Bí mật hoạt động của CIA trong cuộc chiến Afghanistan
CIA phái các toán nhỏ tiềm nhập sâu vào hậu phương của Taliban để móc nối, giúp đỡ, huấn luyện cho các nhóm người Pastun chống Taliban.
Trong cuộc chiến Afghanistan (2001), ngoài việc thu thập tin tình báo quân sự, chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) còn là lực lượng chủ đạo trong việc thực hiện các “hành động đặc biệt” nhằm lật đổ chính thể Taliban.
Lôi kéo, giúp đỡ, sử dụng các lực lượng đối lập để tiến hành chiến tranh thay cho lực lượng Mỹ được xem là biện pháp tối ưu, hiệu quả, ít tốn kém nhất cả về sức người sức của.
Lôi kéo li khai
Tại Afghanistan, Mỹ đã lôi kéo, hậu thuẫn cho các nhà lãnh đạo bộ tộc Pastun để họ li khai, tách khỏi hàng ngũ Taliban, nhằm hình thành một thế lực chính trị mới chống lại Taliban.
CIA phái các toán nhỏ tiềm nhập sâu vào hậu phương của Taliban để móc nối xây dựng cơ sở, giúp đỡ, huấn luyện cho các nhóm người Pastun chống Taliban. Các toán CIA phối hợp với lực lượng đặc biệt Mỹ, chỉ trong một thời gian rất ngắn đã huấn luyện Liên minh Phương Bắc kết hợp với lực lượng đối lập ở phía Nam Afghanistan trở thành một lực lượng chiến đấu chính quy.
Đây là một trong những yếu tố quan trọng để chế độ Taliban nhanh chóng bị sụp đổ.
CIA còn gài các “con rệp điện tử” là những máy thu-phát cực nhỏ vào các vỏ hộp thực phẩm, mặt hàng tâm lý chiến rồi thả xuống các khu vực nghi có lực lượng Taliban để thu thập tin tức tình báo.
Các nhóm tác chiến đặc biệt của CIA – được gọi là các nhóm “Lưới mặt đất” tiến hành tìm kiếm theo phương châm phân chia khu vực hoặc địa điểm xác định, phát hiện được mục tiêu lập tức gọi điện cho tên lửa tập kích, dùng đèn hiệu la-de tự động dẫn đường cho máy bay không kích.
Lực lượng này có thể giấu mình nhiều ngày, có thể thu thập tin tức ở các mục tiêu bí mật của đối phương. Các điệp viên Mỹ còn cài đặt các thiết bị dẫn đường vô tuyến được ngụy trang vào gần hoặc ngay trong khu vực mục tiêu để dẫn đường cho bom có điều khiển đánh phá chính xác.
Hệ thống vệ tinh
Mỹ cũng huy động toàn bộ 24 vệ tinh trong hệ thống định vị toàn cầu GPS để cung cấp những thông tin cần thiết và dẫn đường cho vũ khí chính xác tiến công trong thời gian 24/24 giờ.
Để hỗ trợ cho hệ thống vệ tinh GPS, 9 ngày trước khi cuộc chiến nổ ra, Mỹ đã phóng thêm một vệ tinh tình báo mới trị giá 200 triệu USD nhằm tăng cường năng lực định vị của hệ thống và xác định các mục tiêu nhỏ, di động; 3 vệ tinh trinh sát chụp ảnh quang học Keyhole và 3 vệ tinh trinh sát Lacrosse mỗi ngày bay trên bầu trời Afghanistan 12 lần, trung bình cứ 2-3 giờ có 1 vệ tinh bay qua, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động quân sự của Taliban.
Những bức ảnh chụp từ vệ tinh có độ phân giải cao có thể giúp nhận biết được các mục tiêu cần không kích như địa điểm tập kết quân, trận địa, tạo điều kiện cho không quân dễ dàng không kích, phá hủy mục tiêu.
Các vệ tinh của Mỹ đã phát huy vai trò to lớn trong việc hiệp đồng tác chiến giữa trung tâm chỉ huy chiến tranh với Tư lệnh chiến trường, định vị chính xác mục tiêu cho pháo binh và các đợt không kích tiêu diệt mục tiêu, tiếp sóng phục vụ các máy bay trinh sát không người lái, dự báo thời tiết và phát hiện tên lửa đối phương.
Lính bộ binh Mỹ được trang bị máy bay không người lái cực nhỏ Dragon Eye và người máy để trinh sát mục tiêu ở cự li gần.
Súng bộ binh được điều khiển qua màn hình máy tính và được lấy các thông số mục tiêu qua vệ tinh. Đặc biệt là các máy bay chiến đấu được nối mạng, do vậy những hình ảnh mục tiêu được vệ tinh phát hiện sau khi qua Trung tâm xử lý đều được truyền ngay đến màn hình của phi công và có thể tiến công ngay mục tiêu ở vùng sát thương.
Khu vực tiêu diệt
Tình báo Mỹ cũng không ngại sử dụng biện pháp ám sát lãnh đạo, chỉ huy cấp cao của Taliban. Để thực hiện việc này, CIA đã thành lập một trung tâm chỉ huy tác chiến đặc biệt để phối hợp các hoạt động tình báo trong việc truy lùng, tìm diệt lãnh đạo cao cấp của đối phương.
Các thiết bị cảm biến mặt đất (UGS) được chôn dưới đất hoặc thả xuống từ máy bay dọc theo khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan để dò âm thanh, sóng điện thoại, giọng nói và tiếng động cơ rồi qua vệ tinh gửi dữ liệu về trung tâm phân tích. Trung tâm chỉ huy tác chiến có các đội biệt kích, mỗi đội có từ 3-5 người được triển khai để xác định nơi ẩn nấp của các thủ lĩnh Taliban, nếu xác định được thì tìm cách tiêu diệt.
CIA đã lập bản đồ Afghanistan, thu hẹp các khu vực mà họ gọi là “khu vực tiêu diệt” - tức những nơi được xem là các lãnh đạo Taliban và Al Qaeda đang ẩn náu, và huy động lực lượng đặc biệt để truy lùng hoặc dùng máy bay bắn phá dữ dội.
Mặc dù đã kết hợp giữa gián điệp với trinh sát đường không và các phương thức tình báo khác để bảo đảm cho quân Mỹ có được những thông tin cần thiết gần như trong toàn bộ thời gian cả ngày lẫn đêm, song khả năng thu thập tin tình báo của Mỹ tại chiến trường có nhiều hạn chế.
Các phương tiện trinh sát của CIA mặc dù rất hiện đại, nhưng trên thực tế khả năng trinh sát phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, địa hình khu vực tác chiến. Những khiếm khuyết, hạn chế này là một trong những nguyên nhân buộc Giám đốc CIA G.Tenet phải từ chức và làm dấy lên những đòi hỏi về việc cải cách cộng đồng tình báo Mỹ.