Bí ngô được chọn là biểu tượng trong dịp lễ Halloween, câu chuyện kỳ bí phía sau không phải ai cũng biết
Trong dịp lễ Halloween, bí ngô trở thành hình ảnh vô cùng quen thuộc. Thế nhưng không phải ai cũng biết vì sao loại quả này trở thành biểu tượng của lễ hội hóa trang này.
Vào dịp lễ Halloween hàng năm, những quả bí ngô có hình thù dữ tợn, độc đáo là thứ không thể thiếu. Ngoài tác dụng dùng để trang trí, loại quả này gắn liền với quan niệm xua đuổi tà ma của người phương Tây.
Trang History đưa tin, việc bí ngô gắn bó mật thiết với dịp Halloween xuất phát từ sự tích “Jack O’Lantern” của người dân Ireland, kể về một anh nông dân có biệt danh “Jack hà tiện”, thường chỉ giao du với một con quỷ.
Trong một lần, Jack mời quỷ đi uống rượu nhưng do bản tính keo kiệt, không muốn trả tiền, anh ta gạ gẫm quỷ biến thành đồng tiền để trả cho người bán hàng.
Con quỷ đồng ý, không ngờ Jack lại tráo trở bỏ đồng tiền vào túi bên cạnh cây thánh giá bằng bạc, khiến quỷ không thể trở lại hình dạng ban đầu.
Con quỷ lúc này hoảng sợ, ra sức van xin Jack. Anh ta sau cùng đồng ý thả quỷ ra với điều kiện không được quấy nhiễu mình trong 1 năm. Ngoài ra, nếu Jack chết thì quỷ cũng không được thu linh hồn của anh ta.
Jack sợ quỷ quay lại làm hại mình sau khi hết 1 năm giao kèo nên nghĩ cách lừa quỷ lên cây hái táo. Trong lúc quỷ đang ở trên cây táo, anh ta nhanh chóng khắc cây thánh giá dưới gốc cây. Quỷ sợ không dám leo xuống nên đã thỏa thuận với Jack sẽ không trêu chọc anh chàng thêm 10 năm nữa.
Vài năm sau, Jack qua đời, con quỷ nhớ lời hứa với Jack nên đã không đến đưa linh hồn anh ta về địa ngục. Thế nhưng, trên thiên đường, Thượng đế cũng không chấp nhận Jack vì những điều xấu anh ta từng làm. Không có nơi nào tiếp nhận, kinh hồn anh ta lang thang khắp nơi.
Thấy tình cảnh của Jack, con quỷ thương hại lấy một quả bí ngô, moi hết ruột và cho vào ít than hồng của địa ngục, đưa cho Jack để anh ta sưởi ấm trên đường trở lại trần gian. Jack phải đục thủng quả bí ngô để không khí lưu thông giữ lửa không bị tắt.
Ánh lửa từ trong chiếu ra qua lỗ thủng, soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng theo niềm tin Thiên Chúa giáo.
Từ sự tích này, người dân ở Ireland và Scotland bắt đầu làm ra các phiên bản đèn lồng khác nhau trong lễ Halloween.
Họ khắc các đường nét khuôn mặt đáng sợ lên củ cải hoặc khoai tây, đặt nến vào trong rồi để ở cửa sổ hoặc gần cửa ra vào để xua đuổi các linh hồn ma quỷ lang thang. Các củ cải cỡ lớn thường được dùng ở Anh.
Sau khi truyền thống này du nhập sang Mỹ, người dân thấy rằng bí ngô dễ dàng hơn trong khâu khoét ruột, tạo nét. Dần dần, quả bí ngô trở thành vật không thể thiếu trong dịp lễ Halloween.
Đêm 31/10, rạng sáng ngày 1/11 hàng năm là thời điểm diễn ra lễ hội Halloween. Người ta tin rằng linh hồn của người chết sẽ trở về thăm nhà và để lại lời nhắn nhủ cho thân nhân trong giấc mơ.
Chính vì vậy, vào khoảng thời gian này, người phương Tây treo đèn lồng bí ngô trước cửa với hy vọng các linh hồn có đủ ánh sáng để tìm đường đi, không quấy rầy chủ nhà.
Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, người phương Tây quan niệm màu vàng tượng trưng cho sự thành công và giàu có. Họ thường trang trí nhà bằng bí ngô trong mùa Halloween với mong muốn nhận được hạnh phúc, may mắn.