậm chí tán gia bại sản. Họ lặng lẽ đem số xương đó đào sâu chôn chặt vào lòng đất. Đồng thời đốt quyển nhật ký ghê sợ của người cha.
Nhưng rồi việc kinh doanh của họ bắt đầu lụn bại, sản phẩm không bán được. Thỉnh thoảng mới có vài khách lẻ tẻ từ nơi khác đến. Đến mãi sau này khu nhà rộng lớn của họ vẫn đứng đó nhưng bị bỏ hoang không ai dám bén bảng tới. Người dân xung quanh đồn rằng khu nhà đó bị ma ám. Chính mắt họ đã nhìn thấy những bóng ma của sĩ quan, binh lính lởn vởn, lang thang ở những căn phòng lớn, nhà ăn, phòng khách… vào những đêm trăng mờ?
Nhưng họ không bao giờ biết được bí mật của sự giả dối, lừa đảo được chôn sâu trong lòng đất.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/bi-mat-cua-nha-dieu-khac-607250/