Bí mật đội tàu tuần duyên nhỏ nhưng 'có võ' của Mỹ
Từ năm 2004, Mỹ đã triển khai chương trình nghiên cứu và chế tạo tàu chiến ven biển kiểu mới, còn gọi là tàu tuần duyên (Littoral Combat Ship - LCS).
LCS là loại tàu cỡ nhỏ, được thiết kế theo kiểu mô-đun, có giá thành vừa phải. Nhiệm vụ chủ yếu của loại tàu này là chống lại các mối đe dọa tiềm tàng phi đối xứng như: Phòng chống các loại tàu thuyền nhỏ chứa vũ khí và chất nổ của lực lượng khủng bố; ngăn chặn buôn bán ma túy và buôn lậu vũ khí; ngăn chặn đối phương tiếp cận bờ biển, tiến hành các nhiệm vụ tác chiến ven biển...
Đến nay, trong biên chế hải quân Mỹ đã có tàu tuần duyên LCS thuộc 2 lớp: lớp tàu Tự do (USS Freedom) do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, và lớp tàu Độc lập (USS Independence) do Tập đoàn General Dynamics chế tạo.
Mặc dù phương án thiết kế có những chi tiết khác nhau, nhưng cả hai lớp tàu đều phải đáp ứng các yêu cầu tác chiến trong chiến tranh công nghệ cao. Cả hai đều có khả năng tàng hình, khả năng kết nối với hệ thống, cơ động nhanh, tốc độ tương đối cao, tầm hoạt động tương đối xa.
Các con tàu đều có khả năng tiến công nhờ có sàn đáp và khoang chứa 2 máy bay trực thăng cùng các loại xe chiến đấu bọc thép, được trang bị những vũ khí tiêu chuẩn là tên lửa (đối đất, đối không, đối hải) và các loại pháo.
Hai lớp tàu LCS Freedom và Independence chủ yếu khác nhau về thông số bên ngoài.
Tàu lớp USS Freedom dài 115,3m; rộng 17,5m; mớn nước 3,9m; tốc độ 40 hải lý/h, khi nước rút 46 hải lí/h; lượng giãn nước 3.000 tấn đầy tải; tầm hoạt động 3.500 hải lí (6.500km); thời gian hoạt động trên biển 21 ngày; thủy thủy đoàn 60 - 98 người.
Tàu lớp USS Independence dài 127,6m; rộng 31,6m; mớn nước 4,3m; tốc độ 40-45 hải lý/h; lượng giãn nước 3.000 tấn đầy tải; tầm hoạt động 3.500 dặm (6.500km); thời gian hoạt động trên biển hơn 20 ngày; thủy đoàn 90 người.
Theo kế hoạch, khi biên chế đầy đủ, hải quân Mỹ sẽ có 10 - 20 tàu LCS. Tuy nhiên, đến thời gian này, tàu lớp Freedom mới có 2 chiếc đang hoạt động là USS Freedom (LCS-1) và USS Fort Worth (LCS-3); 2 chiếc đang đóng là USS Milwaukee (LCS-5) và USS Detroit (LCS-7). Tàu lớp Independence cũng có 2 chiếc đang phục vụ là USS Coronado (LCS-4) và USS Independence (LCS-2); 2 chiếc đang đóng là USS Jackson (LCS-6) và USS Montgomery (LCS-8).
Tàu tuần duyên đầu tiên USS Freedom LCS-1 được đưa vào sử dụng ngày 8/11/2008; ngày 16/2/2010, tàu triển khai nhiệm vụ tác chiến đầu tiên, sớm 2 năm so với dự kiến. Tàu tuần duyên thứ 2 (LCS-2) thuộc lớp Independence đưa vào hoạt động ngày 16/1/2010. Chiếc thứ 3 (LCS-3) thuộc lớp Freedom mang tên USS Fort Worth bàn giao ngày 6/6/2012 và đưa vào hoạt động ngày 22/9/2012…
Ven biển, nhưng không ven … bờ
Đội tàu tuần duyên LCS hiện được biên chế cho Hạm đội 3 và Hạm đội 7, mỗi lần trực chiến triển khai 1-2 chiếc. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các hoạt động của tàu LCS sẽ hỗ trợ trực tiếp cho “Chiến lược hợp tác trên biển của hải quân Mỹ trong thế kỷ XXI”, nhằm duy trì sức mạnh biển (Seapower) của Mỹ.
Thực hiện nhiệm vụ trực chiến, các con tàu LCS thường mang theo trực thăng chiến đấu MH-60 Seahawk SH-5 hoặc Sea Squadron 22. Thủy thủ đoàn thường ghé các căn cứ hải quân, thăm các nước ven bờ, tham gia các hoạt động khác nhau như Triển lãm quốc phòng hàng hải quốc tế, hợp tác và đào tạo, các hoạt động an ninh hàng hải với các đối tác và đồng minh. Thậm chí, tàu LCS từng được triển khai đến châu Phi để phối hợp hoạt động với các tàu khu trục và tàu tuần dương khác của hải quân Mỹ tại đây.
Một trong những địa bàn mà đội tàu LCS thường được triển khai luân phiên là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mỗi đợt kéo dài 6-8 tháng. Theo các quan chức hải quân Mỹ, với khu vực trách nhiệm (AOR) của Hạm đội 7 Mỹ rộng 124 triệu km vuông thì việc triển khai tàu tuần duyên LCS “là một tín hiệu rõ ràng về cam kết lâu dài của hải quân Mỹ để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực”.
Phó đô đốc DC Curtis, nguyên Tư lệnh Lực lượng hải quân Mỹ khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết: Đội tàu tuần duyên LCS sẽ bổ sung sức mạnh cho những tàu chiến lớn hơn. Tàu sẽ là phương tiện ngăn chặn các mối đe dọa đối phương không chỉ ở vùng nước màu nâu (chỉ vùng nước ven biển) mà cả ở vùng nước màu xanh (ngoài đại dương).
Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc luân phiên triển khai tàu tuần duyên LCS sẽ cải thiện khả năng hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ- Thái Bình Dương.
Có thể nói, với tính năng cơ động cao, triển khai tác chiến nhanh, linh hoạt và khả năng hỏa lực mạnh, tàu tuần duyên LCS là một loại “tàu khu trục” đa năng có nhiều tính năng vượt trội so với các tàu chiến cùng loại của hải quân Mỹ, không chỉ giúp nâng cao khả năng phòng thủ các vùng nước ven biển của Mỹ mà còn hỗ trợ các hoạt động tác chiến khác của hải quân Mỹ ở các vùng biển xa.