Bị Mỹ và EU đồng thanh lên án liên quan Biển Đông, Trung Quốc tỏ thái độ thách thức
Liên minh châu Âu và Mỹ đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về những 'hành động có vấn đề và đơn phương' của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như eo biển Đài Loan.
Một tuyên bố báo chí chung được đưa ra hôm thứ 2.12 sau ngày đầu tiên của cuộc Đối thoại cấp cao về Trung Quốc của Mỹ - EU cho biết các hành động của Bắc Kinh “phá hoại hòa bình và an ninh trong khu vực và có tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của cả Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu”.
Trung Quốc chơi ngoại giao vòi rồng trên biển
Nhiều vấn đề tồn tại của Trung Quốc
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Tổng thư ký cơ quan đối ngoại EU Stefano Sannino đã thảo luận về “danh sách ngày càng tăng các hành động đáng lo ngại của Trung Quốc” và các cách tiếp cận tương ứng của họ.
Tuyên bố cho biết hai quan chức Sherman và Sannino “đã thảo luận về các vụ vi phạm và lạm dụng nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc, gồm cả việc đàn áp có hệ thống đối với các nhóm thiểu số dân tộc và tôn giáo ở Tân Cương và ở Tây Tạng, và sự xói mòn quyền tự chủ và dân chủ ở Hồng Kông”.
Họ bày tỏ sự quan tâm chung trong việc tiếp tục trao đổi và hợp tác, kể cả tại các diễn đàn đa phương, về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Họ cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp và nguyên tắc quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả của các thể chế đa phương bằng cách phối hợp thúc đẩy các ưu tiên chung liên quan đến nhân quyền, các tiêu chuẩn toàn cầu, các thủ tục thể chế rõ ràng và bất cứ khi nào có thể về bầu cử trong các tổ chức quốc tế. Nhận thấy tác hại của thông tin sai lệch đối với các xã hội dân chủ, họ bày tỏ sự sẵn sàng chia sẻ sâu hơn thông tin Mỹ-EU về thông tin sai lệch do Trung Quốc tài trợ hoặc hỗ trợ.
Hai ông Sherman và Sannino tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ và xây dựng khả năng phục hồi về kinh tế và công nghệ, đa dạng hóa và tăng cường chuỗi cung ứng, cũng như giải quyết tình trạng ép buộc kinh tế. Họ nhắc lại tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa EU và Mỹ để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, gồm cả việc đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các quốc gia. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở hạ tầng quan trọng và các công nghệ nhạy cảm, cũng như chia sẻ thông tin về các công cụ để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế, giảm thiểu lỗ hổng, bảo vệ lỗ hổng trước rủi ro, kể cả từ các hoạt động phi thị trường.
Hai đại diện công nhận tầm quan trọng của ngoại giao với Trung Quốc, đặc biệt là khi các lợi ích giao nhau và nơi có thể hợp tác mang tính xây dựng. Họ đã thảo luận về các cuộc họp cấp cao gần đây của EU và Mỹ với các quan chức chính phủ Trung Quốc, bao gồm hỗ trợ các mục tiêu chung ở Iran và bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc can dự theo định hướng kết quả đối với các thách thức xuyên quốc gia chính như khủng hoảng khí hậu, sức khỏe, an ninh, nạn buôn bán người và ma túy. Dựa trên các tuyên bố gần đây của EU-Trung Quốc và Mỹ-Trung Quốc về hành động khí hậu, họ đã thảo luận làm việc với các đối tác của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề chính sách như giảm phát thải khí mê-tan và khử carbon, cũng như chia sẻ kết quả của các cuộc họp này.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các mối quan hệ liên tục và chặt chẽ với nhau “khi đầu tư và phát triển nền kinh tế, hợp tác với Trung Quốc nếu có thể, và quản lý sự cạnh tranh cũng như đối phó mang tính hệ thống với Trung Quốc một cách có trách nhiệm”.
Lo ngại Trung Quốc tại Biển Đông
Còn vào hôm qua, ngày thứ hai của cuộc họp, hai bên tập trung vào các cuộc tham vấn cấp cao về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đại diện hai bên bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về các hành động đơn phương và có vấn đề của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như eo biển Đài Loan phá hoại hòa bình và an ninh trong khu vực và có tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của cả Mỹ và Liên minh châu Âu. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật Biển năm 1982 và thảo luận về cách đối phó với rủi ro trong các lĩnh vực ổn định chiến lược và an ninh mạng.
Gần đây, cả hai bên đều lên tiếng ủng hộ Philippines về việc Trung Quốc quấy rối các tàu tiếp tế của Philippines ở Biển Đông, nói rằng việc Bắc Kinh “khẳng định các tuyên bố chủ quyền vô lối và trái pháp luật của họ trên Biển Đông làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực”.
Trung Quốc nhận là nạn nhân của 'Tâm lý Chiến tranh Lạnh'
Khi được hỏi về phản ứng với cuộc họp, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc E.U. và Mỹ nắm giữ “tâm lý Chiến tranh Lạnh”.
Người phát ngôn Uông Văn Bân hôm 2.12 nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng “Trung Quốc, Mỹ và E.U. đều là những lực lượng quốc tế lớn” và ba bên không nên “tham gia vào các trò chơi có tổng bằng không”.
“Việc vẽ ra các đường lối tư tưởng và tạo ra các bè phái nhỏ không có lợi cho hòa bình thế giới và sẽ chỉ gây hại cho bản thân và những người khác”, ông Vương tỏ ý răn đe.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông bất chấp bị các nước láng giềng và quốc tế phản đối. Trước thái độ của quốc tế, Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối sự can dự của “các bên thứ ba” như Mỹ vào các tranh chấp lãnh thổ, ưu tiên các dàn xếp song phương với các nước trong khu vực.
Đáp lại, Washington cho biết Mỹ đã và luôn là một quốc gia Thái Bình Dương và kêu gọi Trung Quốc duy trì luật pháp và các nguyên tắc quốc tế.
Cuộc họp Đối thoại cấp cao Mỹ - EU về Trung Quốc lần đầu được tổ chức hồi tháng 5 và cuộc họp tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa năm 2022.