Bí mật dự án xây đặc khu 39 tỷ USD của Trung Quốc sát vách Australia
Mới đây, một công ty Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch xây dựng 'Thành phố Daru mới', bao gồm các cảng biển quy mô lớn, khu công nghiệp, khu vực thương mại tự do... ngay ở 'cửa ngõ' của Australia trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ngày càng trở nên căng thẳng.
Rò rỉ tài liệu
Trung Quốc muốn xây dựng một đặc khu trị giá 39 tỷ USD tại nước láng giềng của Australia. Ảnh: Daily Mail
Theo Daily Mail, công ty WYW Holding Limited - đăng ký hoạt động tại Hồng Kông có sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh - đã đệ trình lên chính phủ Papua New Guinea về kế hoạch xây dựng một đặc khu trị giá 39 tỷ USD sát vách Australia vào tháng 4 năm ngoái. WYW cũng đang chống lưng cho dự án “Thành phố Yangon mới” tại Myanmar.
Ngay sau khi kế hoạch này được hé lộ, các cơ quan an ninh của Australia càng tỏ ra lo ngại hơn. Nguyên nhân là do theo kế hoạch được tiết lộ trong các tài liệu mật bị rò rỉ, địa điểm xây dựng đặc khu này là tại thị trấn Daru thuộc vùng duyên hải phía nam Papua New Guinea. Đây được đánh giá là vị trí chiến lược khi chỉ lãnh thổ đất liền của Australia 200 km về phía bắc. nhưng chỉ cần đi tàu vài km là đến được quần đảo do Australia quản lý trên eo biển Torres.
Theo nguồn tin, dự án mang tên “Thành phố Daru” mới sẽ bao gồm một cảng biển lớn, một khu công nghiệp và một khu kinh doanh thương mại tự do với diện tích xây dựng khoảng 100 km2 . Ngoài ra, đây cũng sẽ là một nghỉ dưỡng mới cho khách du lịch và các khu dân cư rộng lớn.
Ngoài ra, Công ty Ngư nghiệp Phúc Kiến Zhonghong, do chính phủ Trung Quốc kiểm soát, gần đây đã đề xuất kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp nghề cá trị giá lên tới 204 triệu USD tại tỉnh Tây của Papua New Guinea.
Theo thỏa thuận trong đề xuất, công ty do Bắc Kinh hậu thuẫn này sẽ có toàn bộ quyền sở hữu và quản lý dự án trong một khoảng thời gian thỏa thuận nhất định. Điều này đồng nghĩa với việc, các tài sản tại “Thành phố Daru mới” sẽ chỉ được chuyển giao lại cho Papua New Guinea sau khi công ty Trung Quốc hết thời hạn quản lý.
Kế hoạch đầy tiềm năng
Thủ tướng của Papua New Guinea - ông James Marape cho rằng ông “không hề biết gì về dự án”. Ảnh: Daily Mail
Theo bản kế hoạch của WYW Holding, đại diện của công ty này đang vận động Thủ tướng Papua New Guine - James Marape cùng với lãnh đạo các tỉnh Tây của New Guinea về việc chấp thuận dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bạc tỷ trong khuôn khổ “Xây dựng Vận hình Chuyển giao” giữa hai quốc gia.
“Chúng tôi hy vọng ngài và chính phủ của ngài sẽ chấp thuận hợp tác với chúng tôi trong kế hoạch đầy tiềm năng này”, CEO Terrance Mo của WYW Holding trình bày trong lá thư gửi Thủ tướng Marape hồi tháng 4 năm ngoái.
Trong thư, CEO của WYW Holding còn lưu ý rằng dự án sẽ bao gồm “Đảm bảo chủ quyền dựa trên hợp đồng BOT (Xây dựng Vận hành Chuyển giao) dài hạn và phục vụ lợi ích chung của hai bên”.
Chủ tịch WYW Holding – Calvin Ng – trong một lá thư khác đã cố thuyết phục Thủ tướng Marape về tiềm năng của dự án này. Ông đưa ra khẳng định cho rằng Papua New Guinea sẽ “tiến bộ đáng kể nhờ có cơ sở hạ tầng phù hợp, trang bị công nghệ viễn thông hiện đại, hệ thống giao thông hiệu quả và tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên”.
Cùng với lời vận động, WYW còn đưa ra một đề nghị vô cùng hấp dẫn đối với Papua New Guinea khi công bố tổng giá trị đầu tư của dự án còn cao hơn GDP hàng năm của đảo quốc này khoảng 5 tỷ USD. Cụ thể, công ty Trung Quốc này khẳng định nguồn vốn dự án đầu tư không chỉ đến từ Trung Quốc đại lục mà còn từ châu Âu, Trung Đông, Singapore và Hồng Kông.
Trả lời về vấn đề trên, Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Papua New Guinea đã khẳng định ông Marape “không hề biết đến dự án này”. Tuy nhiên, cũng cho rằng chính phủ nước này sẽ không ngăn cản nhà đầu tư, miễn rằng dự án phải tuân thủ pháp luật đầy đủ và đảm bảo lợi ích của Papua New Guinea.
Mục đích ẩn sâu
Thị trấn Daru nằm ở ven biển, chỉ có khoảng 20.000 người dân, hiện giờ vẫn đấu tranh với dịch bệnh lao và thuộc mức cực kỳ kém phát triển. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù cho kế hoạch xây dựng đặc khu mới này đầy tiềm năng như vậy vẫn sẽ gặp phải vô vàn khó khăn để được thông qua.
Theo ông Michael Shoebridge, giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh quốc gia của Viện Chính sách Chiến lược Australia cho rằng Trung Quốc và các tập đoàn ủy quyền thường chủ động tiếp cận các chính quyền cấp tỉnh của Papua New Guinea để cố gắng thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng nhằm bảo vệ lợi thế chiến lược và kinh tế vì thông thường chính phủ trung ương sẽ cẩn trọng hơn.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã có một động thái tương tự ở Australia khi Thủ hiến bang Victoria, Danial Andrews ký Biên bản ghi nhớ về “Sáng kiến Vành đai và Con đường” - một quyết định sau đó đã bị chính phủ liên bang hủy bỏ vì lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Ông cho rằng đây chính là lời cảnh tỉnh cho các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo Australia rằng không thể chủ quan trước sự hiện diện và tham vọng của Trung Quốc tại Papua New Guinea.
“Các thực thể và nhân tố của Trung Quốc đang chứng tỏ rằng họ là những người rất cơ hội và chủ động đầu tư. Papua New Guinea cũng là một môi trường dễ dàng hợp lý cho kế hoạch của họ”, ông Shoebridge nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo chuyên gia Jonathan Pryke của Viện Lowy (Australia), những dự án khó tin như "Thành phố Daru Mới" đang nổi lên khắp khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2018 tại Papua New Guinea. Ảnh: CNBC
Các quốc gia trước cửa ngõ của Australia tại khu vực Nam Thái Bình Dương là một trong những trọng tâm phát triển của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia tới từ Viện Lowy, Australia – ông Jonathan Pryke cho rằng những dự án “đầy tiềm năng đến khó tin” đang nổi lên trên khắp khu vực.
Nước láng giềng phía bắc của Australia - Quần đảo Solomon - đã tham gia “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Theo một báo cáo được tiết lộ trong tháng 2/2020, Quần đảo Solomon đã thảo luận với phía Trung Quốc về khoản vay trị giá 151 tỷ USD – gấp 77 lần GDP hàng năm của nước này.
“Sáng kiến Vành đai và Con đường” là kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu được triển khai từ năm 2013, cung cấp các khoản vay khổng lồ cho các quốc gia nghèo đang chìm trong nợ nần, với kỳ vọng hỗ trợ được cho các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, các dự án phát triển của Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình từ lâu đã vấp phải sự hoài nghi của các quốc gia dân chủ phương Tây khi mô tả kế hoạch này là “ngoại giao bẫy nợ”.