Bị ngược đãi khi đăng thông tin cá nhân lên mạng

Việc chia sẻ câu chuyện bị bạo hành trên mạng có thể giúp nạn nhân tiếp cận các tổ chức hỗ trợ nhưng cũng là cơ sở để những kẻ ngược đãi truy tìm tung tích của họ.

Chỉ cách nhau vài ngày, 2 người phụ nữ đã bị chồng cũ giết chết sau khi vạch trần cuộc hôn nhân của họ trên mạng xã hội.

Ngày 18/7, Sania Khan (29 tuổi), một nhiếp ảnh gia đến từ Tennessee (Mỹ), đã bị chồng cũ sát hại bằng súng trong căn hộ của cô ở Chicago. Sau đó 3 hôm, Dana Alotaibi, một YouTuber, được tìm thấy bên lề đường ở Hawaii. Gây án xong, hung thủ, làm việc trong quân đội, đã cố gắng tự sát.

Cả 2 nạn nhân đều có đặc điểm chung là đăng nhiều nội dung về sự sứt mẻ trong đời sống tình cảm lên TikTok và YouTube.

Khan đã công khai những chi tiết cụ thể về vụ ly hôn của cô với Raheel Ahmed trên mạng xã hội, nơi cô có hơn 22.000 người theo dõi. Còn Alotaibi đã kể với gần 170.000 follower câu chuyện Bryant Castillo lừa dối và lạm dụng cô, theo Insider.

Tuy nhiên, các chuyên gia về bạo lực gia đình cho biết thật khó để nói chính xác liệu các diễn đàn trực tuyến có hỗ trợ và tiếp tay cho những vụ ngược đãi hay không. Theo họ, Internet là con dao hai lưỡi đối với nạn nhân bị ngược đãi trong chính ngôi nhà của mình.

 Nhiều nạn nhân bị sát hại sau khi đưa kẻ bạo hành ra ánh sáng. Ảnh: Alvaro Medina Jurado.

Nhiều nạn nhân bị sát hại sau khi đưa kẻ bạo hành ra ánh sáng. Ảnh: Alvaro Medina Jurado.

Kêu cứu trong vô vọng

Một mặt, những người sống sót chọn công khai hoàn cảnh của họ từ những nơi có “quyền lực”.

"Chúng tôi muốn đảm bảo họ có tiếng nói và được chia sẻ kinh nghiệm của mình cho công chúng", Ruth Glenn, chủ tịch và giám đốc điều hành của Liên Hiệp Quốc gia Chống bạo lực gia đình, nói.

Điều đó có thể trao quyền cho những nạn nhân để nói lên câu chuyện của họ và thể hiện sức mạnh sau khi thoát khỏi mối quan hệ tồi tệ.

Nhưng đồng thời, mạng xã hội cũng là mối nguy lớn, tạo điều kiện cho kẻ lạm dụng dễ dàng theo dõi và khai thác thông tin về nơi ở, động thái tiếp theo của nạn nhân.

Một báo cáo của Cục Thống kê Mỹ cho thấy trung bình, gần 20 người mỗi phút bị lạm dụng bởi bạn đời hoặc đối tác tình cảm. Trong một năm, con số này tương đương với hơn 10 triệu phụ nữ và đàn ông.

1/4 nữ giới và 1/9 nam giới bị bạo lực thể xác nghiêm trọng và mắc các vấn đề về sức khỏe như sợ hãi, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, bệnh tình dục.

 Bạo hành gia đình là vấn đề gây nhức nhối ở xứ cờ hoa. Ảnh: AFP.

Bạo hành gia đình là vấn đề gây nhức nhối ở xứ cờ hoa. Ảnh: AFP.

Theo người bạn lâu năm Grant Moore, Khan sẽ chuyển khỏi căn hộ ở Chicago để trở về quê hương Chattanooga, Tennessee vào ngày mất của cô.

Khan đã cập nhật kế hoạch này trên trang cá nhân. Moore nghi ngờ điều đó đã thúc đẩy người chồng cũ tấn công bạn cô vì hắn cho rằng đây là cơ hội cuối cùng.

Những kẻ ngược đãi sau khi bị vạch trần thường có xu hướng trả đũa. Các chuyên gia cho biết việc lên tiếng trên mạng về hành vi bạo hành có thể tạo thêm sức nặng trong mối quan hệ của cả 2. Đối phương sẽ tức giận vì mọi thứ dần mất kiểm soát và họ phải hứng chịu những lời chửi rủa.

Trong trường hợp của Khan và Alotaibi, hai người phụ nữ đều nhận được sự chú ý lớn khi họ chia sẻ hoàn cảnh của mình. Vì vậy, với những người chọn công khai, câu hỏi đặt ra không phải liệu họ có nguy cơ đối mặt với kẻ vũ phu hay không mà là khi nào nó sẽ xảy ra.

“Hung thủ dễ dàng xác định được địa chỉ của nạn nhân và tìm ra họ nhanh chóng, vấn đề nằm ở thời gian”, Jocelyn Anderson, giáo sư Penn State chuyên về bạo lực gia đình và tình dục, nhận định.

Mối nguy tiềm ẩn

Các chuyên gia nói với Insider rằng tốc độ phát triển nhanh chóng của các nền tảng truyền thông xã hội và cách chúng thay đổi cách con người tương tác với nhau nhanh chóng khiến việc tiến hành nghiên cứu về sự giao thoa giữa bạo lực gia đình - mạng xã hội trở nên khó khăn.

Theo Ruth Glenn, tình trạng này rất khó theo dõi vì nó thường xảy ra trong một không gian kín, riêng tư và thuộc về giới hạn của mối quan hệ tình cảm.

Ngoài ra, nạn nhân có thể sợ hãi khi kể lại về hành vi ngược đãi mà họ đang trải qua. Đôi khi, các cơ quan chức năng cũng khó xác định được nguồn gốc và độ xác thực của những nội dung trên Internet. Từ đó, việc quy trách nhiệm hoặc kiểm chứng cũng gặp nhiều trắc trở.

Quan trọng là người bị hại phải cân nhắc kỹ lưỡng về việc vạch trần trên mạng và ưu tiên an toàn của bản thân lên hàng đầu.

 Nạn nhân phải cân nhắc kỹ về sự an toàn của bản thân trước khi quyết định vạch trần kẻ bạo hành. Ảnh: Insider.

Nạn nhân phải cân nhắc kỹ về sự an toàn của bản thân trước khi quyết định vạch trần kẻ bạo hành. Ảnh: Insider.

"Tôi sẽ không bao giờ đề nghị một người sống sót tự giải phóng mình bằng cách không đăng lên mạng xã hội. Điều tôi muốn nói là hãy đảm bảo tính mạng của bản thân và những người họ quan tâm trước khi làm điều đó. Mỗi nạn nhân có cách xử lý khác nhau. Tuy nhiên, họ phải nhớ rằng sự an toàn vẫn có thể bị đe dọa nghiêm trọng”, Glenn nói.

Reed cho hay các nhà giáo dục về bạo lực gia đình đang khuyến khích mọi người tin vào những cá nhân đưa câu chuyện lạm dụng ra ánh sáng vì đó là một phần trong nỗ lực thay đổi văn hóa đối thoại trong vấn đề này.

Hiện tại, các tổ chức vẫn đang vật lộn để bắt kịp với tốc độ phát triển của Internet và các nền tảng trực tuyến.

Khi mạng xã hội mở rộng hơn và nạn nhân của lạm dụng tiếp tục tận dụng nó, những kẻ ngược đãi vẫn sẽ tìm cách phản ứng bằng các hành vi tàn ác khác nhau.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-nguoc-dai-khi-dang-thong-tin-ca-nhan-len-mang-post1345438.html