Bí mật vật liệu bên trong đồng hồ 311.000 USD

Đằng sau mức giá hàng trăm nghìn USD, đồng hồ Richard Mille ứng dụng vật liệu từ ngành hàng không, công nghệ xe đua và quy trình chế tác để tạo ra những mẫu đồng hồ bền bỉ.

 Richard Mille đã tiên phong ứng dụng công nghệ vật liệu từ F1 và siêu xe vào đồng hồ. Ảnh: Richard Mille.

Richard Mille đã tiên phong ứng dụng công nghệ vật liệu từ F1 và siêu xe vào đồng hồ. Ảnh: Richard Mille.

North Thin Ply Technology (NTPT), công ty tại Lausanne chuyên sản xuất vật liệu composite cho du thuyền America’s Cup, vệ tinh, xe đua F1 và hàng không vũ trụ, đang mở ra một hướng đi mới khi ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chế tác đồng hồ.

Sự hợp tác với Richard Mille, thương hiệu Thụy Sĩ nổi tiếng với những thiết kế kỹ thuật cao cấp và mức giá xa xỉ (trung bình 311.000 USD/chiếc), đánh dấu bước đột phá trong việc kết hợp vật liệu hiệu suất cao với tính thẩm mỹ tinh tế, theo Wired.

“Đây không phải điều mà một công ty như chúng tôi thường làm", Olivier Thomassin, kỹ sư phụ trách dự án, thừa nhận.

NTPT đã mang đến ngành chế tác đồng hồ 2 dòng vật liệu đặc biệt: Carbon TPT và Quartz TPT, tạo nên diện mạo khác biệt cho các thiết kế của Richard Mille.

RM 11-03, mẫu đồng hồ chủ lực trong quan hệ hợp tác với McLaren Automotive, nổi bật với lớp carbon màu xám than xen kẽ các dải cam rực rỡ. Trong khi đó, RM 74-02, chiếc tourbillon skeleton đầy cá tính, gây ấn tượng với các đường vân vàng óng ánh hòa quyện trong nền carbon, ánh sắc tinh xảo mất 3 năm để hoàn thiện.

 NTPT thay đổi cuộc chơi khi biến vật liệu composite thành đặc trưng xa xỉ của Richard Mille. Ảnh: Scanderbeg Sauer.

NTPT thay đổi cuộc chơi khi biến vật liệu composite thành đặc trưng xa xỉ của Richard Mille. Ảnh: Scanderbeg Sauer.

Vật liệu giá rẻ trên đồng hồ xa xỉ

Theo Thomassin, mọi thứ bắt đầu từ yêu cầu của Richard Mille hơn một thập kỷ trước là tạo ra vỏ đồng hồ thuần trắng.

Tuy nhiên, NTPT lại phát triển được vật liệu có màu đỏ trước tiên. Điều này phản ánh nguyên tắc chung của composite sợi như Kevlar hay sợi thủy tinh, kết hợp sợi siêu nhỏ trong ma trận nhựa polymer, tương tự bê tông hoặc ván MDF. Nhờ quá trình gia nhiệt và ép nén, vật liệu cuối cùng không chỉ siêu nhẹ, bền bỉ mà còn linh hoạt về màu sắc và kết cấu.

NTPT đã nâng tầm sợi thạch anh, vốn thường gắn với đồng hồ giá rẻ, thành vật liệu cao cấp cho Richard Mille. Với đặc tính không hoàn toàn trong suốt, thạch anh cho phép giữ màu sắc ổn định trong nhựa resin.

Dựa trên chuyên môn về phát triển resin, NTPT đã nghiên cứu và cho ra đời Quartz TPT, lần đầu xuất hiện trên đồng hồ Richard Mille vào năm 2015 với các phiên bản sọc trắng và đỏ rực.

 Phiên bản RM 35-03 Automatic Rafael Nadal. Ảnh: Hodinkee.

Phiên bản RM 35-03 Automatic Rafael Nadal. Ảnh: Hodinkee.

“Không chỉ đơn giản là chọn một màu Pantone, mỗi gam màu đều đòi hỏi quá trình nghiên cứu và thử nghiệm kỹ thuật phức tạp", Alexandre Mille, Giám đốc thương mại Richard Mille, chia sẻ. Chẳng hạn, màu xám nhạt trên RM 65-01 mất 3 năm tinh chỉnh trước khi đạt chuẩn.

Mẫu chronograph split-seconds lấy cảm hứng từ đua xe này còn sở hữu gam màu trẻ trung khác như vàng chuối, xanh baby. Dù có vẻ ngoài nhẹ như nhựa, vật liệu chế tác lại có độ bền cao hơn thép không gỉ nhiều lần.

Ngay từ năm 2001, Richard Mille đã tiên phong đưa công nghệ vật liệu từ F1 và siêu xe vào chế tác đồng hồ, hiện thực hóa ý tưởng tạo ra “chiếc xe đua trên cổ tay".

Giá đồng hồ đắt gấp 3.000 lần

Sự hợp tác giữa Richard Mille và NTPT không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo màu sắc mà còn đưa vào đồng hồ những công nghệ vật liệu tiên tiến như ống nano carbon, graphene và silicon carbide.

Nhờ những cải tiến này, đồng hồ thạch anh của Richard Mille có giá cao gấp 3.000 lần so với các mẫu thạch anh thông thường, nhưng đi kèm là độ tinh vi và chất lượng vượt trội.

Vỏ đồng hồ được tạo thành từ khoảng 600 lớp sợi composite xếp chồng theo góc 45 độ, giúp cấu trúc đạt độ bền và độ cứng đồng đều theo mọi hướng (quasi-isotropic). Những lớp này được sắp xếp thủ công lên khuôn cong, tạo nên các đường vân sóng đặc trưng, như trên mẫu RM 35-03 của Rafael Nadal, với phiên bản xám bạc hoặc xanh dương đậm.

 Lò hấp áp suất trong đó thạch anh trải qua quá trình đóng rắn, đun nóng đến 120 độ C. Ảnh: Scanderbeg Sauer.

Lò hấp áp suất trong đó thạch anh trải qua quá trình đóng rắn, đun nóng đến 120 độ C. Ảnh: Scanderbeg Sauer.

NTPT áp dụng công nghệ Thin Ply Technology, tạo ra các lớp vật liệu mỏng hơn so với composite tiêu chuẩn. Sợi thạch anh được nhập về dưới dạng cuộn chỉ, sau đó phân tách thành các sợi silica siêu mỏng (vài micron), rồi kết hợp với nhựa resin để tạo thành băng prepreg dày tối đa 45 micron.

Các cuộn băng này được đưa vào máy ATL, hệ thống robot tự động, để xếp chồng các lớp theo mô hình đan chéo, giúp tối ưu độ cứng, khả năng chịu lực và chống nứt vỡ.

Tiếp theo, vật liệu được ép nhiệt trong lò hấp áp suất cao (120°C, 6 bar) để kết dính thành khối rắn chắc. Cuối cùng, chúng được cắt bằng tia nước siêu chính xác và đưa đến xưởng Jura để gia công CNC, hoàn thiện từng chi tiết vỏ đồng hồ.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ntpt-thay-doi-cuoc-choi-khi-bien-vat-lieu-composite-thanh-dac-trung-xa-xi-cua-richard-mille-anh-post1528608.html