Bí mật lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran
Vài giờ sau cuộc không kích của Mỹ ám sát Tướng Qasem Soleimani hôm 3/1, Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei đã tuyên bố bổ nhiệm Tướng Esmail Ghaani làm người kế nhiệm để lãnh đạo Lực lượng bí mật Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Tehran cũng đã thề sẽ trả thù cho cái chết của Tướng Qasem Soleimani.
Cánh tay nối dài của Iran ở Trung Đông - châu Phi
Các nhà phân tích đã nhận định rằng, tốc độ của thông báo từ Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei về người kế nhiệm Tướng Qasem Soleimani bị sát hại dường như nhằm mục đích gửi một thông điệp rằng hoạt động của lực lượng Quds vẫn liên tục.
Nghĩa là, nhiệm vụ của lực lượng này không thay đổi và công việc được thực hiện dựa trên tính chất lịch sử và những ảnh hưởng đã tác động lên các chỉ huy của nó - bao gồm cả người mới, Tướng Ismail Qaani. Vậy lực lượng Quds là gì và có vai trò như thế nào trong lực lượng vũ trang Iran?
Lực lượng Quds là một trong 8 đơn vị của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, (IRGC) được thành lập vào cuối những năm 1980, tức là sau cuộc cách mạng Iran. Những đơn vị khác của IRGC gồm: Lực lượng Kháng chiến mặt đất, do Mohammad Pakpour chỉ huy; Không quân do Amir Ali Hajizadeh chỉ huy; Hải quân, do Alireza Tangsiri chỉ huy; lực lượng dân quân Basij tình nguyện do Gholamreza Soleimani chỉ huy; Đơn vị đặc nhiệm được chỉ huy bởi Hossein Taeb; Đơn vị phản gián được chỉ huy bởi Mohammad Kazemi; và đơn vị an ninh được chỉ huy bởi Fathollah Jomeiri.
TS Jack Watling, một nhà nghiên cứu tại Viện Dịch vụ Hoàng gia, một đơn vị cố vấn ở Anh, nói với hãng NBC News: “Lực lượng Quds thực hiện các hoạt động bên ngoài của Iran để thúc đẩy cuộc cách mạng Hồi giáo. Cũng như 7 đơn vị khác, Quds chịu sự chỉ huy trực tiếp của IRGC và chỉ chịu trách nhiệm trước Đại giáo chủ Iran. Sự tồn tại của Quds chưa bao giờ được thừa nhận chính thức trước khi chiến tranh Syria bùng nổ vào năm 2011. Nhưng sự tham gia sâu rộng của lực lượng Quds trong nỗ lực ủng hộ và bảo vệ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đưa cái tên của Tướng Qasem Soleimani và Quds ra khỏi bóng tối”.
Cũng theo TS Jack Walting, từ Tehran, lực lượng Quds đã phát triển mối quan hệ với các nhóm vũ trang ở Afghanistan, Iraq, Lebanon, Syria và các vùng lãnh thổ Palestine. Hoạt động đáng chú ý nhất của lực lượng Quds được cho là ở Lebanon, nơi đơn vị này hỗ trợ Hezbollah và tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn trong các cấu trúc an ninh và chính phủ Lebanon.
Tiếp đó là Syria, nơi lực lượng Quds giúp hình thành các đơn vị dân quân thân chính phủ; rồi đến Iraq với việc thành lập Lực lượng huy động phổ biến (PMF), còn được gọi là Hashid Shaabi, đưa Iran với cộng đồng người Kurd tại Iraq lại gần với nhau hơn. Yemen cũng có sự hiện diện của lực lượng Quds khi họ hỗ trợ chính phủ Houthi ở Sanaa chống lại áp lực của Arab Saudi.
Tại Afghanistan, lực lượng Quds đã giúp đỡ các nhóm vũ trang chính trị và tìm kiếm sự ủng hộ của chính phủ. Riêng ở dải Gaza thì Quds công khai mối quan hệ với Hamas… Ngoài các quốc gia đó, lực lượng Quds đã hoạt động trên khắp Trung Đông - bao gồm cả trong cuộc tranh chấp sôi nổi giữa Iran và Bahrain.
Tất cả những nhóm vũ trang nói trên và cả Quds đều nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Mỹ. Thậm chí, Quds và IRGC còn bị quy trách nhiệm cho cả vụ đánh bom năm 1983 tại Đại sứ quán Mỹ ở Beirut và cuộc tấn công vào doanh trại quân đội Mỹ và Pháp, cướp đi sinh mạng của 307 người.
Trong một lần xuất hiện trên truyền hình, Tổng thống Mỹ George W.Bush còn cáo buộc lực lượng Quds đã phối hợp với các chiến binh Hồi giáo dòng Shiite chế tạo bom bên đường để tiêu diệt quân đội Mỹ ở Iraq và gần đây, các thành viên cao cấp của Quds được cho là đang làm cố vấn quân sự cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nhưng sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm quyền kiểm soát nhiều vùng đất ở Syria và Iraq, chính lực lượng Quds đã giúp huy động và chỉ huy hàng chục ngàn binh sĩ Hồi giáo dòng Shiite chiến đấu chống lại IS. Người ta ước tính, các chỉ huy Quds đã xây dựng được một đội quân Hồi giáo hùng mạnh với khoảng 17.000 đến 21.000 thành viên, được chia thành nhiều lữ đoàn khác nhau trong khu vực.
TS Jack Walting nói: “Con số này chỉ là ước tính và Quds có thể thu hút chiến binh từ nhiều nguồn, bao gồm cả các đơn vị chiến đấu ủy nhiệm. Quds đã tập hợp các đơn vị này và cử các chuyên gia quân sự giúp đào tạo và hướng dẫn chiến thuật. Rất khó để phân biệt ai là chiến binh thuộc biên chế của Quds và đâu là lực lượng chiến đấu ủy nhiệm”.
Đặc nhiệm Quds là lực lượng tinh nhuệ nhất của IRGC. Sự hiện diện của Quds giúp Iran duy trì khả năng răn đe với Israel và Mỹ, những quốc gia có quan điểm thù địch với Tehran từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Quds áp dụng triệt để hình thức chiến tranh phi truyền thống và bất đối xứng.
Theo đánh giá của tạp chí “Vũ khí và Chiến thuật” (Nga), lực lượng Quds thường tuyển chọn nhân sự từ IRGC, lực lượng tình nguyện bán vũ trang Basij của Iran và một số “nhân tài” trong các lực lượng vũ trang thân Iran của các nước xung quanh và tiến hành huấn luyện toàn diện lực lượng này tại các căn cứ bí mật được ngụy trang núp bóng cơ sở dân sự.
Ban đầu, mọi hoạt động của Quds nằm dưới sự chỉ huy của nhà cách mạng Mohammad Montazeri. Sau khi ông này mất năm 1981, các hoạt động ở nước ngoài của IRGC được lãnh đạo bởi Đại giáo chủ Ali Khamenei.
Được sự ủng hộ của Đại giáo chủ, chỉ huy IRGC Mohsen Rezaee đã ngụy trang các mối quan hệ chính thức với các nhóm được Iran hậu thuẫn ở nước ngoài để thành lập Bộ Tình báo, Lữ đoàn Badr ở Iraq. Sau chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), sự cạnh tranh quyền lực giữa IRGC và Bộ Tình báo và Lữ đoàn Badr gia tăng. Các hoạt động chống lại các đối thủ chính trị của Iran ở nước ngoài, bao gồm ám sát các nhà lãnh đạo về cơ bản được giao cho Bộ Tình báo.
Kiểm soát và quản lý các nhóm đồng minh không phải Iran được cho là trao cho IRGC. Tất cả các nhóm nhỏ khác được sáp nhập và Lực lượng Quds được thành lập, mặc dù trong nhiều năm, nó không được thảo luận công khai. Lúc này, chỉ huy của IRGC là Ahmad Vahidi được chỉ định là chỉ huy đầu tiên của lực lượng Quds.
Sự lên ngôi của Qasem Soleimani
Qasem Soleimani đã thay thế vị trí của Ahmad Vahidi trong Lực lượng Quds năm 1997. Đơn vị này sớm phát triển và mở rộng ảnh hưởng cả trong lẫn ngoài nước.
Là một trong những chỉ huy IRGC yêu thích của Đại giáo chủ Ali Khamenei, Tướng Qasem Soleimani nhanh chóng tự khẳng định mình là một nhân vật quyết định. Ông chia lực lượng Quds thành các bộ phận riêng biệt dựa trên các quốc gia nơi nó hoạt động. Mỗi bộ phận có một chỉ huy chịu trách nhiệm trước Qasem Soleimani.
Đồng thời, vị tướng này cũng tạo ra 5 chi nhánh mới của lực lượng Quds với các chỉ huy riêng biệt, bao gồm Tình báo, Tài chính, Chính trị, Phá hoại và Hoạt động đặc biệt. Họ đã tương tác với nhau dưới cái gọi là Hội đồng chỉ huy với Qasem Soleimani. Lực lượng Quds và các chỉ huy đơn vị hầu như tránh lộ diện cho đến khi cuộc nội chiến nổ ra ở Syria vào năm 2011.
Mô tả Syria cung cấp cho Iran "chiều sâu chiến lược", Tướng Qasem Soleimani cuối cùng đã thuyết phục được Đại giáo chủ Ali Khamenei can thiệp ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Các báo cáo cho thấy rằng hàng ngàn thành viên của Lực lượng Quds và các chiến binh Shiite được đào tạo đã đổ vào Syria để chiến đấu chống lại lực lượng chống đối ở Syria.
Khoảng nửa cuối năm 2012, Tướng Qasem Soleimani đã đích thân đảm đương quản lí sự can thiệp của Iran vào nội chiến Syrian. Ông phối cuộc chiến từ một căn cứ trong thủ đô Damascus. Dexter Filkins, một chuyên gia về an ninh ở Trung Đông phân tích, hàng ngàn binh sĩ Quds và chiến binh Hồi giáo Shiite đã có mặt trên khắp mảnh đất Syria.
Việc chiếm lại Qusayr trong tháng 5/2013 từ lực lượng nổi loạn và Mặt trận Al-Nursa là, theo John Maguire, một cựu nhân viên CIA tại Iraq, là được bố trí bởi Tướng Qasem Soleimani.
Thiếu tướng Hossein Hamadani, cựu phó chỉ huy lực lượng Basij, đã giúp đỡ để vận hành lực lượng dân quân không chính quy. Tướng Qasem Soleimani còn giúp Syria thành lập Lực lượng phòng vệ quốc tế (NDF) trong năm 2013 và thành lập hóa liên minh của những nhóm ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tướng Qasem Soleiman còn nhận được sự tin tưởng cao trong tầng lớp lãnh đạo Syria cho chiến lược giúp đẩy lùi dứt khoát những lực lượng nổi loạn và chiếm lại các thành phố và thị trấn quan trọng. Và dưới sự giám sát trực tiếp của ông, các chuyên gia của Lực lượng Quds đã bắt đầu huấn luyện cả các chiến binh Hồi giáo dòng Shiite đến từ Afghanistan và Pakistan để chiến đấu ở Syria.
Chưa hết, từ năm 2015, Tướng Qasem Soleimani đã bắt đầu tập hợp ủng hộ từ nhiều người khác nhau để chiến đấu chống lại IS và đẩy lùi nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan, giành lại quyền kiểm soát ở nhiều khu vực lãnh thổ rộng lớn tại Syria. Ông còn được cho là kiến trúc sư chính trong việc lôi kéo sự can thiệp của Nga vào Syria. Hãng Reuters đưa tin, tại một cuộc họp ở thủ đô Moscow của Nga, Tướng Qasem Soleimani đã giăng một bản đồ của Syria để giải thích với giới chức Nga về một loạt thất bại của Tổng thống Bashar al-Assad và cách biến chúng thành chiến thắng với sự giúp đỡ của Nga.
Chuyến thăm Moscow năm đó của Tướng Quasem Soleimani là bước đi đầu tiên trong kế hoạch cho quân đội Nga can thiệp, tái định hình lại thế trận chiến tranh ở Syria và tạo dựng một liên minh mới Iran - Nga trong việc ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Một cựu đặc vụ Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã miêu tả Tướng Qasem Soleimani như một nhà chiến lược và chiến thuật quân sự chính của Iran trong nỗ lực chiến đấu chống lại ảnh hưởng Tây phương và đẩy mạnh, mở rộng ảnh hưởng của Iran tới khắp Trung Đông.
Và tân chỉ huy của Quds
Chủ trì lễ tang và đọc lời cầu nguyện trước linh cữu Tướng Qasem Soleiman, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Khamenei tuyên bố “đòn trả đũa tàn khốc đang chờ những kẻ giết hại Tướng Soleimani”. Tướng Esmail Ghaani, người kế nhiệm chỉ huy lực lượng Quds cũng khẳng định sẽ có những hành động cụ thể trả thù cho Tướng Qassem Soleimani.
Tiến sĩ Aniseh Bassiri Tabrizi, một nghiên cứu viên khác tại Viện Dịch vụ Hoàng gia nhận định: “Cái chết của Tướng Qasem Soleimani không có khả năng làm gián đoạn hoạt động của Iran và lực lượng Quds. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng những lo lắng về việc liệu người kế nhiệm là Tướng Esmail Ghaani có thể tổng hòa các mối quan hệ rắc rối mà Quds đang có hay không? Qasem Soleimani chắc chắn là người rất giỏi trong việc quản lý các mối quan hệ đó. Còn với Esmail Ghaani, thời gian sẽ là câu trả lời”.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quân sự, Tướng Esmail Ghaani có kinh nghiệm quân sự tương đương với Tướng Qasem Soleimani. Ông đã phục vụ ở nhiều vị trí khác nhau trong cuộc chiến giữa Iran và Iraq những năm 1980. So với người tiền nhiệm, Tướng Esmail Ghaani được đánh giá là khá dè dặt, kín tiếng nhưng khi ông nói chuyện công khai, “nó có xu hướng một kịch bản”.
Và do có thời gian dài phục vụ trong đơn vị phản gián nên Tướng Esmail Ghaani cũng có một mối quan hệ cá nhân tốt với Đại giáo chủ Ali Khamenei. Điểm khác biệt duy nhất là trong khi Tướng Qasem Soleimani rất tập trung vào Iraq, Syria và Lebanon thì Tướng Esmail Ghaani lại làm việc chủ yếu ở Afghanistan và Pakistan, nghĩa là ông có phong cách lãnh đạo hoàn toàn khác.