Bí mật về cuộc 'đổi mạng' cho anh Nguyễn Văn Trỗi
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của các dân tộc bị áp bức ở thế kỷ XX, chưa có trường hợp nào mà hai quốc gia ở cách nhau nửa vòng trái đất lại có sự 'chia lửa' như vụ các du kích quân của Venezuela bắt cóc một tên trung tá Mỹ để đòi đổi lấy mạng sống của anh Nguyễn Văn Trỗi, một chiến sĩ biệt động của Việt Nam. Vì nhiều lý do bất khả kháng, mà cuộc trao đổi này không thành công, nhưng việc làm đó đã thể hiện tình hữu nghị lớn lao của nhân dân hai nước. Và chiến công đó còn ảnh hưởng mãi cho đến hôm nay và mai sau. Tôi đã gặp một người trực tiếp bắt trung tá Michael Smolen tại thủ đô Caracas. Và ông đã kể lại toàn bộ cuộc bắt cóc có một không hai này.
Năm ngoái, tôi có chuyến công tác tại Venezuela. Ngay từ khi lên máy bay, trong tôi đã nung nấu một dự định là phải tìm gặp bằng được những người du kích đã bắt cóc tên trung tá không quân Mỹ để đòi đổi lấy anh Nguyễn Văn Trỗi. Cũng biết đây là việc không dễ bởi thời gian tôi ở Venezuela chỉ có 4 ngày và qua thông tin tôi nắm được thì 12 trong nhóm du kích chỉ còn 4 người. Một số đã mất vì tuổi tác, có người bị mất tích ngay từ thời đó.
Sau khi đến thủ đô Caracas, tôi đã nhờ đồng chí Trần Tấn Huân, Đại sứ Việt Nam tại Venezuela giúp đỡ. Anh hứa sẽ cố gắng hết sức nhưng cũng không dám chắc là có thể gặp được ai bởi lẽ trong tay anh cũng không có địa chỉ cụ thể của những người du kích còn sống. Nhưng anh cũng cho biết, Hội Hữu nghị Venezuela - Việt Nam hoạt động rất tích cực và trong số này, có người từng là thành viên trong nhóm du kích đã bắt trung tá Smolen. Cho nên, nếu nhờ được họ thì chắc chắn có thể gặp được người mà tôi mong muốn.
Và cũng thật bất ngờ, trong buổi Hội đàm của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng với Bộ Năng lượng Venezuela, tôi lại được gặp ông Angel N. Bastidas, Bí thư thứ 2 Sứ quán Venezuela tại Việt Nam. Ông là nhà báo và thành viên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Venezuela - Việt Nam. Tôi đặt vấn đề với ông và được ông đồng ý ngay. Tuy nhiên, ông cũng cho biết là trong nhóm trực tiếp có 4 người thì chỉ có hai người còn sống là ông Argenis Martinez và ông Carlos Rey. Nhưng cả hai ông đều ở rất xa. Ông Rey, ở cách Caracas đến cả ngàn cây số cho nên không thể gặp được. Chỉ còn ông Argenis Martinez, ở cách Caracas gần 300km là còn có thể.
Nhưng hiện nay, ông Martinez bị đau chân, đi lại rất khó khăn, hơn nữa, ông không có vợ con, không nghề nghiệp mà sống bằng lương hưu cộng với trợ cấp của chính phủ, mỗi tháng được khoảng hơn 1.000 Boliva (tương đương với 450 USD). Số tiền này mà sống ở Venezuela cũng không đến nỗi nào. Ông Bartidas hứa với tôi là sẽ cố gắng mời được ông Martinez đến Caracas. Trong lúc mà thời gian tôi ở Venezuela chỉ còn tính bằng giờ thì nhận được tin ông Martinez sẽ đến gặp tôi tại khách sạn Melia vào lúc 15h.
Khi thấy ông Martinez được một người cũng cứng tuổi dìu vào, trong tôi trào lên một nỗi xúc động và chúng tôi ôm lấy nhau thân tình như những người bạn lâu ngày gặp lại nhau.
Tôi hỏi ông về chân phải bị đau như thế nào, ông cười và bảo ấy là ngày xưa, sau vụ bắt cóc Smolen, ông bị cảnh sát bắt và bị kết án tù 12 năm. Trong tù, ông bị chúng tra tấn dữ quá, chân phải của ông bị thương thành tật cho nên bây giờ, cứ trở trời là đau nhức khủng khiếp. Khi tôi hỏi về vụ bắt cóc tên trung tá Mỹ Smolen, ông cười buồn:
- Đến nay đã mấy chục năm trôi qua, nhưng tôi vẫn ám ảnh về vụ đó và thực sự chúng tôi ân hận. Ngày ấy, nếu tổ chức chúng tôi mạnh hơn một chút, có phương tiện liên lạc tốt hơn thì chắc chắn cuộc trao đổi để cứu anh Trỗi đã thành công. Sau này, cũng có nhiều ý kiến cho rằng chúng tôi bị lừa vì quá tin vào lời hứa của chính quyền nên đã thả tên Smolen nhưng thực sự không phải như vậy.
Rồi với giọng điềm tĩnh, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc bắt cóc vô tiền khoáng hậu đó.
Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nhân dân Venezuela rên xiết dưới sự cai trị của chế độ độc tài thân Mỹ của Tổng thống Raul Leoni. Chính vì thế mà phong trào đấu tranh du kích phát triển khắp mọi nơi. Có nhiều nhóm du kích nhưng nổi lên mạnh nhất là nhóm UTC (Unidad Tartien de conpale) mang tên Livia Gouverneur và thuộc Binh đoàn hoạt động nội thành số 1 (Brigada Urbana N01), do Lui Correa làm Tư lệnh. (Ông Lui Correa cũng là một trong 10 người Venezuela đầu tiên sang Việt Nam từ năm 1965 để học kinh nghiệm đánh Mỹ). Toàn bộ lực lượng này trực thuộc tổ chức Các lực lượng Vũ trang giải phóng Quốc gia ( FALN). Với những du kích quân Venezuela, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã có sức khích lệ, cổ vũ họ rất nhiều.
Vào một ngày đầu tháng 8/1964, Tư lệnh Luis Correa thông báo cho mọi người biết là ở Việt Nam có một người thợ điện tên là Nguyễn Văn Trỗi đã mưu sát tên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc. Namara. Cuộc ám sát không thành và anh Trỗi bị bắt. Chính quyền Sài Gòn sẽ mang anh ra xử bắn. Ông Luis Correa giao cho tổ chức hành động của UTC có 12 người phải tổ chức bắt cóc một tên Mỹ nào đó để đổi lấy anh Trỗi.
Nhận được lệnh, tổ hành động họp bàn và lên danh sách những tên Mỹ có thể bắt được. Bắt bọn lính Mỹ thì không khó, nhưng vấn đề là phải chọn được một tên nào có giá trị, để đủ "kilô" đổi lấy anh Trỗi. Sau khi lựa chọn, nhóm hành động quyết định tập trung vào tên trung tá Mỹ Michael Smolen, đang là Phó trưởng Cơ quan quân sự Mỹ tại Venezuela.
Smolen là phi công tiêm kích trong Đại chiến thế giới lần thứ II, đã lập nhiều chiến công trong các cuộc không chiến với không quân Nhật trên vùng trời Thái Bình Dương. Smolen đã được thưởng nhiều huân, huy chương và được coi là người hùng trong quân đội Mỹ. Smolen cùng với vợ và hai con ở một căn biệt thự nhỏ nằm trong dãy biệt thự dành cho những người giàu có tại Bello Monte.
Tổ hành động chia 12 người ra làm 4 nhóm. Một nhóm đi bắt, một nhóm áp giải chuyển đi, nhóm giam giữ và nhóm trao đổi. Do hoạt động bí mật nên nhóm nào biết việc nhóm ấy, thậm chí còn không biết cả tên những người của nhóm khác. Ông Martinez được giao nhiệm vụ đi bắt tên Smolen cùng với 3 người khác là Noel Quintero, chỉ huy cả nhóm, Raul Rodique và Carlos Rey; chỉ nhận nhiệm vụ, ông Martinez tổ chức đi trinh sát và tìm hiểu quy luật hoạt động của Smolen.
Sáng nào cũng vậy, Smolen dậy từ 6h sáng, tập thể dục đến 7h và sau đó là đi ăn sáng. Đúng 8h thì Smolen ra khỏi nhà và tự lái xe đến Cơ quan đại diện quân sự Mỹ. Sau một tuần điều tra và nắm vững quy luật đi lại của Smolen, các ông quyết định hành động. Nhưng muốn đưa Smolen ra khỏi Caracas giao cho nhóm áp giải thì phải có ôtô, mà điều ấy đối với du kích là không thể vì họ không có xe.
Trong quá trình đi trinh sát, họ đã phát hiện thấy ở một khu chung cư cách Bello Monte không xa lắm có nhiều xe ôtô đỗ ở đường và thế là họ bàn nhau phải lấy cắp một chiếc. Nhưng cả 4 người đều không biết lái xe nên phải xin thêm một người lái xe là Davis Salazan. Đêm hôm đó, cả nhóm tới ngủ trong một căn lều bỏ hoang tại khu rừng thuộc quận Los Chaguaramos.
Mờ sáng hôm sau, họ đến khu chung cư và thật may mắn khi thấy một viên cảnh sát đang lúi húi lau chùi một chiếc xe con, nhãn hiệu Chevrolet. Trong vai những người lao động nghèo khổ, họ tới và hỏi viên cảnh sát đường nào đi đến Bello Monte. Lừa khi viên cảnh sát mất cảnh giác. Raul Rodique dùng báng súng đập vào đầu làm hắn ngã quay ra, bất tỉnh. Họ nhét luôn hắn vào một chiếc bao tải, buộc chặt lại rồi ném vào thùng xe và phóng xe đến khu biệt thự của Smolen.
Ông Salazan ở lại trông xe còn ông Noel Quintero và Carlos Rey đi ra sân sau nhà Smolen; ông Martinez và Raul Rodique thì vòng ra phía đầu hồi. Tất cả chờ khi Smolen xuất hiện là xông vào bắt. Nhưng đã đến 8h mà không thấy Smolen xuất hiện. Thời gian cứ chậm chạp trôi qua và nhóm du kích tưởng kế hoạch bị lộ nên Smolen thay đổi giờ... (về sau, họ mới biết rằng, hôm đó Smolen mời một nhân vật trong chính quyền Caracas đến ăn sáng vì thế ra muộn). Đến 9h sáng, đúng lúc ông Noel Quintero ra hiệu cho cả nhóm rút lui thì bỗng cánh cửa nhà Smolen mở, người phục vụ xuất hiện và cung kính đứng chờ. Động thái này cho thấy Smolen sẽ ra.
Ngay lập tức cả nhóm áp sát ngôi nhà và khi Smolen vừa bước xuống thềm thì ông Martinez xông tới gí súng vào đầu... Vì quá bất ngờ, Smolen không kịp kêu tiếng nào. Cả nhóm lôi Smolen ấn vào chiếc xe do Davis Salazan lái và họ lột luôn quân phục của Smolen. Chiếc xe chạy theo đường tắt và đi đến một vùng rừng cách Caracas khoảng 50 cây số. Tại đây, có một khu căn cứ của UTC. Smolen được giao cho tổ áp giải và giam giữ do ông Casado chỉ huy, còn ông Martinez và cả nhóm lại lên một chiếc xe khác trở về Caracas.
Bàn giao Smolen xong, ông Martinez mới nhớ đến viên cảnh sát bị nhét trong bao ở "cốp" sau của xe. Họ vội vàng mở ra thì hắn đã chết ngạt từ khi nào. Trên đường về, thấy một bầu không khí căng thẳng tột độ bao trùm Caracas. Cảnh sát, quân đội đứng đầy đường và kiểm tra kỹ từng chiếc xe. Ông Martinez không về nhà mình mà đến nhà ông Noel để cất vũ khí...
Khi ông trở về nhà, người chị gái hỏi ngay: "Em vừa bắt thằng Mỹ phải không?". Giật mình trước câu hỏi của chị, nhưng ông vẫn bình tĩnh trả lời: "Thằng Mỹ nào? Sao chị lại hỏi tôi thế?". "Chị vừa nghe đài, thông báo có một thằng Mỹ bị quân khủng bố bắt cóc. Quân chính phủ đang truy lùng... chị đoán là tổ chức của em bắt nó. Mấy hôm nay, chị thấy em khác lạ lắm".
Đến nước này thì Martinez cũng đành thú thật và nói rõ mục đích của cuộc bắt cóc. Bà chị lập tức khen ngợi việc làm của cậu em và khuyên Martinez nên đi thật xa khỏi Caracas vì thế nào quân chính phủ cũng lùng bắt.
Trong lúc Smolen bị giam giữ tại khu căn cứ thì một nhóm khác đã gửi thư cho Cơ quan đại diện quân sự Mỹ, Tổng thống Raul Leoni và một số tờ báo lớn, đặt điều kiện: Phải thả ngay Nguyễn Văn Trỗi ở Việt Nam và nếu chính quyền Sài Gòn thân Mỹ xử bắn anh Trỗi thì 3 giờ sau, họ sẽ hành quyết Smolen. Ngay sáng hôm sau, thông tin về cuộc "mạng đổi mạng" này tràn ngập các báo. Hồi ấy, các tờ báo ở Venezuela bị chính quyền độc tài Leoni kiểm duyệt cực kỳ gắt gao. Cho nên, các tờ báo đều có một giọng điệu giống nhau. Các du kích quân thì bị gọi là "bọn khủng bố" và đám bồi bút vẽ lên hình ảnh của họ là những tên chuyên đi cướp của, giết người...
Cơ quan quân sự Mỹ ở Venezuela lập tức ra tuyên bố là sẽ đồng ý với điều kiện trao đổi Smolen lấy anh Nguyễn Văn Trỗi và đề nghị phía du kích "cho thêm thời gian". Nhưng vừa tìm cách "tháo ngòi nổ", chúng vừa mở một chiến dịch săn lùng với quy mô toàn quốc.
Do không nắm được thông tin chính xác và lại luôn phải chạy trốn trước sự săn đuổi của cảnh sát và quân đội, và chạy đi đâu cũng phải đưa Smolen đi theo thấy nguy cơ bị bại lộ ngày càng lớn, nên những người chỉ huy UTC rất lúng túng... Cuối cùng, họ tuyên bố sẽ thả Smolen và mong muốn chính quyền Mỹ cũng sẽ thả anh Nguyễn Văn Trỗi.
Đến ngày thứ 3 sau cuộc bắt cóc, một số du kích đóng vai cảnh sát đưa Smolen về trung tâm Caracas và thả hắn ra.
Ai ngờ, chỉ 3 ngày sau Smolen được thả, chính quyền Nguyễn Khánh của ngụy Sài Gòn ra lệnh xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi.
Còn ông Martinez, sau khi biết tin Smolen đã được thả, ông lập tức lên đường chạy về miền Đông Venezuela. Nhưng đến nửa đường thì ông bị bắt. Tối ngày 15/10/1964, một tên cai ngục vào phòng giam và mang theo một chiếc đài bán dẫn. Hắn mở to cho ông nghe bản tin thời sự tối. Tin đầu tiên là thông báo về việc xử bắn Nguyễn Văn Trỗi. Nghe tin, ông Martinez bật khóc...
Sau 3 tháng bị tra tấn dã man, đầu năm 1966, ông bị tòa án quân sự xét xử và kết án 12 năm tù. Sau này ông mới biết số phận của một số người trong số 12 du kích. Luis Fernado là chỉ huy của nhóm 12 người bị hy sinh trong một trận đánh khác; ông Leonardo Sanchez, người ở nhóm áp giải bị chết trong một tai nạn bí ẩn, số còn lại đều bị bắt...
Kể chuyện xong, ông Martinez rớm lệ, ông nói: "Tôi rất muốn được một lần sang Việt Nam để viếng mộ anh Trỗi".
Sự thực về vụ bắt cóc tên trung tá Mỹ để cứu anh Nguyễn Văn Trỗi của du kích Venezuela là thế đó.