Bí mật tình báo Mỹ bị tuồn cho Đức Quốc xã như thế nào?
Georg Nicolaus là đại úy quân đội kiêm chủ ngân hàng Đức đã từng có thời gian làm việc tại Colombia (Nam Mỹ), ông là ứng viên hoàn hảo để thành lập mạng lưới Mỹ Latinh nhằm do thám Mỹ trong thời Thế chiến II. Thời kỳ đó xứ Colombia là căn cứ quan trọng cho Đức Quốc xã (ĐQX): nguồn cung cấp bạch kim cho các ngành công nghiệp thời chiến.
Bạch kim được tuyên bố là vật liệu chiến lược trong thời Thế chiến II, thứ kim loại quý này có nhiều công dụng khác nhau. Ngày hôm nay nó được dùng trong các bộ chuyển đổi xúc tác và chế tác đồ trang sức, nhưng trong thời Thế chiến II, bạch kim dùng để chế tạo động cơ máy bay nhiệt độ cao vì điểm nóng chảy của bạch kim lên tới 1768.4oC) và vị trí chiến lược nằm kế cạnh kênh đào Panama, cũng là nơi ở của 5.000 kiều dân Đức.
Mexico cũng có vị trí lý tưởng để do thám gã hàng xóm phương Bắc. Ít nhất 50 điệp viên ĐQX đã hoạt động ở biên giới Mỹ - Mexico hồi đầu thập niên 1940, bao gồm 3 tổ chức gián điệp nằm vùng ở Berlin, Hamburg và Cologne. Năm 1939, Georg Nicolaus được biệt phái tới Mexico để thu thập thông tin tình báo về các nỗ lực chiến tranh của Mỹ trong việc phân phối gián điệp trên khắp Nam Mỹ và Âu Châu. Trong vòng 1 năm, Nicolaus đã giám sát tổ chức gián điệp lớn nhất trong số 3 nhóm. Bằng cách sử dụng các bí danh “Max” và “Enrique López”, Nicolaus đã phát triển một mạng lưới rộng khắp bao gồm cả Arnold Karl Franz Joachim Ruge - một điệp viên đã tạo ra Microdot, hiểu nôm na là một dạng công cụ tí hon dùng để truyền tải một lượng lớn các thông tin tình báo.
Chẳng hạn như Microdot số 357 đã thông tin cho ĐQX rằng Mỹ đã nắm được nguồn tình báo về các chiến cơ của Đức. Sau vụ Trân Châu Cảng, Max đã gửi 2 lá thư khác mang theo các Microdot tới Berlin nhằm báo cáo về hình thái cuộc tấn công sắp tới của Hải quân Hoa Kỳ ở Nam Thái Bình Dương và Bắc Nhật Bản, cùng với tên những thiết giáp hạm đi qua kênh đào Panama và trực chỉ Thái Bình Dương.
Búp bê Microdot
Quá trình sử dụng Microdot có tính kỹ thuật cao. Các điệp viên sẽ chụp ảnh tình báo và sử dụng các ống kính đặc biệt nhằm sao chép hình ảnh, giảm kích thước và in thông tin lên phim độ nhạy cao. Liền đó các bức ảnh có thể giảm kích cỡ bằng dấu chấm ở cuối câu. Một số Microdot (chấm siêu nhỏ) nằm giấu ở nơi dễ thấy, chúng được thêm vào thư từ gửi đến những “hộp thư chết”: một dạng địa chỉ đóng vai trò là vùng đệm giữa các điệp viên và trụ sở tình báo Đức. Các điệp viên cũng mang Microdot sang Châu Âu ngay trên quần áo của họ hoặc giấu chúng trong các con búp bê dùng làm quà tặng trẻ con. (Những điệp viên hiện đại dùng Microdot để tiến thêm một bước nữa trong việc phát triển ra kỹ thuật dựa trên ADN để gửi các thông điệp được mã hóa).
Vào đầu thập niên 1940, Nicolaus đã tuyển dụng một người bạn Đức tên là Max Vogel làm trung gian chuyển thư từ ở Colombia. Nicolaus đã mang những bức thư có chứa Microdot tới Colombia và tại đó Max Vogel chuyển tiếp chúng đến các hộp đựng đồ ở Peru, Chile, Argentina hoặc Brazil. Tại những nơi đó, thư từ sẽ được gửi trực tiếp đến Đức thông qua ngả Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha. Max Vogel cũng thu thập thông tin về ngành dầu khí của Venezuela cho ĐQX, đồng thời gửi cho Nicolaus thông tin chi tiết về cách tốt nhất để chuyển tiền sang Colombia. Mặc dù buổi ban đầu người Đức phái Nicolaus hành động nhằm thu thập hoạt động gián điệp kinh tế, nhưng chủ ngân hàng này đã tập trung rất nhiều thông tin tình báo về hải quân và hàng hải khi chiến tranh tiến triển.
Georg Nicolaus đã tiếp cận một đài phát thanh bí mật tại Mexico City, và được dạy cách dùng những tín hiệu điện báo cùng các công thức hóa học mới nhất để tạo nên thuốc nổ. Nicolaus trực tiếp kiểm soát 2 điệp viên ở Mỹ và có thêm những đường dây liên lạc khác nhằm cung cấp thông tin mật về các oanh tạc cơ và chiến cơ của Mỹ, cũng như mức độ sản xuất dầu, nhôm và thép trên đất Mỹ, theo những gì đã được tiết lộ trong cuốn sách “Chiến tranh Tango” về thời Thế chiến II của tác giả Mary Jo McConahay.
Số phận bậc thầy gián điệp
Josephus Daniels (đại sứ Mỹ tại Mexico) đã trao cho chính quyền Mexico nhiều bằng chứng về các hoạt động gián điệp của các điệp viên Abwehr (cơ quan tình báo quân sự của Đức Quốc xã hoạt động trong giai đoạn 1920 - 1945) bao gồm quý ông cao dỏng, tóc vàng Georg Nicolaus. nhưng khi đó Tổng thống Avila Camacho đang rất cần cân bằng đồng minh kinh tế của Mexico là Đức nhằm chống lại đồng minh địa lý của họ là Mỹ. Do vậy đã không có bất kỳ hành động khó chịu nào xảy ra mãi cho đến đầu năm 1942 sau khi xảy ra vụ tấn công Trân Châu Cảng. Nicolaus bị tóm và bị giải về phương Bắc, nơi người Mỹ không vội vàng đưa ông cho Berlin. Nicolaus đến Mỹ với những tang vật bị buộc tội gồm cả các Microdot.
Trong khi phía Mỹ cố ép Nicolaus để lấy thông tin thì người đồng đội Ruge bị đưa tới một trại tập trung ở Mexico. Nicolaus tìm cách lo lót để thoát thân và chiếm lấy cơ hội trở thành người đứng đầu tổ chức gián điệp báo cáo cho Berlin. Rất nhiều lá thư và búp bê ẩn giấu các Microdot đã được lưu hành trong suốt thời chiến. Năm 1946, Ruge qua đời ở Mexico (theo một tài khoản thì cho rằng ông này đã tự vẫn) vào cái ngày sau khi Ruge dọa sẽ giết bất kỳ sĩ quan cảnh sát nào nếu họ cố gắng bắt giữ ông ta. Tuy vậy vòng gián điệp vẫn còn nguyên vẹn. Dựa trên thông tin của FBI, Mexico thông tin cho đại sứ Mỹ rằng họ đã bắt giữ 21 nghi phạm và có ý định “hồi hương” về Đức - nói cách khác là đuổi thẳng. Khi việc này xảy ra chỉ có 13 người bị trục xuất, số còn lại đã đào tẩu hoặc “hối lộ” để thoát khỏi nơi giam giữ.
Về phần Georg Nicolaus, viên sĩ quan tình báo này đã được trao tặng Huy chương Chữ thập sắt hạng nhất vì đã phục vụ cho Đức trong suốt Thế chiến II, ông này vẫn ở Mỹ trong ít nhất 4 năm sau khi bị bắt vào năm 1942. Theo sử gia người Mexico, Alicia Gojman, thì Georg Nicolaus đã bị giam giữ tại Fort Lincoln cùng với hàng ngàn tù chiến tranh người Đức và Nhật. Năm 1895, Fort Lincoln được thành lập như một đồn quân sự để thay thế cho Fort Yates, sau khi Fort Abraham Lincoln bị đóng cửa ở mạn Tây của sông Missouri vào năm 1891. Năm 1941, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã biến Fort Lincoln thành trại giam các thủy thủ nước ngoài, những người bị bắt khỏi tàu của họ và bị giam giữ vì tội tham chiến trong Thế chiến II - mặc dù Hoa Kỳ vẫn giữ thái độ trung lập.
Viên chức Gestapo từ chối chia sẻ khi chiến sự đang nổ ra, song FBI nói rằng Nicolaus đã cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động gián điệp của Đức sau khi Thế chiến II chấm dứt. Người ta biết rất ít thông tin về chuyện gì đã xảy ra với Georg Nicolaus, người trạc tuổi 50 vào năm 1945, còn cả FBI lẫn BND (Cơ quan tình báo Đức) hầu như cũng im lặng. Nhiều đồng nghiệp thời ĐQX của Nicolaus đã đào tẩu sang Nam Mỹ và sử dụng cái gọi là “Đường chuột” - thuật ngữ ám chỉ đến một số hệ thống các tuyến đường đào tẩu của các phần tử ĐQX và phát xít chạy trốn khỏi Đức và Châu Âu từ năm 1945 trở đi ngay sau Thế chiến II.
Những tuyến đường này chủ yếu đi sang các nơi trú ẩn của Châu Mỹ mà cụ thể là ở Argentina, mặc dù cũng có thể ở Paraguay, Colombia, Brazil, Uruguay, Mexico, Chile, Peru, Guatemala, Ecuador và Bolivia cũng như sang Mỹ, Canada, Australia, Tây Ban Nha và Thụy Sỹ. Thậm chí CIA còn mở một cuộc điều tra xa hơn khi cho rằng Adolf Hitler vẫn còn sống và dùng Colombia làm căn cứ của mình khoảng vài tháng trong năm 1954 trước khi chuyển sang Argentina. Tuy nhiên, giả thuyết này phần lớn đã bị bác bỏ bởi giới sử gia và các bản ghi nhớ được giải mật bởi CIA đã bị xóa khỏi trang web của cơ quan này.