Trên nền tảng của hai triều trước do tổ phụ Khang Hi và phụ hoàng Ung Chính xây dựng, năm 25 tuổi Càn Long lên ngôi làm một minh quân dốc lòng lo việc giang sơn, đã đưa vương triều đại Thanh phát triển lên đến đỉnh cao của cường thịnh.
Càn Long luôn được hậu thế gọi là “phong lưu thiên tử”, cuộc đời ông đầy giai thoại về những chuyện phong lưu chốn nhân gian. Trong hậu cung, Càn Long đã lần lượt lập 3 vị hoàng hậu. Có 2 người là được gia phong khi còn sống, còn một người chính là mẹ hoàng đế Gia Khánh được truy phong. Nhưng khi trong địa cung của Dụ Lăng chỉ có hai vị hoàng hậu được tùy táng theo Càn Long. Vậy thực hư chuyện này thế nào?
Vị hoàng hậu đầu tiên được táng trong địa cung là Hiếu Hiền Hoàng hậu, cũng là vị hoàng hậu đầu tiên của Càn Long. Có thể nói tình cảm mà Càn Long dành cho Hiếu Hiền hoàng hậu vô cùng sâu sắc.
Sinh thời, Hiếu Hiền hoàng hậu Phúc Sát thị dung mạo xinh đẹp, đức hạnh đoan trang. Tình cảm phu thê thắm thiết mặn nồng. Bà sinh công chúa đầu lòng nhưng đến 2 tuổi thì chết yểu.
Sau này sinh hoàng tử được Ung Chính hoàng đế rất yêu quý đích thân đặt cho hoàng tôn tên “Vĩnh Liễn” với ẩn ý sau này cho kế thừa hoàng vị. Sau khi Càn Long tiếp vị không lâu đích thân viết mật cáo lập “Vĩnh Liễn là hoàng thái tử” đặt sau bức hoành phi “Quang minh chính đại” ở đại điện. Càn Long và Hiếu Hiền hoàng hậu nhất mực yêu quý hoàng tử nhưng bất hạnh thay đến 9 tuổi thì Vĩnh Liên chết khiến cho hoàng hậu và Càn Long vô cùng đau đớn.
3 năm sau hoàng hậu lại sinh hoàng tử Vĩnh Tông, Càn Long lại dự định lập Vĩnh Tông là hoàng thái tử. Không ngờ vừa đầy 2 tuổi hoàng tử lại chết yểu. Việc liên tiếp mất đi những đứa con dứt ruột đẻ ra đã là cú sốc quá lớn với Hiếu Hiền hoàng hậu, sau khi Vĩnh Tông mất hai năm sau trong một lần theo Càn Long đi tuần thú phía đông bà đã nhiễm thương hàn và qua đời.
Theo ghi chép trong sử sách, sau khi bà mất Càn Long vô cùng đau lòng, trong suốt 9 ngày, ngày 3 lần đích thân ông đều bày cống phẩm lên trước linh cữu của hoàng hậu. Ông cũng dùng hai chữ “Hiếu Hiền” vốn là mong ước lúc sinh thời của Phúc Sát Thị để đặt tên thụy cho bà.
Trong suốt 4 năm linh cữu của bà được đặt trong địa cung của Dụ Lăng, hoàng đế Càn Long đã từng đến tế lễ cho bà hơn 100 lần, trong đó rất nhiều lần vừa uống rượu làm thơ bên mộ bà. Điều này có thể thấy vị trí của bà không thể thay thế được trong trái tim của ông vua đa tình bậc nhất này. Đây cũng là tấm chân tình hiếm có của đấng quân vương dành cho người vợ hiền của mình.
Vị hoàng hậu thứ hai là Ngụy Giai thị. Bà chính là mẫu thân của thập ngũ A ca Ngung Diễm sau này là hoàng đế Gia Khánh. Năm thứ 40, Càn Long mắc bệnh mất. Việc bà được táng ở địa cung có thể là do tình yêu Càn Long dành cho Hiếu Hiền hoàng hậu, bởi lúc sinh thời Ngụy Giai thị là phi tần đầu tiên được Hiếu Hiền hoàng hậu giáo dưỡng cho nên Càn Long đã cho phép chôn nàng ở địa cung bên cạnh người vợ yêu quý của mình.
Năm thứ 60 Càn Long, Ông lập Ngung Diễm làm hoàng thái tử và truy phong cho mẹ là hoàng hậu. Ngụy Giai thị không có cơ hội được nhìn thấy con mình đăng cơ ngôi báu, cũng chưa từng được làm hoàng thái hậu, sau khi mất được phá lệ truy phong hoàng hậu đó chính là được nhờ phúc của con.
Sau khi Hiếu Hiền hoàng hậu mất, Càn Long lập Ô Lạp Na Lạp thị làm hoàng hậu thứ hai. Khi Càn Long còn là hoàng tử, Ô Lạp Na Lạp thị được sắc phong là trắc phúc tấn. Nàng không những được hoàng thượng vô cùng sủng ái mà cũng được hoàng thái hậu vô cùng yêu chiều.
Đầu năm năm thứ 30 Càn Long, hoàng hậu theo thái hậu và Càn Long đi tuần thú Giang Nam lần thứ 4. Trên đường đi không biết đã xảy ra chuyện gì khiến Càn Long vô cùng tức giận ra lệnh cạo tóc như ni cô rồi nhốt vào lãnh cung. Sau rất nhiều năm, vị hoàng hậu này nhiễm bệnh chết, Càn Long ra lệnh dùng nghi thức tang lễ của Hoàng quý phi để tổ chức tang lễ cho hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị, táng tại đỉnh đại bảo sau minh lầu của dụ phi viên tẩm nằm ở phía tây của Dụ Lăng.
Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị vì lý do gì đã khiến Càn Long nổi giận như thế, chuyện này không được ghi lại trong sử sách, nhưng việc hoàng hậu chọc giận hoàng thượng là có thật. Chỉ có những người có mặt mới biết chính xác chuyện gì đã xảy ra , nhưng chắc chắn đó là chuyện vô cùng tồi tệ, nếu truyền ra thì làm tổn hại uy nghiêm của hoàng gia đến nỗi không dám ghi chép trong chính sử. Cũng từ sau đó Càn Long không tiếp tục lập thêm hoàng hậu nữa.
Tuyết Mai (theo Sina)