Bí mật 'miếng bọt biển' khiến Tử Cấm Thành chưa từng ngập lụt
Ngoài giá trị lịch sử, Tử Cấm Thành - cung điện của nhà Minh và nhà Thanh thời phong kiến Trung Quốc - còn gây kinh ngạc bởi thiết kế hệ thống thoát nước giúp công trình này chưa một lần bị lụt lội trong lịch sử hơn 600 năm dù thành Bắc Kinh đã nhiều lần ngập lụt, thậm chí từng sụp đổ một lần.
Được biết, trong quá trình xây dựng Tử Cấm Thành, những người thợ đã thiết kế một hệ thống thoát nước tương đối hoàn chỉnh, bao gồm tổ hợp các yếu tố địa hình bề mặt và dưới lòng đất, bên trong và bên ngoài. Tử Cấm Thành được quy hoạch dốc nghiêng theo địa hình tự nhiên cao ở phía bắc, thấp ở phía nam, lợi dụng địa thế núi sau, sông trước để tránh ngập.
Công trình thoát nước của Cố cung được chia thành những mương nổi và mương chìm. Nước mưa trong Tử Cấm Thành thông qua 3 con đường thoát nước là từ mái nhà chảy xuống mặt đất, từ mặt đất chảy vào mương ngầm, sông Kim Thủy, sông Đồng Tử, cuối cùng thông ra sông Huệ Hà. Ngoài ra, Tử Cấm Thành được thiết kế khả năng thoát nước tối ưu đến từng viên gạch lát.
Bên dưới lớp gạch đá xanh lát sân Tử Cấm Thành là một lớp đất rất dày, có thể hấp thụ được một lượng nước lớn được ví như "miếng bọt biển khổng lồ" dưới lòng đất. Nhiều điểm thoát lũ cũng được bố trí bên ngoài mỗi cung điện và chạm khắc hình đầu rồng. Khi trời mưa, hàng nghìn chiếc đầu rồng này đồng loạt phun nước chảy xuống các con kênh nhỏ rồi và đổ về sông Kim Thủy.
(*) Nguồn: Dân Trí
Thực hiện : Mai Phương