Bí mật nhà thờ đá gần 130 tuổi 'độc' nhất Việt Nam
Trải qua bao thăng trầm, sau gần 130 năm tồn tại, Nhà thờ Lớn Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình) vẫn đứng đó sừng sững, uy nghi. Ít người biết được rằng, có những bí mật được 'cất giữ' hàng trăm năm nay về quá trình xây dựng và phục dựng Nhà thờ đá 'độc' nhất Việt Nam này.
Kiệt tác…
Theo quốc lộ 1A từ Thanh Hóa ra (60km) hay từ Hà Nội vào (95km), đến TP Ninh Bình, rẽ phía Đông Nam đi theo đường số 10 được 28 km là du khách tới thị trấn Phát Diệm. Nhà thờ Phát Diệm tọa lạc trên vùng đất huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, là một công trình kiến trúc nghệ thuật kiểu phương Đông nổi tiếng không những trong nước mà cả nước ngoài. Công trình làm hoàn toàn bằng đá và gỗ lim này được mệnh danh là "kinh đô Công giáo Việt Nam".
Ngôi thánh đường cổ kính gần 130 năm tuổi này được chủ trì xây dựng bởi linh mục Phêrô Trần Lục, còn gọi là cụ Sáu (1825-1899), vị linh mục chính xứ Phát Diệm từ năm 1965. Công trình được xây dựng trong khoảng 30 năm này độc đáo ở chỗ mặc dù là công trình Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam với vô số mái cong hình mũi thuyền.
Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm Nhà thờ Lớn và 5 nhà thờ nhỏ, Phương Đình, ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. Trong quần thể nhà thờ, Phương Đình được coi là kiệt tác. Đứng ở sân rộng phía Nam mà ngắm, ta có cảm tưởng đang đứng trước một cái gì đó rất đồ sộ vững chắc đồng thời hoàn hảo về mặt kiến trúc. Phương Đình có nghĩa là nhà vuông, hình dáng như cái đình làng rộng lớn mà trống trải, chiều ngang 21 m, cao 25 m, gồm 3 tầng.
Tầng dưới lớn nhất, xây hoàn toàn bằng đá xanh vuông vắn, chia thành ba lòng, trong mỗi lòng có một sập đá. Tầng trên cùng của Phương Đình có quả chuông Nam cao 1,9m, nặng gần 2 tấn. Chuông có 4 núm: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hơn 100 năm nay, sáng chiều tiếng chuông vẫn ngân vang, âm thanh vọng đi xa, có khi đến 10km. Từ tầng cao nhất này, khách có thể nhìn thấy bao quát chung quanh, xa hơn có thể đếm được 20 nóc nhà vùng Kim Sơn, xa hơn nữa vào những ngày đẹp trời có thể thấy biển ở phía Nam và núi ở phía Tây.
Tiếp đến, Nhà thờ Lớn được cất lên năm 1891 chỉ trong vòng 3 tháng nhưng công việc chuẩn bị là sắm sửa vật liệu và trị chân móng đã kéo dài cả 10 năm trước đó. Đây là điều không phải ai cũng biết. Về vật liệu, gỗ thì được lấy từ Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn Tây. Đá được lấy từ núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30km, đá quý hơn lấy ở núi Nhồi gần tỉnh lỵ Thanh Hóa, cách 60km.
Có những cây gỗ nặng 7 tấn, những phiến đá nặng những 20 tấn đã được vận chuyển bằng những phương tiện thô sơ từ hồi cuối thế kỷ XIX. Gỗ đá ấy cứ chất lên bè mảng chở về, tới nơi chờ nước thủy triều lên, thì kéo lên bến, từng trăm bè nối đuôi nhau mà vào. Để tính độ lún của đất, cụ Sáu đã xây hang Belem trước rồi mới trị chân móng Nhà thờ.
Phát Diệm xưa vốn là vùng biển được phù sa bồi đắp, nền đất yếu khiến cụ Sáu đã phải cho nhân công đóng xuống hàng triệu cọc tre và hàng nghìn khối đất đá mới đặt được nền móng vững chắc cho công trình tầm cỡ này. Ở hai bên Nhà thờ Lớn, Cụ Sáu đã xây bốn nhà thờ cạnh, mỗi bên hai nhà thờ. Do đó, Nhà thờ Lớn được ví như một “bà chúa ngự giữa các cung phi mỹ lệ”.
Trong hệ thống 5 nhà thờ nhỏ ở Phát Diệm, một nhà thờ độc đáo nhất, được làm hoàn toàn bằng đá có tên là Trái tim Đức Mẹ. Công trình được cụ Sáu cho xây đầu tiên trong cụm di tích này. Nhà thờ dài 15,3 m, rộng 8,5m, cao 6 m. Hầu hết nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp hay bàn thờ đều bằng đá, do đó người Phát Diệm quen gọi là Nhà thờ Đá. Toàn bộ phần mộc, nội thất nhà thờ và các bức vách hai bên được làm bằng gỗ lim thân lớn. Lợp mái là ngói mũi hài, loại ngói truyền thống ở các đình chùa.
Bom đạn không thể tàn phá!
Gần 130 năm đã trôi qua, công trình kiến trúc này phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh. Năm 1953, súng đại bác của Pháp đã bắn trúng vào gian cuối phía Đông làm gẫy một tầu mái là phiên gỗ lim lớn. Năm 1972, máy bay Mỹ đã thả một chuỗi 8 quả bom suốt từ Nhà Chung ra ao hồ mạn đàng Tây, trong số đó có 4 quả khoét những hố sâu.
Một quả rơi trúng sân đường kiệu Nhà thờ Lớn về phía Tây. 56 cánh cửa hai bên Nhà thờ thì vỡ hết 52 cánh, còn lại 4 cánh. Đứng trước quang cảnh ấy, ai cũng đau lòng. Thế nhưng, trong chuỗi 8 quả bom đó ném từ Nhà Chung đến bờ hồ nếu bom cứ hướng theo quả thứ nhất thì những quả sau sẽ rơi trúng Nhà thờ Lớn và Phương Đình. Ấy thế nhưng bom cứ rơi lệch vào chỗ trống. Và do đó, người Phát Diệm tin rằng, có bàn tay che chở nên công trình của cha ông được giữ lại cho hậu thế, bom đạn không thể tàn phá được.
Nay, du khách đến thăm vãn có thể thấy Phương Đình và Nhà thờ Lớn với mái cong cổ kính và duyên dáng như xưa. Nhưng khách khó hình dung được sự công phu của quá trình phục dựng, mấy trăm người thợ vất vả trong năm năm trời đã tỉ mỉ tháo dỡ toàn bộ mái xem xét từng mộng gỗ, thay từng phiến đá, từng cây xà chiếc hoành… bằng phương pháp thủ công.
Các nhà thờ phần lớn bằng gỗ, một vật liệu rất dễ bị hư hại. Do đó, người Phát Diệm nói riêng và người Ninh Bình nói chung đang được trao cho một trách nhiệm lớn là phải gìn giữ, trùng tu nhà thờ theo đúng nguyên trạng, tức bảo toàn một di sản văn hóa dân tộc.
Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Tỉnh Ninh Bình và các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Unesco công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới.