Bí mật về rượu độc, linh đan chữa bách bệnh trong phim TQ

Rượu độc, viên đan dược xuất hiện trong các dự án phim cổ trang Trung Quốc là những chi tiết khiến nhiều người tò mò.

Những ai là fan trung thành của các bộ phim cổ trang Trung Quốc có lẽ đã từng nhiều lần thắc mắc về những viên thuốc được xem là tiên dược, có khả năng "cải tử hoàn sinh", chữa được bách bệnh hay những chén rượu độc có màu sắc khác nhau khiến người uống phải bỏ mạng.

Cảnh uống rượu trong phim cổ trang Trung Quốc.

Cảnh uống rượu trong phim cổ trang Trung Quốc.

Mới đây, một trang tin Trung Quốc đã vén màn bí mật về những viên thần dược và chén rượu độc thường xuất hiện trong các dự án phim cổ trang khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.

Nói về những cảnh các đại hiệp nốc cạn bình rượu trong các phim cổ trang Trung Quốc, người xem đoán rằng thứ chất lỏng đó chỉ là nước lọc. Nhiệm vụ của diễn viên là phải diễn sao cho tốt, khiến người xem có cảm giác như họ đang uống rượu thật vậy.

Nhưng để tăng tính chân thật, một số đoàn phim đã lựa chọn loại chén được phủ một lớp sơn đặc biệt. Chỉ cần ngửi thấy mùi sơn này, gương mặt diễn viên đỏ ửng, cảm giác cay cay như vừa uống phải rượu thật.

Một nhân viên bộ phận đạo cụ có kinh nghiệm cho biết hầu hết các diễn viên đều không thích thú với loại chén, bát này. Có người vừa nhìn thấy đã khó chịu ra mặt nhưng buộc phải chấp nhận. Chỉ có những ngôi sao lớn, đoàn làm phim mới có sự nhượng bộ.

Hầu hết các diễn viên đều không thích thú với loại chén, bát được phủ một lớp sơn đặc biệt.

Hầu hết các diễn viên đều không thích thú với loại chén, bát được phủ một lớp sơn đặc biệt.

Trong một vài bộ phim có cảnh các đại hiệp uống say, cao hứng dùng đầu đập vỡ bình rượu, để hạn chế gây thương tích cho diễn viên, đoàn phim phải tìm cách.

Cụ thể, nhân viên bộ phận đạo cụ tạo ra cách cô đặc nước đường, rót vào khuôn đúc rồi chờ đông lại. Sau có thể dùng bình rượu được đông bằng nước đường để diễn. Điểm hạn chế của cách thức này là bình rượu đó không thể chứa quá nhiều nước. Tuy vậy, bình rượu được làm bằng nước đường đều không mang lại cảm giác dễ chịu cho diễn viên.

Đối với rượu độc, bộ phận đạo cụ sẽ sử dụng nước ngọt có ga pha với nước lọc tạo nên hỗn hợp có màu, gợn bọt. Sau khi uống thứ chất lỏng được xem là thuốc độc, diễn viên sẽ diễn nét bị thổ huyết hoặc sùi bọt mép. Khi đó, các diễn viên sẽ được ngậm dung dịch siro đặc hoặc chất lỏng có pha màu thực phẩm đảm bảo an toàn.

 Một số viên thuốc xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc.

Một số viên thuốc xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc.

 Cảnh thổ huyết trong phim cổ trang Trung Quốc.

Cảnh thổ huyết trong phim cổ trang Trung Quốc.

Với những cảnh nhân vật uống thuốc độc dạng viên hoặc đan dược trong phim cổ trang Trung Quốc, các diễn viên cảm thấy dễ chịu hơn. Bởi những viên thuốc này được làm từ nhiều loại thực phẩm như bột mỳ, ô mai hoặc socola…

Ví dụ như trong phim "Trạch Thiên Ký", nhận vật Trần Trường Sinh (Lộc Hàm) bị hôn mê và được dùng thuốc để giải độc trong người. Thực chất, viên thuốc giải đó được làm từ rong biển.

Trong tập đầu tiên của "Trần Thiên Thiên trong lời đồn", Hàn Thước (Đinh Vũ Hề) lên cơn đau tim do đụng trúng "Tam công chúa" Trần Thiên Thiên (Triệu Lộ Tư). Anh được cho uống viên thuốc để làm giảm cơn đau. Viên thuốc đó chính là viên kẹo socola. Chia sẻ với truyền thông Trung Quốc, nam diễn viên đã có chia sẻ hài hước liên quan đến cảnh quay này.

Theo P.N/ Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/giai-ma/bi-mat-ve-ruou-doc-linh-dan-chua-bach-benh-trong-phim-tq-1430164.html