Bí mật quan tham Trung Quốc 'nhúng chàm' nhưng bị xử nhẹ tới khó tin
Dù bị điều tra tham nhũng, ông Lưu không không bị khai trừ khỏi Đảng mà chỉ chịu các hình phạt mà theo các chuyên gia là nhẹ tới khó tin.
Trước khi rơi vào tầm ngắm của các cuộc điều tra tham nhũng vào tháng 5, Lưu Sĩ Dư, cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Quốc gia Trung Quốc là cái tên không xa lạ trên các mặt báo.
Trong 3 năm nắm quyền tại Ủy ban Chứng khoán quốc gia từ 2016-2019, Lưu hô hào chiến dịch "đuổi cùng, giết tận" các hành vi mà ông gọi là "man rợ, ác quỷ, sinh vật gian ác hoặc cá sấu tài chính" trên thị trường chứng khoán.
Đầu tháng này, Lưu tiếp tục phủ kín các mặt báo, nhưng với tư cách là đối tượng điều tra của cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu đất nước. Bản án đối với Lưu khiến nhiều người bất ngờ. Ông không phải ra hầu tòa, cũng không bị khai trừ Đảng.
Theo SCMP, đây là một hình phạt rất nhẹ so với các trường hợp bị điều tra tham nhũng trước đây và không thuyết phục với công chúng.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC), siêu cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc cho biết, Lưu từng nhận quà và tiền đổi lấy các quyết định có lợi cho các đối tượng biếu xén mình trong quá trình làm việc.
NSC khẳng định hành vi sai trái của Lưu vi phạm nghiêm trọng các luật liên quan nghĩa vụ. Nhưng do hợp tác với các nhà điều tra, thành khẩn khai báo, thú nhận hành vi, Lưu được hưởng khoan hồng.
Hình phạt với Lưu là bị buộc thôi chức phó bí thư đảng ủy Liên đoàn hợp tác xã Cung ứng và tiếp thị toàn quốc (ACFSMC), tổ chức kinh tế điều phối sản xuất và phân phối nông sản của Trung Quốc.
Tuyên bố của NSC không nói Lưu vi phạm luật hình sư, tức là ông này sẽ không phải ngồi tù. Lưu chỉ bị quản chế 2 năm trong đảng và không bị khai trừ.
Một điểm khác thường nữa trong trường hợp của Lưu là hình phạt được Bộ Chính trị thông qua đầu tiên, điều chưa từng được công khai trong các cuộc điều tra tương tự với các quan chức cấp bộ trưởng.
Qin Qianhong, Giáo sư luật Đại học Vũ Hán cho rằng do NSC cung cấp rất ít thông tin về trường hợp của Lưu, không rõ mức độ tham nhũng của ông này nghiêm trọng tới mức nào.
"Chúng ta không biết được lượng tiền hay giá trị quà tặng mà ông ta đã nhận nên không thể xác định ông ta có vi phạm luật hình sự không. Công chúng cũng không có cách nào để biết được những diễn đạt trong thông cáo chính thức có phải là sự thực hay không", ông Qin nói.
Theo Qin, nếu án của Lưu bị đóng lại và ông này được tha bổng dù tham nhũng một số tiền lớn và phạm tội hình sự, công chúng sẽ nảy sinh bất mãn.
Trong khi đó, James Zimmerman, đối tác của công ty luật quốc tế Perkins Coie tại Bắc Kinh cho rằng trường hợp của Lưu có thể gửi thông điệp sai đến thị trường tài chính và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều người sẽ tin rằng dù phạm luật, chi cần thú tội để hưởng khoan hồng.
"Quyết định trong trường hợp này phản ánh sự xói mòn của luật pháp, trong đó công lý cần được thực thi một cách công bằng và công minh, bất kể sự giàu có, quyền lực hay liên kết chính trị", ông James nói.
Trong 2 năm qua, các trường hợp tương tự như Lưu từng bị xử phạt nặng tay hơn rất nhiều.
Tần Quang Vinh, cựu Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vân Nam dù ra đầu thú vẫn bị khai trừ khỏi đảng và bị truy tố với các tội danh tham nhũng. Ngải Văn Lễ, cựu Phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ra đầu thú vào tháng 7/2018 bị tuyên án 8 năm tù trong phiên xử tháng 4 năm nay.
Zhuang Deshui, phó giám đốc Trung tâm Chính phủ sạch của Đại học Bắc Kinh nhận định Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể dùng trường hợp của Lưu để khuyến khích các quan chức tham nhũng hợp tác với cơ quan điều tra.
"Điều này vừa bất ngờ vừa không, Cơ quan chống tham nhũng đã cố gắng không bỏ tù tất cả quan chức có vấn đề, tùy thuộc vào bản chất của vụ án và mức độ mà họ hợp tác. Nó có thể được xem là ví dụ về việc thú tội để đổi lấy khoan hồng", Zhuang cho hay.