Bị Mỹ cấm vận, Huawei củng cố vị thế ở châu Phi
Khi Mỹ dẫn đầu một liên minh phương Tây tẩy chay Huawei vì lo ngại về vấn đề an ninh, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã tìm cách củng cố vị thế của mình ở châu Phi, theo báo South China Morning Post.
Huawei đang đóng vai trò hàng đầu trong việc phát triển mạng điện thoại di động 5G thế hệ tiếp theo trên toàn thế giới. Nhưng hãng này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi bị Washington buộc tội do thám cho chính phủ Trung Quốc.
Và khi mà Washington và Bắc Kinh mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại leo thang, các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi không biết phải ngả theo bên nào, giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Một trong số đó chính là các quốc gia châu Phi, nơi mà Trung Quốc đang giữ vai trò đối tác thương mại hàng đầu.
Huawei, nhân tố chính trong căng thẳng Mỹ-Trung, đã ký một thỏa thuận để tăng cường hợp tác với Liên minh châu Phi (AU) vào tuần trước.
“Đây là cách để Huawei chứng tỏ rằng họ vẫn đang hiện diện ở châu Phi và sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng rất quan trọng này”, ông Ruben Nizard, chuyên gia kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính Pháp Coface, cho biết.
Huawei đã có mặt trên khắp châu Phi kể từ khi ra mắt tại Kenya vào năm 1998 và hiện đang hoạt động tại 40 quốc gia, cung cấp mạng 4G cho hơn một nửa lục địa.
Hãng này sẽ giới thiệu mạng điện thoại di động 5G truyền dữ liệu với tốc độ lớn hơn nhiều - tại Ai Cập cho Cúp bóng đá châu Phi, sẽ được tổ chức từ ngày 21-6 đến 19-7.
“Châu Phi là một thị trường mà Huawei đã xác định và chinh phục được nhờ một chiến lược tấn công dựa trên tài trợ tài chính giá rẻ và tốc độ triển khai nhanh”, ông Satchu, một nhà phân tích kinh tế độc lập ở Nairobi, cho biết.
“Việc Huawei đã được trang bị cho AU nói lên tất cả”, ông nói thêm.
Sự hiện diện của Huawei tại châu Phi vượt xa việc bán điện thoại thông minh và xây dựng mạng di động.
Ở Nam Phi, hãng này cung cấp các khóa đào tạo tại các trường đại học hàng đầu của đất nước, và năm nay họ cho ra mắt một khóa học chuyên môn về 5G.
Vào tháng 4, chính phủ Kenya đã ký một thỏa thuận trị giá 172 triệu USD (khoảng hơn 4.000 tỉ đồng) với Huawei để xây dựng một trung tâm dữ liệu và các dịch vụ thành phố thông minh.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng cung cấp một chương trình giám sát an toàn cho toàn thành phố. Theo trang web của Huawei, sáng kiến này có thể ngăn chặn tội phạm nhắm vào người dân, khách du lịch, học sinh, người cao tuổi, v.v.
Sáng kiến đã được triển khai tại thủ đô Nairobi của Kenya, cũng như đảo quốc Mauritius với 4.000 máy quay video giám sát “thông minh” được thiết lập tại 2.000 địa điểm trên khắp đảo quốc Ấn Độ Dương này.
Một số cơ quan truyền thông ở Mauritius đã lên án hệ thống này là một kiểu “độc tài kỹ thuật số” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ An ninh của Ghana, Albert Kan-Dapaah cho biết, công nghệ giám sát video của Huawei sẽ giúp bắt tội phạm.
Huawei Marine, công ty con sản xuất cáp ngầm của Huawei, đã giúp triển khai một hệ thống cáp ngầm dài 12.000km, kết nối châu Phi và châu Á.
Với việc Huawei đã thâm nhập sâu vào châu Phi, lục địa này khó tránh khỏi việc trở thành nạn nhân trong cuộc chiến Mỹ-Trung. “Châu Phi bị mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại mà họ không cần phải tham gia, bởi vì họ chẳng thu được gì”, ông Nizard nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/bi-my-cam-van-huawei-cung-co-vi-the-o-chau-phi-838965.html