Bí mật đằng sau nguy cơ suy tàn của thành phố giàu nhất Hàn Quốc
Ulsan từng là thành phố giàu có nhất Hàn Quốc, nhưng đang đối mặt với nguy cơ suy tàn vì sự tụt dốc của ngành công nghiệp đóng tàu nước này.
Theo Bloomberg, ông Park Jin-ok, 46 tuổi, là một trong những người đầu tiên tự nguyện rời Hyundai Heavy Industries sau 15 năm làm thợ hàn cho công ty đóng tàu lớn nhất thế giới. Kể từ khi ông Park về hưu vào năm 2016, đã có tới 35.000 công nhân xưởng đóng tàu Hyundai Heavy Industries ở Ulsa thôi việc hoặc bị sa thải.
“Họ đối mặt với quá nhiều áp lực, đặc biệt là những người chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi về hưu hoặc nhận mức lương quá cao”, ông Park trả lời phỏng vấn Bloomberg trong một ngày tháng 8 ở Ulsan.
Trước đó, Ulsan là thành phố giàu nhất Hàn Quốc trong 9 năm liên tiếp tính theo thu nhập bình quân đầu người. Có biệt danh là Thị trấn Hyundai, thành phố này sở hữu nhà máy lắp ráp xe hơi lớn nhất thế giới (của Hyundai Motor Company), xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới (của Hyundai Heavy Industries) và nhà máy lọc dầu lớn thứ ba thế giới (của SK Energy).
Tái cấu trúc gây tranh cãi
Xưởng đóng tàu ở Ulsan từng là mối đe dọa chết người với các đối thủ ở châu Âu và Mỹ. Nhưng giờ Hàn Quốc đối mặt với mối hiểm họa tương tự từ Trung Quốc. Theo Bloomberg Intelligence, thị phần đóng tàu của Trung Quốc sẽ tăng từ 24% năm 2018 lên 52% năm 2021. Trong khoảng thời gian đó, thị phần của Hàn Quốc sụt giảm từ 38% xuống còn 22%.
Trung Quốc có kế hoạch sáp nhập hai hãng đóng tàu quốc doanh lớn nhất là China Shipbuilding Industry Corp. và China State Shipbuilding Corp. thành một đế chế khổng lồ, vượt mặt Hyundai.
Để đối phó với sự cạnh tranh dữ dội từ nước ngoài, hồi tháng 3 Hyundai Heavy đồng ý sáp nhập với đối thủ nội địa Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. để tạo ra một công ty mới có trụ sở ở Seoul, tên là Korea Shipbuilding & Offroad Engineering Co (KSOE).
Thỏa thuận sáp nhập vẫn cần sự thông qua của các cơ quan quản lý chống độc quyền trong và ngoài nước. Bloomberg Intelligence đánh giá KSOE đủ sức làm chậm tốc độ chiếm lĩnh thị phần của các công ty đóng tàu Trung Quốc.
Thỏa thuận này vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội tại Ulsan. Người dân địa phương lo ngại sự xuất hiện của KSOE sẽ đẩy Hyundai Heavy ở Ulsan rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Hồi tháng 5, Thị trưởng Ulsan Song Cheol-ho đã cạo trọc đầu để phản đối vụ sáp nhập.
“Hyundai sẽ rút hết nhân lực nghiên cứu và phát triển cũng như nguồn lợi nhuận khỏi Ulsan. Nhiều khả năng thành phố sẽ suy tàn”, Bloomberg dẫn lời giáo sư kỹ thuật công nghiệp Kim Yearn-min thuộc Đại học Ulsan cảnh báo.
Theo kế hoạch tái cấu trúc, Hyundai Heavy sẽ gánh 95% số nợ, khiến tỷ lệ nợ trên vốn của công ty vọt lên 131%. Trong khi đó, KSOE chỉ chịu tỷ lệ 3.7% nợ trên vốn và nhận toàn bộ lợi nhuận. Công nhân Hyundai Heavy lo ngại vụ sáp nhập sẽ dẫn tới tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt.
“Công nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thỏa thuận lương bổng. Kế hoạch tái cấu trúc mang lại lợi thế lớn cho các cổ đông, nhưng đẩy người lao động vào thế khó”, giáo sư Park Sangin thuộc Đại học Quốc gia Seoul nói.
Gia tộc giàu kếch xù
Hyundai Heavy cho biết việc mua lại Daewoo Shipbuilding sẽ tiêu tốn ít nhất 6.000 tỷ won (khoảng 5 tỷ USD). Và theo mô hình mới, Hyundai Heavy và KSOE sẽ hoạt động độc lập. Ban lãnh đạo Hyundai Heavy khẳng định nợ của công ty sẽ chỉ bằng chưa đầy 50% thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Công ty cam kết không ép nhân viên phải nghỉ hưu sớm và việc làm của hàng nghìn công nhân vẫn sẽ ổn định, bởi hoạt động kinh doanh đang khởi sắc. Năm ngoái, Hyundai Heavy nhận hợp đồng đóng 163 tàu mới, trị giá khoảng 14 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 9,9 tỷ USD của năm 2017.
“Sẽ không có chuyện cắt giảm việc làm. Chúng ta đang tụt hậu so với Trung Quốc về giá. Chúng tôi tin rằng khi hai công ty kết hợp năng lực nghiên cứu và phát triển, sức mạnh chung sẽ gia tăng”, lãnh đạo Hyundai Heavy viết trong email gửi nhân viên.
Tuy nhiên, nhiều công nhân lo ngại thỏa thuận sáp nhập là cách để gia tộc sở hữu Hyundai tiếp tục làm giàu từ mồ hôi và nước mắt của hàng chục nghìn lao động. Cổ đông lớn nhất của Hyundai Heavy là ông Chung Mong-joon, 67 tuổi, con trai thứ sáu của người sáng lập Hyundai Group.
Con trai của ông Chung đang được chuẩn bị để nắm vị trí lãnh đạo mảng đóng tàu. Cổ phiếu của hai cha con tại Hyundai Heavy trị giá khoảng 1,3 tỷ USD.
Các chaebol Hàn Quốc là những hệ sinh thái công nghiệp khổng lồ, do các thành viên một gia đình kiểm soát. Sau khi người sáng lập Hyundai Group qua đời năm 2001, tập đoàn này bị phân tách. Người con trai thứ Chung Mong-koo kiểm soát mảng ôtô và sở hữu nhà máy lắp ráp xe hơi tại Ulsan.
Theo Bloomberg Billionaire Index, ông Chung Mong-koo sở hữu khối tài sản 4,4 tỷ USD. Như vậy, ông là người giàu thứ tư tại Hàn Quốc.
Ở mảng đóng tàu, Chung Mong-joon siết chặt kiểm soát khi thành lập Công ty Hyundai Heavy Industries Holdings Co. vào năm 2017. Ông sở hữu 25,8% cổ phần công ty này. Ông không trực tiếp điều hành tập đoàn, nhưng người con trai cả Ki-sun, 37 tuổi, quản lý một công ty con và là người đứng đầu phòng kế hoạch của tập đoàn.
Chung Ki-sun mua 5,1% cổ phần của Hyundai Heavy Industries Holdings Co. vào năm ngoái với giá 354 tỷ won (294 triệu USD) bằng tiền của cha. Gia đình Chung kiếm tiền nhờ cổ tức. Năm 2018, Hyundai Heavy Industries Holdings Co. chia sẻ 270,5 tỷ won (222,6 triệu USD) cổ tức, dù doanh thu ròng của công ty sụt giảm 72%.
Đại diện công ty thanh minh rằng gia đình Chung không can thiệp vào việc chia tách hoạt động kinh doanh.
“Họ không hề quan tâm”
Những gì đang diễn ra ở Ulsan khiến người dân địa phương vô cùng tức giận, cho dù ông Chung Mong-joon từng là một chính trị gia đại diện quận phía đông thành phố, được nhiều cử tri quý mến. Ông Chung cũng từng giữ chức phó chủ tịch FIFA từ năm 1994 đến 2011.
Chiến dịch tranh cử chức chủ tịch FIFA của ông Chung đổ bể sau khi ông bị phạt vì các hành vi phi đạo đức có liên quan đến chiến dịch giành quyền đăng cai World Cup 2022 của Hàn Quốc. Ông Chung luôn khẳng định mình vô tội.
Thời gian qua, người dân địa phương liên tục bày tỏ sự bức xúc với kế hoạch cải tổ của Hyundai Heavy. Tại bến cảng Ulsan, biểu ngữ yêu cầu cải tổ mô hình chaebol xuất hiện khắp nơi.
“Họ chỉ quan tâm đến việc làm lợi cho gia đình Chung”, ông Kim Do-hyup, người từng phụ trách việc cung cấp lao động cho Hyundai Heavy, bức xúc. Công ty của ông đã phá sản. Ông khẳng định Hyundai Heavy liên tục cắt giảm tiền thanh toán cho ông.
Nợ ngập mặt, ông Kim tính uống thuốc trừ sâu tự sát, nhưng được ngăn kịp thời. Giờ ông làm việc bán thời gian và thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình phản đối Hyundai Heavy. Những nhà thầu khác của Hyundai Heavy cũng kể các câu chuyện tương tự.
“Chúng tôi rơi xuống hố sâu, cuộc sống phụ thuộc vào Hyundai, nhưng họ không hề quan tâm”, ông Kim giận dữ nói. Công ty giải thích rằng việc thanh toán cho các nhà thầu phụ đóng băng vào năm 2016 và 2017 do suy thoái.
Tại cảng Ulsan, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận rõ được sự tuyệt vọng và chán chường của người dân nơi đây. Các quán cà phê và nhà hàng gần xưởng đóng tàu trống vắng kể cả trong giờ ăn trưa. Ông Shim Jae-ik, quản lý nhà hàng Nice Octopus, kể hàng quán nơi đây từng chật cứng công nhân mỗi bữa trưa và tối.
Tưởng như tình hình có dấu hiệu cải thiện khi Hyundai Heavy nhận được thêm đơn hàng, nhưng thông báo về vụ sáp nhập với Daewoo Shipbuilding khiến mọi hi vọng bị dập tắt. “Tình hình ngày càng bi quan. Chúng tôi chẳng có hi vọng gì cả”, ông Shim than thở.