Bí mật 'sàn chứng khoán'của cướp biển Somali
Bắt đầu từ năm 2009, thị trấn Harardhere, tỉnh Mudug, bang Galmudug, Somali, 'cái nôi' của những kẻ làm nghề cướp biển đã hình thành một 'thị trường chứng khoán', mở cửa 24/24 giờ mỗi ngày và 7 ngày trong tuần. Đây là nơi mà lợi nhuận được đánh giá là cao nhất thế giới bởi lẽ nếu ai đó chỉ mua 1 'cổ phiếu' giá 10 USD thì vài tháng sau có thể thu về 1.000 USD…
1. Một ngày đầu tháng 3-2020, Abdirahman Ali, thợ thủ công ở thủ đô Mogadishu nhưng đã chuyển về thị trấn Harardhere sinh sống từ hơn 5 năm trước, quyết định đến trụ sở của “sàn chứng khoán Harardhere”.
Mang theo 1.500 USD tiền mặt, Abdirahman Ali dự tính sẽ đầu tư vào cổ phiếu của nhóm cướp biển Musa - là một trong 72 nhóm cướp biển đặt căn cứ tại Harardhere, hoạt động ở Ấn Độ Dương và Vịnh Aden. Abdirahman Ali cho biết sở dĩ ông mua cổ phiếu của nhóm Musa là vì qua theo dõi, ông thấy nhóm này đã thực hiện thành công 4 vụ cướp tàu hàng trong năm 2019, kiếm được gần 70 triệu USD tiền chuộc. Một người quen với ông cũng trong năm đó đã mua 2.000 USD cổ phiếu của nhóm Musa rồi đến cuối năm, anh ta nhận “cổ tức” 45.000 USD!
Trụ sở của “sàn chứng khoán Harardhere” là một căn nhà nhỏ, tường gạch, mái lợp lá dừa. Ngay trước cửa ra vào là tấm bảng sơn xanh, chữ trắng “Dalsan Bank - Ngân hàng Dalsan”. Khi Abdirahman Ali đến, đã có khoảng 30 người chờ đến lượt mình giao dịch. Ông nói: “Mất gần 1 tiếng, tôi mua được 150 cổ phiếu của Musa, giá mỗi cổ phiếu là 10 USD. Nếu họ làm ăn khá, tôi hy vọng nó sẽ sinh lợi thành vài chục nghìn”.
Abdirahman Ali chỉ là một trong những người Somali ở thị trấn Harardhere và một số nơi khác, bỏ tiền đầu tư cho bọn cướp biển. Từ năm 2009 trở về trước, dù nằm cách thủ đô Mogadishu chưa đầy 400 km nhưng thị trấn hầu như bị lãng quên bởi lẽ Chính phủ Somali khi ấy chỉ quan tâm đến việc dập tắt sự bành trướng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nên ngân sách dành cho Harardhere trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng…, bị cắt giảm. Hệ quả là mọi cơ hội giao thương với bên ngoài hầu như dậm chân tại chỗ, dẫn đến tình trạng “nghề cướp biển” được xem là phương pháp chủ lực để kiếm tiền.
Thoạt đầu, những nhóm cướp biển cần tiền và vật dụng để mua sắm, trang bị cho những chiếc thuyền cao tốc của họ nên họ chấp nhận tất cả những thứ có thể phục vụ đắc lực cho việc cướp tàu. Khi ấy, sau mỗi vụ cướp thành công rồi khi nhận được tiền chuộc từ chủ tàu, nhóm cướp biển sẽ chia tiền chuộc thành nhiều phần, phần nào dành cho nhiên liệu, thực phẩm, phần nào để tu bổ, sửa chữa tàu, mua sắm thêm trang thiết bị, phần nào chia cho các thuyền viên.
Cuối cùng phần còn lại được dùng để chi trả cho các “cổ đông” đã mua “cổ phiếu”. Chả thế mà một phụ nữ tên là Sahra Ibrahim, 22 tuổi, có chồng tham gia phiến quân Hồi giáo cực đoan bị bắn chết, đã mang khẩu súng phóng lựu RPG-7 (B-40) của chồng, giá thị trường chợ đen lúc ấy là 2.500 USD, giao cho nhóm Musa, xem như “cổ phần”. Sau 4 tháng, Shara Ibrahim được chia 75.000 USD!
Các “cổ đông” chờ trước trụ sở “sàn chứng khoán” Haradheere để nhận “cổ tức”.
Những năm tiếp theo, khi đã “ăn nên làm ra”, số tiền chuộc mà các nhóm cướp biển ở Harardhere kiếm được đã lên đến hàng trăm triệu USD nhưng hình thức “cổ phiếu” vẫn được duy trì với những phương pháp quy củ, hiện đại hơn. Phụ trách sàn giao dịch này là Mohammed Hassan Abdi, biệt danh “Afweyne” hay “Big Mouth”. Được biết đến như cha đẻ của nghề cướp biển ở Somali, Abdi và con trai là Abdiqaadir thay mặt 72 nhóm cướp biển trong việc bán “cổ phiếu”, chia lợi nhuận cho “cổ đông”, định giá các khoản tiền chuộc.
Hoạt động cướp biển đã thay đổi thị trấn Harardheere từ một làng chài nhỏ thành một khu vực đông đúc và sầm uất với những chiếc xe hơi sang trọng, những cửa hàng bán tàu cao tốc, dụng cụ đi biển, xăng dầu, phụ tùng động cơ, những cửa tiệm chuyên kinh doanh điện thoại vệ tinh, hệ thống định vị GPS cùng những nhà hàng cao cấp nhưng cái trụ sở xập xệ, tồi tàn của Dalsan Bank thì vẫn giữ nguyên vẻ bề ngoài.
Trong cuộc tiếp xúc hiếm hoi với một phóng viên của hãng tin Reuters, “ông trùm chứng khoán” - cướp biển Mohammed Hassan Abdi đã không ngần ngại nói rằng thoạt đầu thị trấn Harardheere chỉ có 12 nhóm cướp biển núp dưới mỹ danh “công ty hàng hải” thì nay đã tăng lên 72 công ty.
Chưa hết, Mohammed Hassan Abdi còn cho phép phóng viên Reuters chụp ảnh những “nhà đầu tư” đang chờ đợi để nhận “cổ tức” khi nhóm cướp biển Taij thu được 3,3 triệu USD tiền chuộc trong vụ cướp con tàu đánh cá ngừ Alakrana quốc tịch Tây Ban Nha.
Mohammed Hassan Abdi nói: “Mặc dù hiện nay các công ty hàng hải của chúng tôi đã đủ điều kiện để tự hoạt động nhưng chúng tôi vẫn muốn chia sẻ lợi nhuận cho cộng đồng. Với 70 hình thức cổ phiếu, bạn có thể đầu tư bằng nhiều cách, chẳng hạn như tiền mặt hoặc 1 khẩu súng, 1 thùng dầu, 1 hộp lương khô đi biển… Tất cả đều được quy ra giá trị cụ thể rồi nếu việc làm ăn thành công, bạn sẽ nhận được số tiền tương ứng với cái mà bạn đã giao cho công ty…”.
Một báo cáo của Phòng Thương mại quốc tế Mỹ cho thấy sàn giao dịch chứng khoán cướp biển sinh lời đến mức nó không những thu hút những nhà đầu tư nội địa, mà cả những tổ chức “tài chính đen” ở nước ngoài. Mặc dù tỉ lệ rủi ro khi những “công ty hàng hải” ở thị trấn Harardheere tiến hành những vụ cướp là rất lớn, chẳng hạn như bị bắt, bị dẫn độ rồi ra tòa với án tù hàng chục năm, thậm chí bị giết nếu xảy ra đấu súng với những lực lượng chống cướp biển của các quốc gia phương Tây, nhưng điều đó không làm các “công ty hàng hải” chùn bước.
Nhóm cướp biển Somali sau khi chiếm được một tàu buôn.
2. Theo phóng viên của hãng tin Reuters, mỗi vụ cướp đều được các “công ty hàng hải” ở Haradheere tiến hành với cùng một quy trình. Đầu tiên, vài chiếc thuyền đánh cá mỏng manh, vô hại, lảng vảng ở ngoài khơi.
Khi phát hiện một tàu buôn nước ngoài, ngư dân trên thuyền sẽ dùng điện thoại vệ tinh gọi về cho “công ty hàng hải”, nơi họ có “cổ phần” để báo tên tàu cùng hướng đi của nó. Đến lúc này, mạng Internet mới bộc lộ mặt trái của nó. Bằng cách vào những trang web đăng ký hàng hải, bọn cướp biển hoàn toàn có thể biết được con tàu đó mang quốc tịch nào, do ai sở hữu. Nếu thấy đó là miếng mồi béo bở, “công ty” sẽ ra lệnh xuất phát.
Những chiếc thuyền cao tốc mà cướp biển sử dụng có tốc độ nhanh gấp 2 hoặc 3 lần tốc độ tàu buôn. Mỗi thuyền có từ 4 đến 6 tên, trang bị súng tiểu liên AK và súng phóng lựu RPG-7 cùng lương thực, nhiên liệu đủ dùng cho 7 ngày. Mỗi vụ cướp thường có 2 thuyền, đôi khi là 3 thuyền tham gia nếu là tàu container tải trọng lớn.
Khi đã tiếp cận tàu, 2 thuyền cao tốc chia ra hai bên ở phía đuôi tàu rồi nổ súng thị uy để bắt tàu phải dừng lại. Tiếp theo, bọn cướp biển ra hiệu cho tàu thả thang xuống. Nếu thuyền trưởng tàu buôn chống trả bằng cách dùng vòi chữa cháy để đẩy đuổi chúng, chúng sẽ bắn thẳng vào tàu nhưng hầu hết các tàu đều không dám phản ứng vì họ sợ những khẩu súng phóng lựu RPG-7, nhất là với những tàu chở dầu.
Khi đã lên được tàu, bọn cướp biển dồn tất cả thuyền viên vào một ca bin, chỉ để lại thuyền trưởng, thợ máy và hoa tiêu. Nhìn chung thì chúng đối xử với con tin khá tốt vì họ là món hàng đắt giá nhất. Phóng viên của hãng Reuters nói: “Rất ít khi cướp biển giết con tin hoặc đánh đập họ ngoại trừ trường hợp họ sử dụng vũ lực để chiếm lại tàu”.
Tiếp theo, chúng yêu cầu thuyền trưởng đưa tàu về vùng biển Haradheere neo đậu rồi tiến hành thương thuyết với chủ tàu. Việc thương thuyết có thể kéo dài trong nhiều tháng nhưng càng kéo dài thời gian, số tiền chuộc cũng tăng lên với lý do “phải nuôi những người bị bắt”. Ngoài hàng hóa, tiền chuộc mỗi con tin trung bình là 4 triệu USD dựa trên các hợp đồng bảo hiểm vận chuyển.
Theo Phòng Thương mại quốc tế Mỹ, nạn cướp biển đã khiến chi phí thương mại đường biển tăng thêm 12 tỷ USD mỗi năm. Chỉ riêng ở Somalia, từ năm 2019 đến nay vẫn còn hơn 20 tàu buôn và 400 thuyền viên bị giam giữ chờ chủ tàu nộp tiền chuộc. Trước đó, trong các năm từ 2011 đến 2019, số tàu bị cướp trên toàn thế giới là 1.079 chiếc, 1/3 do các nhóm cướp biển Somali thực hiện.
Giải thích về điều này, Stig Jarle Hansen, chuyên gia vùng Sừng Châu Phi tại Viện Nghiên cứu hàng hải Na Uy nói: “Sau khi Chính phủ Somalia sụp đổ vào năm 1991, việc kiểm soát lãnh hải bị buông lỏng, dẫn đến nhiều đội tàu đánh cá nước ngoài xem vùng biển Somali là ngư trường tự do. Cùng lúc đó, hàng hóa xuất nhập khẩu từ Châu Á sang châu Âu và ngược lại trên những tàu container thường xuyên đi qua trước mắt ngư dân, cộng với nạn đói, thất nghiệp đã khiến một số họ trở thành cướp biển…”.
Một góc thị trấn Haradheere hiện nay.
Để chống lại nạn cướp biển, một số các quốc gia như Mỹ, Cộng đồng chung Châu Âu (EU) đã đề ra nhiều biện pháp như thành lập những đội tàu phản ứng nhanh, thường xuyên tuần tra trên những vùng biển hay xảy ra cướp, giám sát tàu buôn bằng máy bay không người lái, bằng vệ tinh và bằng cả những đặc vụ chìm người bản xứ hoạt động ngay trong hang ổ của bọn cướp biển.
Điều này đã làm giảm đáng kể những vụ cướp nếu tính từ đầu tháng 7-2020 đến nay. Tuy nhiên, việc giảm những vụ cướp lại khiến số tiền chuộc tăng lên vì theo lời “ông trùm chứng khoán” - cướp biển Abdi: “Một số cổ đông lớn đang muốn rút vốn ra khỏi các công ty hàng hải vì họ nhận thấy ngày càng có nhiều rủi ro cao, chưa kể danh tính của vài cổ đông đã bị Interpol nhận diện”.
Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là tại sao Chính phủ Somali lại không có phản ứng quyết liệt với nạn cướp biển, và vì sao phương Tây lại không tiến hành những hoạt động nhằm tiêu diệt tận gốc như họ đã từng làm với các tổ chức khủng bố trên thế giới thì câu trả lời là chính phủ của Tổng thống Sheikh Sharif Ahmed, người được phương Tây hậu thuẫn đang phải chật vật đối phó với các nhóm Hồi giáo cực đoan. Quân đội Somali chỉ có thể kiểm soát thủ đô Mogadishu và một số khu vực lân cận nhưng hoàn toàn không có chút ảnh hưởng nào tại Haradheere, nơi cướp biển chi phối mọi hoạt động.
Một quan chức ở Haradheere nói: “Việc kinh doanh liên quan đến cướp biển đã trở thành hoạt động kinh tế mang lại lợi nhuận chính tại khu vực của chúng tôi và người dân địa phương sống phụ thuộc vào các vụ cướp”. Theo quan chức này, chính quyền địa phương thu phần trăm từ số tiền chuộc các tàu bị bắt cóc và khoản tiền đó được chi cho các dự án cơ sở hạ tầng gồm cả bệnh viện lẫn trường học.
Với Mỹ và EU, việc giải cứu con tin bằng các biện pháp vũ lực vấp phải những vấn đề nan giải. Những cuộc đột kích ấy phải được sự đồng ý của các quốc gia, nơi có công dân của họ đang bị giam giữ, cũng như sự đồng ý của chủ tàu lẫn công ty vận tải biển, nơi đang quản lý con tàu vì họ sợ người của họ sẽ bị cướp biển giết chết, tài sản của họ sẽ bị phá hủy. Chưa kể nếu có cứu được con tin chăng nữa thì cũng không một lực lượng nào có thể cứu được luôn cả tàu.
Vì thế, theo Stig Jarle Hansen, chuyên gia vùng Sừng Châu Phi, chừng nào mà Chính phủ Somali chưa kiểm soát được toàn bộ đất nước thì chừng ấy “thị trường chứng khoán” Haradheere vẫn tiếp tục tăng trưởng.